Theo quan điểm của ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, với tỷ giá tăng mạnh trong thời gian ngắn như vừa qua, người được lợi nhất thực ra là nông dân.
>>>Sức ép tỷ giá vẫn còn lớn
Ông Thông cho biết, về mặt nguyên lý chung, giá USD bật tăng cao sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu được hưởng lợi có thêm một khoản chênh lệch, nhất là đối với các công ty chuyên về xuất khẩu hàng hóa, nguyên liệu hoàn toàn trong nước, không phải nhập khẩu nguyên phụ liệu như nông sản hay thủy sản.
Tuy nhiên, hầu như doanh nghiệp nào cũng sẽ vay nên khoản bỏ túi chênh lệch này ít khi được ghi nhận. Phía ngân hàng cũng không được hưởng lợi từ chênh lệch tỷ giá vì cũng phải mua cân đối.
Hơn nữa, ông Thông cũng cho biết ở một khía cạnh riêng của xuất khẩu nông sản, “nước lên thì thuyền lên”, tỷ giá tăng thì người nông dân cũng tăng giá bán. Do đó, doanh nghiệp chỉ hưởng lợi nếu biết sử dụng các công cụ phái sinh, có tiềm lực tài chính và khả năng mở rộng, chủ động đàm phán với khách hàng. Chẳng hạn như doanh nghiệp có thể mua trước giao sau (theo hợp đồng tương lai), nhằm mua rẻ hơn và giao giá tốt hơn. Nhưng đây cũng là “cái bẫy” nếu doanh nghiệp lạm dụng trữ hàng theo hướng dự trữ tồn kho chờ mua rẻ bán đắt.
Riêng với thị trường châu Âu, ông Thông cho rằng đây là một trong các thị trường quan trọng của Việt Nam, nên khó khăn nhất là không chỉ Euro giảm giá, mà cái chính là doanh nghiệp Anh, EU gặp khó khăn. “Khách hàng của mình gặp khó khăn thì doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng”, ông Thông nói.
Tương tự, TS. Đinh Thế Hiển nói với DĐDN, tỷ giá “căng” nhưng chưa phải là thách thức lớn nhất của doanh nghiệp. Điều quan ngại nhất là khả năng giữ đơn hàng của doanh nghiệp trong bối cảnh nhà nhà thắt chặt chi tiêu. “Nếu tất cả đều thắt lưng buộc bụng chỉ chi trả đơn hàng cho năng lượng và đồ ăn thức uống thiết yếu ở mức tối thiểu nhằm thích nghi thời kỳ suy thoái, thì viễn cảnh sẽ rất u ám”, ông Hiển cảnh báo.
>>>Giá của ổn định tỷ giá
Ghi nhận đến hiện tại, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đã sụt giảm đơn giảm. Theo bà Trần Thị Tuyết Mai, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết trong quý II, khi doanh nghiệp đã tuyển đủ nhân công thì đơn hàng không có, nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng đến cuối năm 2022. Hiện Vitas đang thống kê để có hướng hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó tập trung vào những doanh nghiệp có lượng đơn hàng giảm nhiều, ảnh hưởng đến công nhân. Dệt may là một trong những ngành kim ngạch tỷ đô nhưng cũng được nhiều doanh nghiệp ví là "xương gà chiên bơ" vì phần chênh lệch giá trị gia tăng giữa gia công và xuất khẩu thu về, doanh nghiệp không được hưởng lợi nhiều. Theo đó, tỷ giá USD/VND lên thì doanh nghiệp có thể thu về được nhiều hơn / đơn hàng nhưng bù lại, cũng phải chi ra để trả hàng nhập khẩu nguyên vật liệu; trong khi đó chi phí nhân công có thể tăng. Dù vậy, rủi ro lớn nhất của dệt may hiện tại vẫn là thiếu đơn hàng khi nhiều thị trường giảm nhập hàng hóa may mặc.
Dù vậy, vẫn có những doanh nghiệp có đơn hàng tới quý III/2023, điển hình như Dệt may Thành Công. Công ty này lại có thị trường xuất khẩu lớn ở châu Á và đây lại là một bất lợi khi thị trường Nhật cũng có tín hiệu chịu tác động ảnh hưởng tới chi tiêu.
Có thể bạn quan tâm