Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về việc dùng ngân sách nhà nước mua lại 4 trạm BOT sai vị trí.
Trong bản báo cáo Chính phủ gửi tới các ĐBQH về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII về lĩnh vực GTVT cho thấy, đến nay có 15/19 trạm đã được khắc phục, tình hình an ninh trật tự, an toàn giao thông đã ổn định.
Đối với 4/19 trạm bất cập còn lại, do tính chất đặc thù nên việc triển khai các giải pháp xử lý gặp nhiều vướng mắc. Đánh giá 4 dự án không được thu phí trong thời gian dài gây khó khăn cho doanh nghiệp dự án, Bộ GTVT nhiều lần kiến nghị Chính phủ bố trí vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho phần đầu tư của các doanh nghiệp dự án và không phải thu phí tại các trạm này.
“Từ tháng 5 đến nay, các dự án BOT này vẫn chưa có hướng giải quyết nên nội dung báo cáo kiến nghị Quốc hội lần này của Bộ Giao thông Vận tải không có gì thay đổi”, đại diện Bộ nói và cho biết, vì kiến nghị liên quan vốn ngân sách nên Chính phủ sẽ phải xin ý kiến Quốc hội quyết định về nội dung này.
Tuy nhiên, bình luận về vấn đề trên, ĐBQH Bùi Văn Phương (Ninh Bình) khẳng định đây là đề xuất vô lý. Ông Phương nhấn mạnh, người chịu thiệt thòi từ bất hợp lý của một số dự án BOT chính là người dân, những người tham gia giao thông chứ không phải nhà đầu tư.
“Đề xuất vô lý trên có phải là do tư duy có dự án là làm, làm dự án bất chấp hiệu quả còn hậu quả đã có người khác gánh?”, ông Phương đặt vấn đề.
Ông Phương cho rằng, nguyên nhân sâu xa dẫn tới những mâu thuẫn tại các trạm BOT là quá trình đầu tư BOT chỉ do một bên doanh nghiệp ký kết với một bên quản lý dự án là Bộ GTVT và những văn bản này đều được đóng dấu mật.
“Việc này gây khó khăn, hạn chế trong việc xác định tính đúng đắn chính xác của việc áp dụng các quy định pháp luật trong triển khai, xây dựng các dự án BOT. Đồng thời, việc này gây cản trở cho việc tính đúng, tính đủ, tính chính xác chi phí tổng mức đầu tư cho dự án, dẫn tới tình trạng nhà đầu tư cứ thua lỗ là lại xin, đòi tăng, ép nhà nước phải mua lại...”, ông Phương nói.
Đồng quan điểm, ĐBQH Lê Công Nhường (Bình Định) cho rằng các doanh nghiệp đầu tư BOT phải “chơi đúng luật”.
“Doanh nghiệp đã đầu tư BOT thì phải tuân theo nguyên tắc thị trường, lời ăn, lỗ chịu, không thể có việc cố làm cho được dự án, bất kể hiệu quả đầu tư, tới khi bị phản đối, yêu cầu chấn chỉnh lại quay sang xin tiền ngân sách để mua lại”, ông Nhường nói.
Ông Nhường nhấn mạnh tiền ngân sách là tiền thuế của dân, lấy tiền ngân sách để trả cho chủ đầu tư một số dự án BOT giao thông khó thu phí vì đặt sai chỗ không khác nào chủ đầu tư làm sai lại bắt dân phải chịu. “Như vậy là không công bằng với người dân", vị đại biểu nói rõ và phân tích thêm “về nguyên tắc, đầu tư các dự án BOT phải bảo đảm được lợi ích của cả ba bên: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Song, hiện có khá nhiều dự án BOT giao thông lại chỉ đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, tận thu của người dân, còn ngân sách cũng chưa chắc đã thu được lợi mà lợi ích lại chảy về túi nhóm người khác.
Có thể bạn quan tâm