"Ngân hàng Nhà nước nên để cho thị trường tự do vận hành, không tìm cách khống chế lãi suất. Vì nếu khống chế lãi suất có thể tạo ra sự méo mó"...
Thay vì đưa lãi suất tiền gửi về 0% như đề xuất gây tranh cãi mạnh mẽ của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (Vafi), TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp những giải pháp khác mà theo ông, phù hợp với thực tế của thị trường tài chính-tiền tệ Việt Nam và theo cơ chế kinh tế thị trường.
- "Một đề xuất trên mây", "khôi hài", "thiếu thực tiễn"... là một số ít trong nhiều bình luận của giới chuyên môn xoay quanh đề xuất đưa lãi suất tiền gửi Việt Nam về 0%. Thực tế, nhiều quốc gia vẫn áp dụng trần lãi suất cận 0, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Phải nhấn mạnh rằng, đưa lãi suất về 0% là không phù hợp với môi trường tài chính tại Việt Nam, dễ dẫn đến sự rối loạn trên thị trường, gây ra rủi ro cho ngành ngân hàng, chứng khoán và nhiều lĩnh vực khác.
Lãi suất phải nhìn từ 2 phía, bao gồm người gửi tiền trong nước sẽ không chấp nhận lãi suất bằng 0% vì rủi ro cho các ngân hàng. Còn người nước ngoài đầu tư qua hình thức mua trái phiếu, chứng khoán hoặc gửi tiền vào hệ thống ngân hàng để đầu tư, mà mức độ rủi ro cao thì ta không thể nào trả cho họ lãi suất bằng 0%. Trong khi, điểm tín nhiệm quốc gia của Việt Nam đang ở mức thấp do mức độ rủi ro của nền kinh tế lại ở mức cao.
Không thể so sánh Việt Nam với nhiều quốc gia đang có chính sách tiền gửi thấp gần 0 hoặc bằng 0. Điển hình như tại Mỹ, lãi suất tiền gửi dao động từ 0-0,25% hay một số nước châu Âu, người dân còn phải trả phí khi gửi tiết kiệm. Nguyên nhân là vì môi trường tài chính tại đây có mức độ rủi ro thấp, nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Giữa rủi ro và lãi suất luôn tỷ lệ thuận với nhau và ở Việt Nam cũng vậy. Ngay cả như trái phiếu Chính phủ là an toàn nhất rồi, nhưng vẫn phải trả lãi suất, để thấy rằng, tiền gửi ngân hàng với lãi bằng 0 là không thể xảy ra.
Một điều đáng quan tâm hiện nay nữa đó là, lạm phát của Việt Nam đang ở mức cao, khoảng 3,5%. Mà để có lãi suất thực dương khi gửi tiền tại ngân hàng thì mức lãi suất huy động trừ đi lạm phát phải dương, nếu không người gửi tiền sẽ bị thiệt hại và không ai chấp nhận điều này. Hệ quả là mọi người sẽ ồ ạt rút tiền khỏi ngân hàng để đổ vào các kênh như chứng khoán, bất động sản, những kênh có khả năng sinh lời cao và ngay lập tức, khối ngân hàng sẽ mất thanh khoản. Chưa kể việc phát sinh bong bóng tài sản khi dòng tiền bị méo mó. Để giải quyết những hậu qủa này phải mất rất nhiều thời gian, chứ không phải trong ngày một ngày hai.
- Ông có nhận định gì về chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện nay; và theo ông nên có điều chỉnh gì trong 6 tháng cuối năm, thưa ông?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Hiện nay chủ trương hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà nước là chưa hợp lý, vì môi trường tài chính khó mà hạ lãi suất, khi các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay và tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng đầu năm khá nóng. Trong khi đó, đối tượng vay không chỉ là những người có nhu cầu trong sản xuất kinh doanh, mà còn có những món vay cho đầu tư tài chính như chứng khoán, bất động sản. Đặc biệt là phục vụ cho thị trường thứ cấp, không vào tay của những nhà phát hành mà vào tay của những người đầu cơ. Cho nên trong trường hợp này, lãi suất rất khó hạ, kèm theo tỷ lệ lạm phát đang bùng lên, giá cả nguyên vật liệu đầu vào, nhập khẩu tăng cao và lạm phát trên thế giới cũng đang tăng lên. Điều này dẫn đến việc hạ lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm có xác suất thành công là rất thấp.
Vậy thì chính sách tiền tệ nên ứng xử ra sao trong môi trường thế này, theo tôi, Ngân hàng Nhà nước nên để cho thị trường tự do vận hành, không tìm cách khống chế lãi suất. Vì nếu khống chế lãi suất có thể tạo ra sự méo mó trên thị trường tài chính, mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chủ trương hạ lãi suất đấy, nhưng để cho lãi suất tăng mới có lợi cho lạm phát và kiềm chế lạm phát tốt hơn.
Đối với chính sách tín dụng, Ngân hàng Nhà nước vẫn cần phải siết chặt khâu quản lý với các ngân hàng cho vay tiêu dùng, cơ chế cho vay tiêu dùng lỏng lẻo khiến cho dòng tiền sử dụng sai mục đích, chảy trên thị trường thứ cấp tạo ra bong bóng tài sản là rất nguy hiểm.
- Vậy, làm thế nào để có sự tác động phù hợp, tạo nguồn vốn giá rẻ hơn nhằm hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp và các thành phần kinh tế đang gặp khó khăn vì dịch bệnh như trong bối cảnh hiện nay?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Tôi đã rất nhiều lần đề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước phải có một phương án quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn để giải quyết vấn đề tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Không những xây dựng các gói hỗ trợ mà phải thành lập một cơ chế riêng để có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đứng ra chủ trì để xây dựng một tổ hợp tín dụng gồm nhiều ngân hàng chung tay và chia tỷ trọng để góp vốn. Hạn mức cho tổ hợp này cần khoảng 300.000 tỷ đồng để vận hành chứ không phải tung ra các gói cứu trợ như năm 2020 là không hiệu quả.
Hai năm đầu cho các doanh nghiệp vay theo hình thức tuần hoàn, vay- trả dưới một hạn mức nhất định. Đến cuối năm thứ hai, khi có dư nợ và dư nợ đó sẽ được trả góp trong 3 năm tiếp theo. Với phương pháp này, thì lãi suất cũng phải rất hạ bằng cách các ngân hàng sử dụng các tài khoản vãng lai và tài khoản không kỳ hạn để đóng góp vào tổ hợp cho vay, với mức lãi suất từ 3-5%.
Đặc biệt, phải là hình thức cho vay tín chấp chứ không thể đòi hỏi tài sản đảm bảo. Chính vì cho vay tín chấp có độ rủi ro cao nên tổ hợp tín dụng phải làm việc với một cơ chế khác nữa, đó là Quỹ bảo lãnh tín dụng Quốc gia. Quỹ này sẽ bảo hiểm cho các ngân hàng, thì họ mới dám cho vay với lãi suất thấp, thời hạn 3-5 năm dưới hình thức tín chấp. Còn hô hào các ngân hàng thì họ sẽ chỉ tìm những doanh nghiệp “ngon lành” mới cho vay, không đến lượt các doanh nghiệp đang suy yếu hay có nguy cơ vỡ nợ.
Như vậy, đây là một chương trình cần có hai cấu phần chính, đó là tổ hợp tín dụng của các ngân hàng tham gia và Quỹ bảo lãnh tín dụng quốc gia. Hai cấu phần này kết hợp được với nhau, đảm bảo sẽ đưa ra một chương trình thiết thực, giải quyết nguồn vốn giá rẻ cho doanh nghiệp.
- Xin cảm ơn ông với những giải pháp đã chia sẻ!
Có thể bạn quan tâm