Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đảm bảo mục tiêu lạm phát dưới 4%. Đồng thời tinh thần không tăng giá điện trong năm 2018.
Chiều 2/6, Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Có thể bạn quan tâm
19:24, 01/12/2017
15:32, 01/12/2017
11:04, 20/07/2017
Theo Người phát ngôn Chính phủ cho biết, sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018. Theo báo cáo, kết quả kinh tế-xã hội đạt được trong tháng 5 và 5 tháng năm 2018 có nhiều tín hiệu tích cực và đáng mừng, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá cao và có nhiều dự báo khả quan về triển vọng kinh tế Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân thấp hơn cùng kỳ năm 2017 và trong phạm vi mục tiêu của Quốc hội. Thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định, thanh khoản tốt, mặt bằng lãi suất ổn định. Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản được bảo đảm, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước có bước cải thiện; giải ngân vốn FDI đạt khá, cao hơn cùng kỳ.
Cụ thể, CPI bình quân năm tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm trước tăng 3,01%. Chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,7% (cùng kỳ tăng 6,6%). Ngành chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng cao 11,8%.
Sức cầu trong nước cải thiện mạnh mẽ, tiêu dùng nội địa tích cực. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 5 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đạt khá, tăng 10,1% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh (ước đạt 93,1 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ). Cả nước xuất siêu khoảng 3,4 tỷ USD, chiếm gần 3,6% kim ngạch xuất khẩu.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tăng khá đạt 6,75 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ. Góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 2,75 tỷ USD, tăng 53,5% so với cùng kỳ.
"Khu vực kinh tế tư nhân phát triển tích cực. 5 tháng, có gần 53.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký bổ sung khoảng 1,4 triệu tỉ đồng", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Tình hình sản xuất kinh doanh diễn biến tích cực, tương đối toàn diện trong cả 3 khu vực: nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ. "Điểm sáng là công nghiệp và dịch vụ. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng cao, cân đối thương mại thặng dư khoảng 3,39 tỷ USD", Bộ trưởng cho biết.
Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế còn nhiều, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng chậm lại. Xử lý nợ xấu còn chậm, chi phí logistics còn cao, quản lý tài sản công nhiều nơi còn lỏng lẻo, thất thoát, lãng phí. Cơ cấu lại các ngành công nghiệp chưa đồng bộ, còn bất cập. Việc hình thành, phát triển các chuỗi giá trị còn hạn chế…
Do đó, Người phát ngôn Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các giải pháp điều hành để mục tiêu lạm phát dưới 4% phải được quán triệt ở mọi cấp, mọi ngành, mọi địa phương.
“Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là không tăng giá điện trong năm nay, chỉ điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, y tế nếu điều kiện cho phép, thời điểm phù hợp. Cùng với đó, điều tiết lượng cung tiền và chính sách tài khóa phù hợp, không để gây sức ép tăng giá lớn”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục rà soát các dự án BOT, hoàn tất đàm phán với các nhà đầu tư và ngân hàng để điều chỉnh giảm phí BOT tại các trạm đã quyết toán theo nguyên tắc ưu tiên giảm giá hơn giảm thời gian hoàn vốn.
Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định và tăng trưởng tích cực, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng năng suất lao động, cải cách thể chế, cải cách doanh nghiệp (đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước), phát triển doanh nghiệp tư nhân, khởi nghiệp, cơ cấu lại nợ công... tiếp tục phấn đấu để đến năm 2020 có ít nhất một triệu doanh nghiệp như Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII đã đề ra.