Việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch Khu kinh tế Dung Quất (KKT), tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 sẽ tạo đòn bẩy mới cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
>>NMLD Dung Quất – Điểm sáng trong sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi
Đầu tháng 5/2023, Chính phủ đã ký Quyết định 482/QĐ-TTg chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Theo đó, dự án sẽ được triển khai trên diện tích khoảng 51,67 ha, gồm hơn 41 ha mở rộng thêm và hơn 10,6 ha đất dự phòng hiện có bên trong nhà máy, không sử dụng mặt biển.
Tổng vốn dự án hơn 1,2 tỷ USD (tương đương 31.235 tỷ đồng). Trong đó, vốn chủ sở hữu 503 triệu USD (12.494 tỷ đồng), còn lại là vốn vay. Như vậy, so với kế hoạch cũ, tổng vốn đầu tư thấp hơn gần 0,56 tỷ USD (vốn dự toán năm 2014 là trên 1,8 tỷ USD).
Mục tiêu của dự án nâng công suất từ 148.000 thùng một ngày lên 171.000 thùng một ngày. Để đáp ứng công suất này, nhà máy lọc dầu sẽ được bổ sung và nâng cấp các phân xưởng công nghệ, phụ trợ, ngoại vi với 5 phân xưởng công nghệ bản quyền mới gồm: phân xưởng xử lý xăng bằng hydro; phân xưởng xử lý diesel bằng hydro; phân xưởng Alkyl hoá; phân xưởng sản xuất hydro; phân xưởng thu hồi lưu huỳnh.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất thuộc Khu Kinh tế Dung Quất của tỉnh Quảng Ngãi, do Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) vận hành, hiện cung ứng khoảng 35% lượng xăng dầu cả nước.
Việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất được coi là bước đi quan trọng hiện thực đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch KKT Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2045 mà UBND tỉnh công bố trước đó không lâu.
Bởi, theo đồ án Điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng, KKT Dung Quất có diện tích khoảng 45.332 ha, trong đó phần diện tích đất liền khoảng 33.581 ha, đảo Lý Sơn 1.492 ha và diện tích mặt nước khoảng 10.711 ha. KKT Dung Quất có tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: Công nghiệp - thương mại - dịch vụ - du lịch - đô thị và nông lâm ngư nghiệp. Trong đó, trọng tâm là công nghiệp lọc hóa dầu, công nghiệp hóa chất, công nghiệp nặng và các ngành công nghiệp khác gắn với việc khai thác cảng biển nước sâu; là khu vực phát triển đô thị; trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia; trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là một trong các đầu mối giao thông vận tải, trao đổi hàng hóa và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây Nguyên; có vị trí quan trọng về quốc phòng - an ninh của quốc gia.
KKT Dung Quất đóng góp khoảng 80-90% sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu và nguồn thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Hà Hoàng Việt Phương, Trưởng Ban quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi cho biết: Qua 26 năm xây dựng và phát triển, KKT Dung Quất đã khẳng định vai trò hạt nhân phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Ngãi khi đóng góp khoảng 80-90% sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất nhập khẩu và nguồn thu ngân sách của tỉnh. Tuy nhiên, dự địa phát triển của KKT Dung Quất còn rất nhiều. Nghị Quyết 26 của Bộ chính trị đặt vấn đề xây dựng và mở rộng KKT Dung Quất trở thành Trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia là một quyết sách rất quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Bộ chính trị đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong đó có tỉnh Quảng Ngãi. Đặc biệt, việc xây dựng Trung tâm Lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu Kinh tế Dung Quất sẽ tạo sức bật mới cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi với hạt nhân là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất cũng như các ngành công nghiệp khác đang thực hiện trên địa bàn tỉnh.
Để hiện thực hoá mục tiêu đến năm 2045 phát triển KKT Dung Quất thành một trong những trung tâm kinh tế biển năng động, với nền kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực quan trọng của quốc gia; lấy cảnh quan đô thị biển làm sức hấp dẫn, lấy nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển để đẩy mạnh kinh tế biển, hướng đến sự thịnh vượng, ông Hà Hoàng Việt Phương cho biết: Trong thời gian tới BQL sẽ chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương liên quan khẩn trương triển khai cắm mốc giới, bàn giao mốc giới quy hoạch để quản lý. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến nội dung đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng KKT Dung Quất đến năm 2045 để người dân trong vùng quy hoạch hiểu, nắm rõ và tạo sự đồng thuận trong quá trình thực hiện quy hoạch.
Khẩn trương triển khai lập và trình phê duyệt các đồ án quy hoạch phân khu xây dựng, quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị cho các khu chức năng trong KKT Dung Quất. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và xây dựng các khu tái định cư đang đầu tư, hoàn thành trong năm 2023 để bố trí tái định cư, bàn giao mặt bằng cho các dự án lớn đang đầu tư trên địa bàn, như Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, Trung tâm khí điện miền trung nhằm sớm đưa các dự án này đi vào hoạt động.
Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng các khu tái định cư phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng giai đoạn 2026-2030 và đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng khung trong KKT Dung Quất để có cơ sở thu hút đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tiếp cận đất đai nhanh nhất, sớm triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch được duyệt.
Có thể bạn quan tâm