Kịch bản phục hồi kinh tế sau giãn cách

DUY LONG - NGUYỄN GIANG 16/09/2021 19:00

Chính sách phục hồi, tái khởi động lại sản xuất cần đảm bảo hài hòa, kích thích sự vận hành đồng bộ của nền kinh tế, không phân biệt lĩnh vực, đối tượng, ngành nghề của các doanh nghiệp.

Hài hoà giữa các đối tượng

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đầu tư và Phát triển T&T, để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động  trong việc phục hồi sản xuất, cải thiện tình hình lao động việc làm, góp phần phục hồi nền kinh tế sau giãn cách, thì việc đầu tiên TP HCM nói riêng và các tỉnh phía Nam nói chung cần phải thực hiện quyết liệt các giải pháp, cụ thể:

Một, hỗ trợ các lĩnh vực và các nhóm lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là các doanh nghiệp và người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức. Cần có các biện pháp cụ thể và có tính mục tiêu ở các ngành nghề có tỷ lệ phi chính thức cao, trong đó gồm có trợ cấp bằng tiền mặt nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng nhiều nhất do lệnh phong tỏa, và chuyển đổi mục đích sản xuất để tạo việc làm thay thế.

ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Đầu tư và Phát triển T&T,

Trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông thì các dự án đầu tư công bao gồm cả cũ và mới cần phải kích hoạt một cách đồng bộ.

Bên cạnh đó, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với xu thế mới. Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ an sinh xã hội, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho người lao động sớm quay trở lại thị trường, bảo đảm đủ lực lượng lao động khi bước vào giai đoạn tăng cường sản xuất, kinh doanh sau dịch. Tập trung hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, đào tạo lại người lao động đáp ứng yêu cầu mới; đẩy mạnh kết nối cung, cầu lao động trong nước, gắn với thị trường lao động quốc tế.

Hai, cùng với việc hỗ trợ cho người lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, cần có những nỗ lực hỗ trợ lao động và doanh nghiệp chính thức để đảm bảo họ không rơi vào tình trạng phi chính thức do khủng hoảng và đảm bảo không làm mất đi những thành tựu đã đạt được trong những năm gần đây.

Ba, vấn đề quan trọng thiết yếu là phải đảm bảo rằng, các nguồn lực công sẽ được sử dụng để hỗ trợ việc làm và thu nhập cho người lao động. Do vậy, có thể cung cấp hỗ trợ về tài chính và phi tài chính một cách chiến lược để khuyến khích doanh nghiệp duy trì, hoặc tạo việc làm.

Chính sách kinh tế ứng phó đại dịch COVID-19 cần đảm bảo tính bao trùm và trọng tâm. Bởi, trên thực tế, đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng lớn và toàn diện tới mọi đối tượng và chủ thể kinh tế - xã hội. Trong đó, các doanh nghiệp, nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người nghèo, lao động mất việc... là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đơn cử, theo ông Tuấn, trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông thì các dự án đầu tư công bao gồm cả cũ và mới cần phải kích hoạt một cách đồng bộ. Đối với các dự án cũ (đang triển khai do phải dừng vì Covid-19), phải đảm bảo được cho các nhà thầu thi công gồm: nghiệm thu, chốt công nợ cũ để thanh toán và tạm ứng mới để nhà thầu sẵn sàng triển khai dự án.

Đối với các dự án mới, cần khẩn trương các thủ tục hành chính pháp lý, GPMB… để kích hoạt triển khai dự án một cách đồng bộ, hạn chế rủi do. Bởi trên thực tế, các doanh nghiệm đã phải tạm ứng lương cho người lao động trong suốt mấy tháng qua, trong khi doanh nghiệp không thể tiếp nguồn vốn vay ngân hàng nên đã kiệt sức. Do đó, bên cạnh sự phản ứng nhanh nhạy và linh hoạt, các chính sách kinh tế cần được đảm bảo tính hài hoà, bao trùm hệ thống nhưng vẫn có trọng tâm – ông Tuấn nói.

Kích thích vận hành đồng bộ

Liên quan tới chính sách kinh tế hỗ trợ cho doanh nghiệp tái khởi động lại, ông Nguyễn Văn Lật - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Thuỷ sản Lộc Kinh Chi, cho rằng: tính bao trùm trong các chính sách kinh tế ứng phó với đại dịch COVID-19 được thể hiện qua hai góc độ của nền kinh tế là cung và cầu. Do đó, trong bối cảnh giãn cách xã hội, hạn chế nhập cảnh và sự gián đoạn thương mại quốc tế, cung - cầu thị trường trong nước trở thành một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Đây cũng là dịp khơi dậy sức mạnh của bản thân nền sản xuất trong nước cũng như thúc đẩy sức mua của thị trường nội địa.

Vì vậy, các chính sách kinh tế thúc đẩy sản xuất tập trung vào các gói hỗ trợ khẩn cấp cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Song song đó, thúc đẩy năng lực sản xuất nông, lâm, thủy sản để đảm bảo thực phẩm trong nước và xuất khẩu nước ngoài. “Ưu tiên vaccine để tiểm toàn bộ cho cho công nhân của các doanh nghiệp ngành thuỷ sản để yên tâm sản xuất vì đây là mặt hàng xuất khẩu có yếu tố kiểm soát cao của các đối tác nước ngoài”. Bên cạnh đó, kích thích các doanh nghiệp thuỷ sản xuất khẩu mạnh đẻ tăng thu ngoại tệ, đảm bảo cán cân thương mại cho Việt Nam ở thời điểm này chính là thời cơ vàng”.

Cùng đó, các biện pháp tăng cường khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng cũng cần được chú trọng như: trợ cấp cho việc di dời địa điểm sản xuất, những mặt hàng quan trọng tùy thuộc vào một quốc gia cụ thể hay trong nước, hoặc thông qua đa dạng hóa giữa các khu vực ASEAN, EU...).

ông Nguyễn Văn Lật - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển Thuỷ sản Lộc Kinh Chi, cho rằng: tính bao trùm trong các chính sách kinh tế ứng phó với đại dịch Covid -19 được thể hiện qua hai góc độ của nền kinh tế là cung và cầu. Do đó, trong bối cảnh giãn cách xã hội, hạn chế nhập cảnh và sự gián đoạn thương mại quốc tế, cung - cầu thị trường trong nước trở thành một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh giãn cách xã hội, hạn chế nhập cảnh và sự gián đoạn thương mại quốc tế, cung - cầu thị trường trong nước trở thành một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. 

Ở góc độ kích cầu, ông Lật cho rằng, cần đưa ra một loạt các chương trình kích thích tiêu dùng được triển khai như: chiến dịch kích cầu sản phẩm trong nước “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, du lịch, chiến dịch thúc đẩy dịch vụ ăn uống qua các phiếu thưởng hay giảm giá... Điều đặc biệt là các gói chính sách cung - cầu luôn được triển khai để tạo hiệu ứng bổ trợ cho nhau, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bao trùm.

Song song với các chính sách kinh tế bao trùm, tính trọng tâm của nó cần đuợc đặt vào những khu vực trọng yếu của nền kinh tế, hoặc các nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động của dịch bệnh – ông Lật chia sẻ.

Tìm các giải pháp phù hợp

Theo ông Nguyễn Văn Thuấn – Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Phương Quang, để phục hồi nền kinh tế, chính quyền các địa phương cần chuẩn bị những kịch bản ứng phó linh động hơn, vì mục tiêu phục hồi kinh tế đang vô cùng cấp bách. Trên thực tế, các doanh nghiệp, các ngành nghề thường phân bố ở nhiều địa phương khác nhau, có quan hệ cung- cầu và đan chéo nhau. Do đó, "nếu chỉ một vài địa phương mở cửa chắc chắn không giải quyết được bài toán tổng thể" – ông Thuấn nói.

ông Nguyễn Văn Thuấn – Tổng Giám đốc Công ty Vận tải Phương Quang, chia sẻ: để phục hồi nền kinh tế, chính quyền các địa phương cần chuẩn bị những kịch bản ứng phó linh động hơn, vì mục tiêu phục hồi kinh tế đang vô cùng cấp bách

Chính quyền các địa phương cần chuẩn bị những kịch bản ứng phó linh động hơn, vì mục tiêu phục hồi kinh tế đang vô cùng cấp bách.

Cũng theo ông Thuấn, việc hỗ trợ chính sách cho doanh nghiệp trong lúc này để kích hoạt lại nền kinh tế là vô cùng cấp bách. Bởi, điều này sẽ giúp doanh nghiệp vững tâm hơn, có căn cứ để định hướng rõ ràng những mục tiêu ngắn hạn để sớm ổn định, hay sắp xếp lại  các hoạt động tại doanh nghiệp trong thời kỳ mới cũng như sẵn sàng đối mặt với hàng loạt các vấn đề khác còn chờ đợi ở phía trước.

Theo ông Thuấn, trong lĩnh vực vận tải, các doanh nghiệp đã phải oằn mình chống chọi với các chi phi phát sinh như: làm thủ tục giấy tờ cấp luồng xanh, giấy đi đường, xét nghiệm PCR, test nhanh, giá xăng dầu tăng… Và nay lại tiếp tục thực hiện các giải pháp mới về chống dịch của TP, nên doanh nghiệp đã kiệt sức – ông Thuấn nói.

Vì vậy, theo ông Thuấn, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, các địa phương nói chung và TP HCM chỉ còn cách tiếp tục cương quyết để tìm các giải pháp phù hợp, mạnh dạn đương đầu với thách thức mới có thể sớm hiện thực hóa mục tiêu phục hồi toàn diện nền kinh tế, hướng đến giữ vững vai trò, vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất cung ứng trong khu vực lẫn kết nối toàn cầu. Do đó, chính sách phục hồi, tái khởi động lại sản xuất cần đảm bảo hài hòa, kích thích sự vận hành đồng bộ của nền kinh tế, không phân biệt lĩnh vực, đối tượng, ngành nghề của các doanh nghiệp. – ông Thuấn nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • TP HCM: Triển khai VNEID và thẻ xanh Covid để mở cửa, phục hồi kinh tế

    11:31, 11/09/2021

  • Xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế trong điều kiện vaccine bao phủ diện rộng

    18:40, 06/09/2021

  • Tiền Giang xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế

    11:23, 20/08/2021

  • TS Vũ Thành Tự Anh làm Tổ trưởng Tổ tư vấn chính sách phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế tại TP.HCM

    12:53, 27/07/2021

  • Hai điểm mấu chốt duy trì tiến độ phục hồi kinh tế bền vững

    11:00, 15/06/2021

  • Sự phục hồi kinh tế có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi làn sóng COVID mới

    04:00, 28/05/2021

  • HSBC: Cần xem xét nguy cơ làn sóng Covid-19 mới đến phục hồi kinh tế

    03:00, 11/05/2021

  • KINH TẾ CUỐI TUẦN: Giải pháp thúc đẩy phục hồi kinh tế

    13:00, 02/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kịch bản phục hồi kinh tế sau giãn cách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO