“Kích hoạt” FDI ĐBSCL (Kỳ II): “Trong rủi có may”

Huỳnh Khởi 17/03/2019 03:08

Tổng kết 30 năm thu hút FDI, khu vực ĐBSCL được xem là “vùng trũng” trong thu hút đầu tư nói chung, FDI nói riêng.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia kinh tế thì “trong cái rủi có cái may” vì chậm thu hút đầu tư mà khu vực này còn lại quỹ đất sạch rất lớn như “tờ giấy trắng” giúp các địa phương có điều kiện “vẽ lại bản đồ” thu hút đầu tư của địa phương mình. Báo cáo tổng kết 30 năm thu hút FDI vấn đề nổi lên được quan tâm nhất là đã có một thời vì nôn nóng muốn thu hút đầu tư mà nhiều địa phương đã “nhắm mắt, đưa tay” ký cho phép nhiều dự án ô nhiễm môi trường được triển khai tại địa phương mình, hệ quả của việc làm tai hại này là cả cộng đồng phải “sống chung” cùng ô nhiễm.

p/ĐBSCL có nhiều dư địa trong thu hút đầu tư chế biến nông sản, du lịch sinh thái (Ảnh: Khách nước ngoài tham quan rừng tràm Trà Sư, An Giang.)

ĐBSCL có nhiều dư địa trong thu hút đầu tư chế biến nông sản, du lịch sinh thái (Ảnh: Khách nước ngoài tham quan rừng tràm Trà Sư, An Giang.)

Dư địa lớn

Theo khảo sát của PGS, TS Nguyễn Hiếu Trung, Trưởng khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên, Trường Đại học Cần Thơ mới đây, cho biết: chỉ có 5% doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam có công nghệ cao, 80% có công nghệ trung bình, còn lại 15% là sử dụng công nghệ thấp. Hiện có đến 80% khu công nghiệp vi phạm các quy định về môi trường; 70% doanh nghiệp FDI xả thải vượt quy chuẩn.

PGS, TS Nguyễn Hiếu Trung đánh giá, ở ĐBSCL dù “dự án bẩn” chưa nhiều nhưng có đến 75% khu và 85% cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đây là mối lo ngại về ô nhiễm môi trường.

Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Cần Thơ cho rằng: Chính vì tư duy phải chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp nên nhiều địa phương đã lơ là trong chọn lọc dự án thân thiện môi trường, đây là mối nguy hại ảnh hưởng đến chiến lược phát triển bền vững.

Do vậy, trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp sau, ngành chức năng cần phải giám sát chặt chẽ hơn việc “trải thảm đỏ” mời gọi đầu tư, kịp thời “tuýt còi” các địa phương vì cạnh tranh thu hút đầu tư mà dễ dãi hoặc đưa ra ưu ái quá mức, đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng.

Theo ông Lam, không những nhiều năm liên tiếp khu vực ĐBSCL dẫn đầu về chỉ số môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, mà vùng đất này còn có vùng nguyên liệu phong phú, có lực lượng lao động dồi dào chi phí thấp, thị trường tiêu thụ hơn 18 triệu dân, đất sạch dành cho nhà đầu tư còn rất lớn với chi phí thuê đất thấp, dư địa cho nhiều lĩnh vực đầu tư mới như: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ICT, logistics, điện gió, điện mặt trời, BĐS du lịch… Đó là những lợi thế đang hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất trong thu hút đầu tư vào ĐBSCL hiện nay vẫn là do cơ sở hạ tầng yếu kém, chưa đồng bộ, đây cũng là vấn đề được nói rất nhiều tại các cuộc hội thảo, hội nghị nhưng tiến độ cải thiện thì vẫn rất chậm chạp.

Định vị thu hút FDI

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TP HCM cho rằng: Những tiềm năng của vùng ĐBSCL ít có nơi nào có được. Lý do thời gian qua doanh nghiệp Nhật Bản chưa đầu tư ở đây chính là vì họ rất thiếu thông tin về vùng đất này. Người Nhật rất cẩn thận. Nếu không biết rõ văn hóa, vùng đất con người nơi đầu tư kinh doanh thì dù một đồng họ cũng không dám đầu tư.

Cùng quan điểm trên, ông Noboru Kondo - Chủ tịch Tập đoàn Brain Works chia sẻ: “Khi đầu tư kinh doanh, người Nhật luôn quan niệm: làm việc gì không quan trọng bằng làm với ai, văn hóa luôn đi trước trong kinh doanh, đầu tư. Đó là lý do mà Brain Works phải cân nhắc đến 3 năm mới tiến hành đầu tư tại TP.Cần Thơ”.
Để đưa khu vực ĐBSCL phát triển đúng hướng, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, phát triển vùng ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu; có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia và khu vực Đông Nam Á; trở thành vùng trọng điểm quốc gia về sản xuất nông nghiệp và đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; phát triển mạnh kinh tế biển, du lịch sinh thái cảnh quan sông nước.

Đặc biệt, Quyết định phê duyệt cũng nhấn mạnh việc tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và thực phẩm; khuyến khích, thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo được như năng lượng gió, mặt trời và sinh khối.

Ưu tiên đầu tư phát triển và khai thác tối đa các khu công nghiệp đã được thành lập đến năm 2030; hạn chế mở rộng phát triển thêm các khu công nghiệp khi chưa đạt tỷ lệ lấp đầy cao tại các khu công nghiệp hiện hữu; rà soát, đánh giá lại các khu công nghiệp đã thành lập nhưng chưa được đầu tư xây dựng để có kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đảm bảo sử dụng đất hiệu quả; hạn chế các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường; phát triển du lịch gắn với bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên…

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Kích hoạt” FDI ĐBSCL (Kỳ II): “Trong rủi có may”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO