Trước bối cảnh đại dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư, Kiên Giang vẫn tạo “luồng gió mới” hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
DĐDN có cuộc PV ông Nguyễn Thống Nhất, GĐ Sở KH&ĐT tỉnh Kiên Giang xung quanh vấn đề này.
Nhận định về sự chuyển biến tích cực trong thu hút đầu tư, ông Nhất cho biết, trong 9 tháng năm 2021, tỉnh cấp mới 10 Quyết định chủ trương đầu tư, quy mô 41,61 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư 1.950,58 tỷ đồng. Đến nay toàn tỉnh có 817 dự án, với quy mô 40.757,22 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư 541.499,72 tỷ đồng. Trong đó có 374 dự án đầu tư hoàn thành đi vào hoạt động, chiếm 45,78%/tổng số dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 63.796,90 tỷ đồng, chiếm 11,83%/tổng vốn đầu tư đăng ký. Tổng dự án thu hồi 270 dự án, quy mô 9.680,9ha.
- Đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế trong và ngoài nước, việc nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến lập nghiệp tại Kiên Giang là một “hiện tượng”, thưa ông?
Ngoài việc, Kiên Giang đã công bố, công khai đầy đủ 100% các TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công và được đăng tải trên trang thông tin điện tử. Chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác CCHC, một cửa, một cửa liên thông trên các lĩnh vực: đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường,... tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh.
Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban ngành rà soát, đơn giản hóa TTHC rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hồ sơ dự án và giảm chi phí đi lại cho nhà đầu tư. Riêng đối với lĩnh vực do Sở quản lý như: Lĩnh vực Đăng ký doanh nghiệp đã rút ngắn thời gian giải quyết giảm còn 1,5 ngày (giảm 1,5 ngày so với quy định); cấp đăng ký thay đổi 01 ngày và Đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt trên 47%; thời gian cấp Quyết định chủ trương đầu tư rút ngắn còn 30 ngày (giảm 05 ngày so với quy định); tạo lập nhiều kênh thông tin kết nối với doanh nghiệp qua: Cổng thông tin điện tử, đường dây nóng, hộp thư điện tử nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư.
Trong 9 tháng năm 2021, tỉnh cấp mới 10 Quyết định chủ trương đầu tư, quy mô 41,61 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư 1.950,58 tỷ đồng. Đến nay toàn tỉnh có 817 dự án, với quy mô 40.757,22 ha, tổng vốn dăng ký đầu tư 541.499,72 tỷ đồng
- Để tiếp tục đón làn sóng đầu tư về, Kiên Giang chủ trương kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nào?
Hiện Kiên Giang tập trung hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển Phú Quốc; Đầu tư Khu kinh tế cửa khẩu Hà Tiên.
Ban hành danh mục kêu các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021-2025, thu hút đầu vào các lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; công nghiệp chế biến nông thủy sản; thương mại; du lịch – dịch vụ biển, đảo; năng lượng tái tạo và xử lý môi trường; Phát triển các khu đô thị lấn biển gắn với phát triền dân cư.
Ngoài ra, tỉnh cũng mời gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; phát triển các cảng biển, cảng sông, đường giao thông gắn với phát triển đô thị,...
- Tính minh bạch, sự năng động của chính quyền tỉnh, tiếp cận đất đai… là những yếu tố có tính “mặt tiền” trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên những chỉ số này của Kiên Giang được cộng đồng doanh nghiệp chấm điểm chưa cao. Ông nghĩ sao về điều này?
Thực tế, vai trò trách nhiệm của người đứng đầu của các sở, ban ngành và địa phương, cũng như sự phối hợp giữa các sở, ngành trong việc giải quyết TTHC giữa các cơ quan chưa thật sự “một cửa liên thông” hiệu quả chưa cao; chưa quyết tâm trong việc thực hiện giải pháp, phân công, đôn đốc, kiểm tra và mạnh dạn xử lý tiêu cực liên quan đến hoạt động doanh nghiệp; chưa được tháo gỡ kịp thời và giải quyết thoả đáng cho doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ; chi phí và thời gian thực hiện các TTHC còn cao; hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn hạn chế.
Từ bất cập trên đã ảnh hưởng đến 08/10 chỉ số thành phần PCI... Vì vậy, trước hết tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các sở, ngành và địa phương về chỉ số PCI và các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường sự phối hợp đồng bộ với các sở, ngành, địa phương trong việc duy trì những chỉ số thành phần có vị trí cao, tăng bậc và cải thiện các chỉ số thành phần có vị trí xếp hạng thấp.
Cùng với đó, tỉnh đề cao vai trò, trách nhiệm của từng sở, ngành và địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ....; tăng cường đối thoại giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhất là đất đai, bồi thường GPMB.
Ngoài ra, nguồn nhân lực cũng là điểm yếu của Kiên Giang, do đó, để khắc phục tình trạng này, tỉnh tiếp tục đổi mới và thực hiện tốt các chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học công nghệ, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học; chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực kỹ thuật, nhân lực quản trị công nghệ, nhân lực quản lý,…
- Xin cảm ơn ông!