Kiên Giang vượt khủng hoảng

HUY THỊNH thực hiện 24/01/2022 08:57

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng với nỗ lực toàn dân và sự đồng hành của các doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang tăng trưởng dương và đạt khá trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.

>>Kiên Giang hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch qua đường hàng không

"Tuy tăng trưởng kinh tế của tỉnh Kiên Giang năm 2021 không đạt như kỳ vọng, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng với nỗ lực toàn dân và sự đồng hành của các doanh nghiệp... tất cả đã góp phần đưa kinh tế tỉnh Kiên Giang tăng trưởng dương và đạt khá trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long". Đó là tin vui được bà Nguyễn Duy Linh Thảo - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch Kiên Giang chia sẻ nhân dịp năm mới.

- Thưa bà, đâu là chỉ dấu tăng trưởng kinh tế của Kiên Giang năm vừa qua?

Trước hết là về tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2021 ước đạt 63.153,65 tỷ đồng, đạt 95,17% kế hoạch, tăng 0,58% so với cùng kỳ và tổng thu ngân sách trên 11,8 ngàn tỷ đồng tăng trưởng dương. Trong đó khu vực nông - lâm - thủy sản tăng 0,93%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 2,25%; khu vực thương mại - dịch vụ tăng 0,14%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm bằng 94,08%. Cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 41,92%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 20,5%; khu vực dịch vụ chiếm 32,33%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,25%. Theo đó GRDP bình quân đầu người ước 58,14 triệu đồng/người/năm, tăng trưởng dương.

Tuy nhiên, bước vào quý 3 trước ảnh hưởng làn sóng thứ tư của đại dịch COVID-19, hàng loạt các cơ sở lưu trú, ăn uống, lữ hành, khu/điểm vui chơi, giải trí phải tạm đóng cửa; 14 chợ truyền thống tạm dừng hoạt động; sức mua tại các chợ giảm đến 60%, tại siêu thị giảm đến 80% so với ngày bình thường; giá một số mặt hàng tăng cao. Theo đó ảnh hưởng ngành thương mại - dịch vụ trong giai đoạn này nặng nề hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Để bù vào một số chỉ tiêu thiếu hụt chung của toàn tỉnh thì lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa duy trì ở mức khá, cụ thể: xuất khẩu ước 731 triệu USD, đạt 97,5% kế hoạch, tăng 7,2% cùng kỳ. Trong đó gạo đạt 243,15 triệu USD, tăng 10,9% so cùng kỳ; rau quả đạt 13,38 triệu USD, tăng 53,8% so cùng kỳ; hải sản đạt 251,55 triệu USD, tăng 7,2% so cùng kỳ.

- Theo bà, điều gì đã giúp Kiên Giang tăng trưởng dương?

Để đạt kết quả này thì phải có sự đóng góp rất lớn từ cộng đồng doanh nghiệp, còn về phía chính quyền luôn liên tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cụ thể là sự vào cuộc quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh trong việc cải thiện và nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), bằng việc làm cụ thể nhất được giao cho từng sở, ban, ngành và địa phương chịu trách nhiệm phần việc của mình rất rõ ràng, trách nhiệm. Như chúng ta thấy đã có sự chuyển biến tích cực trong các cơ quan công quyền vể cải cách toàn diện để phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Trong giai đoạn bùng phát dịch vào đầu quý 3 năm 2021 và chưa tiêm ngừa đầy đủ, Kiên Giang đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, lên phương án và kể cả điều chỉnh kịch bản nhiều lần để thực hiện “mục tiêu kép”. Trong đó chủ động nghiên cứu, ban hành quy định tạm thời các ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động trong thời gian thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, không để đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp, người dân hoặc làm gián đoạn thi công các công trình. Ban hành và triển khai nhiều kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế được thực thi hiệu quả.

Đặc biệt là trong 3 tháng cuối năm, ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát trở lại UBND tỉnh đã thực hiện ngay nhiều giải pháp để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư và khôi phục du lịch. Trực tiếp là đồng chí Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với các Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong các lĩnh vực trọng điểm về sản xuất công nghiệp, khai thác thủy sản, chế biến, xuất khẩu… tổ chức nhiều cuộc đối thoại doanh nghiệp để động viên, tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp an tâm sản xuất trở lại, tiếp tục khôi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn, phòng chống dịch COVID-19.

UBND tỉnh đã thành lập 4 Tổ công tác và thường xuyên tổ chức các buổi làm việc, giao ban, sơ kết để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Chủ động hướng dẫn các đơn vị xây dựng và hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 theo đúng quy định. Ước đến ngày 31/12/2021, giá trị khối lượng hoàn thành là trên 4,3 ngàn tỷ đồng, đạt 83,53% kế hoạch.

Dù bị ảnh hưởng của dịch bệnh trong quý 3, nhưng chỉ có tháng 8 là kinh tế có mức sụt giảm đáng kể, nhìn chung còn lại đều giữ mức ổn định và có tăng nhẹ. Riêng từ tháng 9/2021 đến nay mức tăng dần trở lại, luôn khá cao hầu hết các ngành, lĩnh vực. Những tháng cuối năm, Kiên Giang đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo và ban hành kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, Kế hoạch thí điểm đón du khách quốc tế đến đảo Phú Quốc, Kế hoạch thu hút khách nội địa, Kế hoạch hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch qua đường hàng không... Đến nay, hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ đã dần thích ứng, phục hồi trở lại hoạt động, tiến tới bình thường mới.

- Cảm ơn bà chia sẻ thông tin với Diễn đàn Doanh nghiệp nhân dịp đầu xuân Nhâm Dần !

Có thể bạn quan tâm

  • Kiên Giang hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch qua đường hàng không

    Kiên Giang hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch qua đường hàng không

    11:52, 16/01/2022

  • HTLand phân phối độc quyền Villas, Shophouse Khu đô thị Phú Cường Kiên Giang

    HTLand phân phối độc quyền Villas, Shophouse Khu đô thị Phú Cường Kiên Giang

    07:00, 15/01/2022

  • Kiên Giang khánh thành Trung tâm đào tạo và sát hách hạch lái xe 180 tỷ đồng

    Kiên Giang khánh thành Trung tâm đào tạo và sát hách hạch lái xe 180 tỷ đồng

    14:08, 02/01/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kiên Giang vượt khủng hoảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO