Kiến nghị hỗ trợ xử lý triệt để vấn đề cạn vốn đầu tư

LÊ MỸ 30/06/2024 16:01

Cạn kiệt vốn đầu tư và suy giảm cầu tiêu dùng là các vấn đề khó khăn lớn nhất của thị trường, theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Hồ Chí Minh (HUBA).

>>>Ngân hàng còn động lực và năng lực duy trì lãi suất thấp

Trong bối cảnh còn khó khăn bởi nền kinh tế toàn cầu vẫn chưa hoàn toàn thay đổi tích cực; mặc dù trong nước, Chính phủ và các Bộ ngành đã ra nhiều chính sách và nỗ lực cải cách hành chính nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, làm cho thị trường xuất khẩu tốt hơn, một số doanh nghiệp thuộc một số ngành có sự phục hồi đáng kể; nhưng do thị trường chung bị suy giảm nên hầu hết doanh nghiệp vẫn đang phải vật lộn.

HUBA cho biết Hầu hết vẫn trong tình trạng khó khăn, vật lộn để tồn tại và phát triển khi đơn hàng chưa có nhiều, không ổn định và có tính ngắn hạn.

HUBA cho biết tại quý II/2024, hầu hết doanh nghiệp vẫn trong tình trạng khó khăn, vật lộn để tồn tại và phát triển khi đơn hàng chưa có nhiều, không ổn định và có tính ngắn hạn. (Ảnh minh họa)

Doanh nghiệp cạn tiền

Báo cáo tình hình kinh tế doanh nghiệp quý II/2024 của HUBA cho biết đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, khó khăn phổ biến là tình trạng nợ khó đòi, chiếm dụng vốn vẫn còn cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro, vốn vay bị tắc do quy định thế chấp quá ngặt, khối nợ lớn trái phiếu tới hạn nửa cuối năm 2024.

Thêm nữa, việc áp dụng tiêu chí quá chặt chẽ của chính sách quản lý giao dịch liên kết theo Nghị định 132/2020/NĐ-CP càng làm cho việc phân bổ vốn, điều hòa vốn giữa các thành viên trong các tập đoàn kinh tế không thể triển khai, thậm chí làm khó cho quan hệ vay mượn giữa doanh nghiệp và một tổ chức tài chính, tín dụng...

Đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, khó khăn chung là tình trạng cạn tiền, không thu được nợ kinh doanh trong khi bị chủ nợ vay hối thúc. Lãi suất vay mặc dù đã giảm nhưng còn cao so với lợi nhuận thực hiện, các khoản vay trước năm 2023 và lãi vay cá nhân giảm không đáng kể, làm hạn hẹp dòng tiền cho tiêu dùng cá nhân.

Bên cạnh đó, có một số khó khăn khác liên quan đến thể chế kinh tế còn nhiều bất cập, cải cách thủ tục hành chính chưa đạt kỳ vọng và một số vấn đề pháp lý chưa rõ ràng, kéo dài,... Ngoài ra, sự gia tăng đáng kể hàng hóa tiêu dùng giá rẻ từ Trung Quốc tràn sang đã tạo áp lực đáng kể cho doanh nghiệp Việt. Không những thế, trào lưu quảng cáo bán hàng trực tuyến (livestream) không kiểm soát hiện nay được cho là đang đe dọa và bóp nghẹt không gian sinh tồn của các nhà sản xuất nhỏ lẻ, làm phá vỡ tiêu chuẩn giá cả truyền thống, chỉ giúp giải phóng hàng tồn kho mà hầu như không thu được lợi nhuận, không có sự đảm bảo chất lượng và phổ biến tình trạng không nộp thuế.

"Các khó khăn trên làm cho đà phục hồi của kinh tế Thành phố chủ yếu chỉ tập trung ở doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có vốn lớn và ngành công nghệ cao như điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin... Các doanh nghiệp âm thầm rời bỏ thị trường khá nhiều, nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ quyết toán thuế, vì thủ tục quyết toán thuế doanh nghiệp giải thể là khá khó khăn và tốn thời gian rất lâu, do đó con số thực tế giải thể nhiều hơn số báo cáo một cách đáng kể. Dòng tiền đã không được chuyển dịch vào sản xuất kinh doanh mà được cất trữ vào vàng và ngoại tệ, làm cho thị trường này biến động thất thường trong thời gian qua", ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch HUBA nhìn nhận. 

Đáng chú ý, khó khăn thị trường bất động sản và vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn có số lượng đông đảo nhất cả nước đang hoạt động, theo HUBA, vẫn chưa cải thiện.

Cụ thể, với lĩnh vực kinh doanh VLXD,  từ đầu năm đến nay nhiều đại lý chưa lấy đơn hàng mới, do sức mua giảm và các công trình xây dựng dân dụng chưa hồi sinh. Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thiếu dòng tiền, mất khả năng trả nợ. Trong khi đó, các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng nguồn nguyên liệu có giá thấp hơn rất nhiều so với doanh nghiệp trong nước, tạo nên sản phẩm có giá thành thấp nên doanh nghiệp trong nước rất khó cạnh tranh. Cụ thể, ngành thép, vật liệu kết cấu và xây dựng, đa số vẫn khó khăn, thậm chí một số đơn vị giảm doanh số tới 70%, khá nhiều đơn vị không có đơn hàng nên chỉ có thể duy trì sản xuất cách nhật 50/50.

>>>Xu hướng phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nửa cuối năm 2024

"Đánh giá tình hình tài chính chung của ngành là dòng tiền hạn hẹp, không có tiền trả nợ vay và cũng không thể đòi được tiền nợ của khách hàng. Trong khi đó, các doanh nghiệp ngành bất động sản, mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ rất đáng kể của Nhà nước, vẫn tiếp tục chu kỳ khó khăn hơn các ngành khác, do các sai lầm đầu tư của thời gian trước với vốn vay lớn, thiếu dòng tiền và gánh chịu lãi vay cao...", HUBA cho biết.

Kết quả khảo sát về khó khăn của doanh nghiệp (DN): 50,0% DN khó khăn vì “Thiếu các đơn hàng mới”; 29,0% DN khó khăn vì “Giá nguyên liệu đầu vào tăng”, 64,0% DN khó khăn vì “Nhu cầu tiêu dùng suy giảm”; 16,0% DN khó khăn vì “Thiếu vốn kinh doanh”; 2,0% DN khó khăn vì “Thiếu mặt bằng sản xuất-kinh doanh”; 30,0% DN khó khăn vì “Thuế, phí và các khoản nộp ngân sách cao”: (nguồn: HUBA)

Kiến nghị hỗ trợ triệt để khó khăn tài chính

Trên cơ sở tình hình trên, ông Nguyễn Phước Hưng báo cáo, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Thành phố nhanh chóng giải quyết các vấn đề cơ bản, trong đó, có 45,0% doanh nghiệp đề nghị “hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất”; cùng với 63,0% doanh nghiệp đề nghị “đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng”... đi cùng các đề nghị khác. 

Hỗ trợ vốn, giảm lãi suất, kích cầu đầu tư... theo cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị, sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi

Hỗ trợ vốn, giảm thiểu tối đa lãi suất vay, kích cầu đầu tư... theo cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM kiến nghị, sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết các khó khăn gốc rễ và nhanh chóng phục hồi. (Ảnh minh họa)

Đối với vấn đề hỗ trợ vốn, theo HUBA, đây luôn là điều kiện đầu tiên mà doanh nghiệp cần đảm bảo trong kinh doanh. Tuy nhiên, với hậu quả của hàng loạt khó khăn dồn dập thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhỏ đang lâm vào tình trạng cạn kiệt dòng tiền. Đặc biệt, các doanh nghiệp bất động sản đang đối diện với khối nợ trái phiếu khổng lồ lên đến 350.876 tỷ đồng đã phát hành, trong đó ước tính giá trị cần xử lý năm 2024 là 99,7 nghìn tỷ.

"Chính phủ và Ngân hàng nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, một số chính sách này hiệu quả chưa cao, ví dụ Nghị quyết số 43/2022/QH14 về hỗ trợ lãi suất (2%/năm) cho một số ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp... chỉ giải ngân được khoảng 1.218 tỷ đồng, tương đương khoảng 3,05% tổng quy mô chính sách (40.000 tỷ đồng) đến hết năm 2023. Hoặc như gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho phát triển nhà ở xã hội với lãi suất giảm từ 1,5 - 2% so với thị trường, sau gần 1 năm triển khai mới giải ngân được hơn 500 tỷ đồng, tức là chưa tới 1% với vỏn vẹn 7 dự án.

Nguyên nhân chung được ghi nhận là điều kiện hưởng hỗ trợ chặt chẽ, thủ tục không thuận tiện, e ngại thanh kiểm tra, vướng mắc về pháp lý... Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho rằng khó khăn hiện hữu của doanh nghiệp là dòng tiền. Doanh nghiệp đang thiếu tiền để trả nợ các khoản nợ gốc trước đây và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động tiếp theo", HUBA nêu.

Do đó, việc hỗ trợ lãi vay không giải quyết tận gốc của vấn đề là bổ sung dòng tiền. Mặc dù Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong năm 2024, nhưng vô hình chung lại gây áp lực trả nợ kép cho doanh nghiệp ngay tại kỳ tiếp theo 2025.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ hỗ trợ xử lý triệt để các khó khăn của thị trường như vấn đề cạn kiệt vốn đầu tư và suy giảm cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như tín dụng ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp, Nhà nước cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư bất động sản; quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa bất động sản...), hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài).

Đối với hệ thống ngân hàng thương mại, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu chính sách ân hạn triệt để, dài hạn các khoản nợ tới hạn năm 2024, không tạo áp lực trả nợ mới cho doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị các ngân hàng thương mại chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp thông qua việc tiếp tục giảm lãi vay dù lãi suất huy động trên thị trường đang tăng lên, tiếp tục cho doanh nghiệp vay thế chấp bằng lô hàng như trước đây, tiết giảm chi phí hoạt động, hạ thấp biên lợi nhuận định mức để giảm thiểu tối đa lãi suất vay vốn. Trong đó, việc áp dụng chính sách hỗ trợ một cách phổ biến cho tất cả các khoản vay trước năm 2023, các khoản vay tiêu dùng và vay cá nhân là hết sức cần thiết nhằm xử lý triệt để khối nợ đọng trong xã hội hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

  • Tỷ giá hỗ trợ lãi suất

    Tỷ giá hỗ trợ lãi suất

    02:15, 29/06/2024

  • Ngân hàng cần chia sẻ thực chất: Tăng lãi suất cho vay chậm hơn

    Ngân hàng cần chia sẻ thực chất: Tăng lãi suất cho vay chậm hơn

    05:01, 22/06/2024

  • Châu Á có thể chịu đựng mức lãi suất cao của FED?

    Châu Á có thể chịu đựng mức lãi suất cao của FED?

    03:00, 18/06/2024

  • Nhiều NHTW cắt giảm lãi suất, kinh tế Việt Nam ảnh hưởng ra sao?

    Nhiều NHTW cắt giảm lãi suất, kinh tế Việt Nam ảnh hưởng ra sao?

    10:11, 14/06/2024

  • Vì sao FED vẫn thận trọng trong cắt giảm lãi suất?

    Vì sao FED vẫn thận trọng trong cắt giảm lãi suất?

    04:00, 14/06/2024

  • Fed không gây sốc khi giữ nguyên lãi suất

    Fed không gây sốc khi giữ nguyên lãi suất

    05:05, 13/06/2024

  • Chính sách lãi suất của các NHTW tại Đông Nam Á ít phụ thuộc Fed

    Chính sách lãi suất của các NHTW tại Đông Nam Á ít phụ thuộc Fed

    03:24, 12/06/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kiến nghị hỗ trợ xử lý triệt để vấn đề cạn vốn đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO