Để bù đắp chi phí phát sinh và đảm bảo nguồn cung cho thị trường, Petrolimex kiến nghị Bộ Tài chính tính toán, điều chỉnh phù hợp khi một loạt chi phí đầu vào chưa được tính đúng, tính đủ…
>> Ổn định thị trường xăng dầu: Cần tập trung “gỡ khó” cho doanh nghiệp
Theo đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) vừa có báo cáo gửi Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, do ảnh hưởng địa chính trị đã đẩy chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam, khiến các chi phí khác tăng cao bất thường so với định mức hiện hành.
Cụ thể, Petrolimex cho rằng, Cục Quản lý giá đã kiểm tra, rà soát và điều chỉnh chi phí kinh doanh định mức từ ngày 11/7 nhưng vẫn đang thấp hơn so với chi phí kinh doanh thực tế bình quân đã được kiểm toán trong năm 2021 là 184 - 598 đồng/lít, tương ứng với 13 - 39% đối với giá bán lẻ các mặt hàng xăng, dầu.
Với chi phí premium nhập khẩu (yếu tố điều chỉnh giá trong hợp đồng nhập khẩu xăng dầu) mặt hàng xăng khoáng để pha chế xăng E5 RON 92, chênh lệch 622 đồng/lít, xăng RON 95 là 551 đồng/lít; các mặt hàng dầu chênh lệch từ gần 300 - 680 đồng/lít...
“Chi phí định mức trong giá cơ sở thấp hơn nhiều so với thực tế năm 2021 đã được kiểm toán, nên tập đoàn không thể triển khai các kế hoạch”, Petrolimex đánh giá
Theo Petrolimex, ngoài các chi phí chưa được tính đúng tính đủ, còn có các chi phí tăng cao bất thường từ đầu năm. Đơn cử, chi phí kinh doanh xăng dầu tăng 649 tỷ đồng, tương ứng 10% so với cùng kỳ, trong đó, bao gồm các khoản chi phí biến đổi như tăng 375 tỷ đồng (tăng 26%) so với thực hiện năm 2021.
>> Bất ổn thị trường xăng dầu: Vẫn lúng túng vì đâu?
Đặc biệt, có những khoản tăng cao bất thường như chi phí vận chuyển bình quân là 180 đồng/lít, tăng 17 đồng/lít (tăng 31%) là do giá xăng dầu tăng cao nên đơn giá cước vận chuyển được điều chỉnh. Chi phí dịch vụ thuê ngoài tăng 32 tỷ đồng, tương đương tăng 3 đồng/lít (tăng 65%) do giá xăng dầu tăng và sản lượng bán cao đột biến. Các khoản khác như chi phí thuê đất làm tăng chi phí bình quân là 3 đồng/lít, chi phí chênh lệch tỷ giá làm tăng chi phí giá bình quân thêm 17 đồng/lít.
“Các chi phí sẽ tăng trong quý IV và dự kiến phát sinh trong các năm tới gồm khoản chênh lệch tỷ giá và lãi suất vay, việc thực hiện các chương trình chuyển đổi số, điều chỉnh tăng lương của công nhân ở mức bình quân là 20%...”, Petrolimex chia sẻ.
Từ những phân tích đã nêu, Petrolimex kiến nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh và phản ánh kịp thời vào giá cơ sở tại chu kỳ điều hành giá gần nhất. Ngoài ra, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá linh hoạt theo chiều hướng tăng liên tục, Petrolimex đề nghị Cục Quản lý giá áp dụng theo đơn vị tính USD/thùng để phản ánh phù hợp biến động của tỷ giá và định kỳ hàng quý rà soát số liệu để điều chỉnh kịp thời nếu có biến động bất thường.
Trước đó, giải trình trước Quốc hội chiều 28/10, Bộ trưởng Bộ Tài chính - Hồ Đức Phớc thông tin, từ đầu năm đến nay đã hai lần tăng các chi phí kinh doanh xăng dầu (ngày 10/01 và 07/10). Hiện mỗi lít xăng RON 92 (xăng nền pha chế E5 RON 92) có chi phí vận chuyển, quản lý là 1.960 đồng.
Ông Phớc cho biết, sắp tới sẽ kiến nghị Chính phủ giao toàn diện quản lý xăng dầu gồm quyết định giá, chi phí định mức, kinh doanh... về Bộ Công Thương để chủ động được nguồn cung.
Trước đó, Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện nay, hiện tượng thiếu cục bộ xăng, dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phía Nam đã dần được cải thiện so với tình hình cuối tháng 9 và đầu tháng 10. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hầu như vẫn mở cửa và thực hiện bán lại hàng ngay khi nhập được hàng, không có tình trạng găm hàng chờ nâng giá, trục lợi.
Để ổn định nguồn cung và thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương đã liên tục có các cuộc họp với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để lắng nghe những khó khăn và kiến nghị các giải pháp gỡ khó.
Theo các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, hiện nay, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp chính là chi phí tăng cao thời gian qua. Do đó, Bộ Công Thương, đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong giá cơ sở mặt hàng xăng dầu (chi phi kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức), chi phí phù hợp đảm bảo tính đúng, tính đủ, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị hàng, bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu ổn định cho thị trường.
Bộ này cũng đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu về hạn mức tín dụng, lãi suất ưu đãi, nguồn ngoại tệ nhằm giúp các doanh nghiệp giảm chi phí tài chính, tăng nguồn lực để nhập khẩu, mua xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước, bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Ổn định thị trường xăng dầu: Cần tập trung “gỡ khó” cho doanh nghiệp
11:00, 26/10/2022
Vụ án buôn lậu 200 triệu lít xăng dầu giả: Kỷ lục với số lượng bị cáo trong vụ án
00:04, 26/10/2022
Bất ổn thị trường xăng dầu: Vẫn lúng túng vì đâu?
04:00, 25/10/2022
Cần áp dụng công nghệ trong lĩnh vực quản lý kinh doanh xăng dầu
00:30, 25/10/2022
Bất ổn thị trường xăng dầu: Cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm
03:30, 24/10/2022