Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Năm 2021 do tác động của COVID-19, hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Thành phố đều giảm kim ngạch, như Trung Quốc giảm 8,7%, Hoa Kỳ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7% và EU giảm 0,8%...
>>>TP.HCM sẽ khởi động nhiều công trình giao thông trọng điểm trong năm 2022
Thông tin trên được ông Lê Huỳnh Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM nêu tại hội thảo “Giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận lợi thương mại trong bối cảnh COVID-19”.
Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Lê Huỳnh Minh Tú, do tác động của đại dịch COVID-19, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Thành phố chỉ đạt 44,9 tỷ USD, tăng 1% so với năm 2020. Hầu hết các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Thành phố đều giảm kim ngạch, như Trung Quốc giảm 8,7%, Hoa Kỳ giảm 2,3%, Nhật Bản giảm 14,7% và EU giảm 0,8%...
Đặc biệt, trong tốp 5 địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của cả nước là TP.HCM, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bình Dương, Đồng Nai, theo Sở Công thương và Cục Hải quan TP.HCM, hiện xuất khẩu của TP.HCM đang giảm dần theo thời gian. Năm 2010, Thành phố dẫn đầu cả nước về xuất khẩu với kim ngạch 22,47 tỷ USD, tại thời điểm đó kim ngạch xuất khẩu của tỉnh của Bắc Ninh chỉ đạt 2,45 tỷ USD. Đến năm 2021, kim ngạch xuất khẩu Bắc Ninh đuổi kịp TP.HCM với 44,8 tỷ USD, TP.HCM đạt 44,9 tỷ USD.
“Sau 10 năm, xuất khẩu của Bắc Ninh cơ bản đã đuổi kịp TP.HCM, chứng tỏ ngành thương mại của địa phương này có sự tăng tốc rất cao. Các tỉnh Thái Nguyên, Đồng Nai cũng có sự gia tăng tốt với các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp điện tử và thu hút đầu tư mở rộng khu công nghiệp. Trong khi đó, TP.HCM trong 10 năm trở lại đây không hề có mở rộng khu công nghiệp vì quỹ đất đã hết. Bên cạnh đó, thu hút vào lĩnh vực công nghệ cao cũng chưa xứng tầm”, đại diện Sở Công thương TP.HCM nhấn mạnh.
Hiện những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thành phố được xác định là nhóm hàng máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác, dệt may, giày dép, nông thủy hải sản, gỗ và các sản phẩm gỗ, cà phê.
Về thị trường xuất khẩu, đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết, dẫn đầu vẫn là thị trường Trung Quốc, kế đến là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia ASEAN. Để tăng giá trị gia tăng cho hàng xuất khẩu, Thành phố cũng định hướng lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ xuất khẩu và xuất khẩu dịch vụ, hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số...).
>>>TP HCM: Kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách từ 23-25%
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết vùng, phối hợp chuyển dịch sản xuất hàng xuất khẩu đến các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị. Thành phố cũng tập trung phát triển nhóm hỗ trợ xuất nhập khẩu như logistics, xúc tiến thương mại, dịch vụ tài chính, pháp lý…, nhất là tiến tới tái cơ cấu thị trường nhằm giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM nêu thực trạng trước đây khi chưa xảy ra tình trạng khan hiếm container, để xuất hàng đi Mỹ, chi phí thuê container, vận chuyển dưới 2.000 USD/container, nay đã có thời điểm doanh nghiệp phải trả 10.000 - 15.000 USD/container. Thời gian vận chuyển cũng kéo dài, như hàng đi Mỹ, trước đây đặt chỗ tàu 2 ngày sau đã có container và hàng chậm nhất 3 - 4 tuần đến nơi.
“Nay tìm container rỗng đã khó, thêm ảnh hưởng dịch COVID-19, một lô hàng xuất đi Mỹ đến 3 tháng sau mới tới nơi. Đó cũng là một trong những lý do khiến xuất khẩu các thị trường xa và chất lượng cao đang có xu hướng giảm, thay vào đó là thị trường gần, giá trị thấp tăng”, bà Lý Kim Chi chia sẻ.
Bà Chi cho rằng, Chính phủ và TP.HCM cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp miễn, giảm thuế, phí, tiền thuê đất,... nhất là giảm thuế giá trị gia tăng và tăng hỗ trợ an sinh xã hội để góp phần làm tăng tổng cầu của thị trường.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Lựa chọn một số mặt hàng tiềm năng để thiết kế và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại riêng vào các thị trường có nhu cầu phù hợp. Mặt khác, phát triển chuỗi dịch vụ logistics, hệ thống kết nối dữ liệu, thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu.
Ở góc độ khác, ông Huỳnh Văn Cường - Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP.HCM cho rằng, để hỗ trợ năng lực cho doanh nghiệp trong ngành logistics, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cần ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp logistics Việt Nam, nhất là doanh nghiệp đầu ngành, để giúp doanh nghiệp logistics từng bước nâng cao năng lực cung ứng. Ngược lại, ngành logistics sẽ hỗ trợ sự phát triển quốc gia về sản xuất, xuất nhập khẩu và thương mại, tạo sự cộng hưởng nhằm ổn định nền kinh tế và nâng tầm giá trị của Việt Nam trên trường quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
TP.HCM sẽ khởi động nhiều công trình giao thông trọng điểm trong năm 2022
18:20, 18/01/2022
TP.HCM: Khu phố nhộn nhịp vào Xuân
05:00, 18/01/2022
TP.HCM dừng hoạt động 4 bệnh viện dã chiến từ ngày 19/1
12:27, 15/01/2022
Căn hộ vừa túi tiền sẽ bùng nổ ở các đô thị vệ tinh TP.HCM?
03:00, 13/01/2022
TP.HCM đề xuất đấu giá quỹ đất dọc tuyến đường Vành đai 3
10:43, 11/01/2022
TP.HCM: 900 tỷ đồng chăm lo Tết cho người nghèo
11:42, 09/01/2022
TP.HCM tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh
20:36, 08/01/2022