Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra cho thị trường trái phiếu Việt Nam

DIỄM NGỌC 08/04/2022 05:00

Theo TS. Cấn Văn Lực, hạ tầng dịch vụ tài chính vẫn còn bất cập liên quan đến xếp hạng tín nhiệm, định giá trái phiếu, quản lý thông tin và dữ liệu thị trường, hay áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế...

>>Làm sao để minh bạch thị trường trái phiếu?

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, một số vấn đề đặt ra đối với thị trường trái phiếu hiện nay đó là, thị trường vẫn còn nhiều tiềm năng và quy mô thị trường còn rất nhỏ so với khu vực. Vấn đề này, Chính phủ cũng mong muốn thúc đẩy tăng quy mô, mà trước đó đã từng đặt ra mục tiêu quy mô lớn/GDP nhưng chưa đạt được. "Theo đề án “cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 định hướng đến 2025” được phê duyệt tại quyết định 243 ngày 28/2/2019, thị trường trái phiếu đã không đạt được mục tiêu quy mô đề ra 47% GDP vào năm 2020 chủ yếu do dịch Covid-19", TS thông tin.

Chất lượng trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn chưa cao, rủi ro còn khá lớn, do nhiều thứ như thiếu thông tin, thiếu tài sản đảm bảo, liên quan đến việc định giá

Chất lượng trái phiếu doanh nghiệp hiện vẫn chưa cao, rủi ro còn khá lớn, do nhiều thứ như thiếu thông tin, thiếu tài sản đảm bảo, liên quan đến việc định giá

Kinh nghiệm quốc tế

Một vấn đề quan trọng hơn là về chất lượng trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa cao, rủi ro còn khá lớn, do nhiều thứ như thiếu thông tin, thiếu tài sản đảm bảo, liên quan đến việc định giá, đánh giá cũng đặt ra thách thức với cơ quan quản lý và nhà đầu tư.

Về kinh nghiệm phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở các quốc gia, có một số đặc điểm như phải có tổ chức định hạng trái phiếu. Tại Hàn Quốc, năm 1999 quốc gia này thành lập ba tổ chức định hạng trái phiếu có chức năng định hạn trái phiếu và cung cấp dịch vụ thông tin về giá trái phiếu, làm cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch hơn và thị trường thứ cấp hiệu quả hơn. Năm 2000, Hàn Quốc đã ban hành nhiều chính sách tập trung vào cơ cấu lại thị trường bao gồm hợp lý hóa quy trình phát hành trái phiếu, mở rộng vai trò của các trung gian tài chính trong giao dịch trái phiếu, cải thiện cấu trúc phát hành và giao dịch trái phiếu, cho phép thành lập hệ thống môi giới và các công ty môi giới trái phiếu giới thiệu các giao dịch hợp đồng mua lại.

Năm 2013, Chính phủ Hàn Quốc ban hành luật về các dịch vụ đầu tư tài chính và thị trường vốn, quy định phạm vi hoạt động liên quan đến thông tin công bố của tổ chức phát hành, quy định về định hạng tín nhiệm, quy định quy trình, về thủ tục cấp phép hướng dẫn đăng ký thông tin, công bố định kỳ giấy phép đầu tư quy định về thuế, quy định về xử lý vi phạm của tổ chức phát hành và nhà đầu tư.

Còn tại Thái Lan, theo quy định của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC), tất cả các giao dịch của đại lý phải được báo cáo kịp thời hiện tại là 30 phút giao dịch, để cơ quan quản lý phổ biến thông tin thị trường trên trang Web của mình. Quy định của SEC yêu cầu tất cả các nhà giao dịch trái phiếu phải đăng ký với Hiệp hội trái phiếu (BMA) để đăng ký, nhà đầu tư phải đáp ứng các tiêu chí đã đặt ra và vượt qua kỳ kiểm tra đăng ký so BMA quản lý. BMA sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo rằng, hoạt động giao dịch của các nhà đầu tư đã đăng ký tuân theo Đạo đức, Quy tắc và Hành vi được thiết lập cho thị trường trái phiếu.

Riêng với Trung Quốc, để cải thiện tình hình thanh khoản thấp của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Trung Quốc đã thực hiện một số cải cách như định giá trái phiếu doanh nghiệp căn cứ vào trái phiếu chính phủ, thành lập các tổ chức định hạng tín nhiệm, quy định các điều kiện niêm yết trái phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán. Tạo ra nhiều sản phẩm cho thị trường trái phiếu, trong đó có tổng hợp dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp đồng mua lại, hợp đồng kỳ hạn được sử dụng từ năm 2005, trái phiếu xanh theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Tài chính và Ngân hàng Trung Quốc...

>>Chờ “cú hích” trái phiếu doanh nghiệp

Những vấn đề đặt ra cho Việt Nam

Phân tích về mặt được và chưa được của thị trường trái phiếu Việt Nam thời gian vừa qua, TS. Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng Viện Kinh tế tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, thị trường trái phiếu có một chức năng quan trọng nhất đó là thu hút vốn. Chúng ta đều nhận thấy sự tăng trưởng về quy mô, giá trị, cũng như số lượng nhà đầu tư tham gia. Đây đều là những điểm tích cực và cũng giải quyết được những vấn đề, chẳng hạn như hệ thống ngân hàng có thể cơ cấu lại nguồn vốn của mình theo hướng tăng vốn dài hạn, các tổ chức tín dụng trở nên an toàn hơn.

 Hy vọng trong tương lai, vấn đề rủi ro về thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được các cơ quan nhà nước quan tâm hơn, có đối sách phát triển thị trường an toàn phù hợp hơn

Hy vọng trong tương lai, vấn đề rủi ro về thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được các cơ quan nhà nước quan tâm hơn, có đối sách phát triển thị trường an toàn phù hợp hơn

Bên cạnh đó, các công ty bất động sản huy động được vốn, phát triển được nguồn cung và như chúng ta đã biết, có những cơn sốt đất trong thời gian qua do thiếu nguồn cung. Nếu nguồn cung được đáp ứng, thì sẽ có tác dụng hạn chế những cơn sốt đất đó đi, đây chính là mặt được của thị trường.

Tuy nhiên, thực tế huy động vốn trên thị trường trái phiếu cũng chỉ là một hình thức khác của gửi tiền tiết kiệm, mà chúng ta hiểu rằng, đây là một kênh dẫn vốn trực tiếp từ người tiết kiệm đến doanh nghiệp không thông qua hệ thống ngân hàng. Nhưng khi ngân hàng huy động vốn rồi cho vay lại thì nó không thực chất lắm, chưa kể đến việc một số trái phiếu mà ngân hàng thương mại phát hành ra thì lại được ngân hàng thương mại khác mua vào, nghĩa là sử dụng tiền huy động mua vào mà không có huy động mới đối với nền kinh tế, cái này cũng là một hạn chế.

“Một vấn đề nữa là, khi có nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường, chúng ta cũng nhìn thấy có sự rủi ro, mà có lẽ các tổ chức tham gia, nhà đầu tư tham gia hay cơ quan quản lý nhà nước cũng chưa lượng hóa được một cách chính xác và chưa dự tính được tương lai sẽ như thế nào. Đây là cái mà chúng ta phải hết sức quan tâm đối với hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp bất động sản. Có thể tình hình tài chính vẫn đang tốt, nguồn tiền vẫn đang dồi dào, lãi suất thấp, tuy nhiên nếu sau một vài năm nữa, khi kinh tế phục hồi, lạm phát tăng cao, lãi suất tăng cao thì sẽ như thế nào và hệ thống ngân hàng cũng đang gặp vấn đề nợ xấu do COVID- 19 và các doanh nghiệp bất động sản họ huy động thư thế nào?

Hiện rất khó để có thể nói khi mà chưa có những số liệu tương đối đầy đủ, nhưng hy vọng trong tương lai, vấn đề rủi ro về thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ được các cơ quan nhà nước quan tâm hơn, có đối sách phát triển thị trường an toàn phù hợp hơn”, TS. Nguyễn Đức Độ phân tích.

Còn theo TS. Cấn Văn Lực, Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển thị trường chứng khoán nói chung và trái phiếu nói riêng, bởi vì mong muốn định hướng của Đảng và Nhà nước cũng đều theo hướng đó. Đồng thời, tiềm năng về phát triển kinh tế của chúng ta, cùng dòng vốn tín dụng về lâu dài sẽ không thể tăng trưởng mãi ở mức 14% một năm như 10 năm vừa qua, bởi vì quy mô thị trường tín dụng Việt Nam so với quy mô nền kinh tế đã khá lớn gần 150% GDP.

Trong khoảng 10 năm tới, tín dụng chỉ tăng trưởng khoảng 10-11-12% và như vậy kênh dẫn vốn là rất quan trọng, đặc biệt chúng ta có nhu cầu lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng. Trong khi đó, hạ tầng dịch vụ tài chính vẫn còn bất cập, ví dụ liên quan đến tổ chức xếp hạng tín nhiệm, tổ chức định giá trái phiếu, tổ chức quản lý thông tin và dữ liệu thị trường, hay áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế...

“Hiện nay Bộ Tài chính cũng đang muốn áp dụng chuẩn mực kế toán quốc tế, muốn phát hành ra thị trường quốc tế thì việc áp dụng kế toán quốc tế cũng phải đi theo hướng đó. Đặc biệt, nhà đầu tư là vấn đề phải bàn, hay sản phẩm hàng hóa thị trường và cả thị trường thứ cấp, cũng như các công cụ quản lý rủi ro.

Một điểm cần lưu ý là ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, khi tiền kĩ thuật số phát triển, thì đặt ra bài toán của chúng ta là sẽ phát triển thị trường trái phiếu trên nền tảng tiền kĩ thuật số này như thế nào, liên quan đến chuyện huy động vốn cộng đồng liên quan đến quỹ tín thác đầu tư bất động sản, sẽ được thành lập và liên quan đến cả thị trường mua bán nợ ra sao...”, TS. Cấn Văn Lực đặt ra các vấn đề cần phải quan tâm cho thị trường trái phiếu trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Quyền lợi trái chủ nhìn từ câu chuyện hủy phát hành trái phiếu Tân Hoàng Minh

    12:45, 07/04/2022

  • Làm sao để minh bạch thị trường trái phiếu?

    05:30, 07/04/2022

  • Từ vụ Tân Hoàng Minh: Nhà đầu tư cần thận trọng hơn với trái phiếu doanh nghiệp

    04:00, 07/04/2022

  • Vụ Tân Hoàng Minh: Cần có bản án để hủy bỏ trái phiếu đã phát hành

    03:40, 07/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra cho thị trường trái phiếu Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO