Kinh tế thế giới

Kinh tế Mỹ "ngược dòng" kinh tế châu Âu

Nam Trần 24/08/2024 03:33

Nền kinh tế Mỹ bất ngờ chững lại trong khi châu Âu giữ vững đà tăng trưởng kinh tế trong tháng qua.

US economy
Chỉ số sản xuất và dịch vụ Mỹ giảm nhẹ trong tháng 8 (Ảnh: The Guardian)

Sản xuất và dịch vụ Mỹ chậm lại

Chỉ số S&P Global Flash U.S. Composite PMI—chỉ số đo lường hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ—giảm nhẹ xuống 54,1 trong tháng 8 từ mức 54,3 vào tháng 7. Mức trên 50 cho thấy sự mở rộng trong hoạt động của khu vực tư nhân, trong khi chỉ số này ở dưới mức đó biểu hiện của sự suy thoái.

Vào đầu tháng 8, Goldman Sachs đã nâng xác suất suy thoái kinh tế Mỹ trong 12 tháng từ 15% lên 25%, sau khi báo cáo việc làm tháng 7 cho thấy số liệu việc làm phi nông nghiệp chỉ đạt 114.000 việc làm, giảm so với mức điều chỉnh giảm 179.000 của tháng 6 và dưới mức ước tính 185.000 của Dow Jones. Đáng quan ngại hơn, tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ tăng vọt lên 4,3%.

Bất chấp một số chỉ số đo lường nền kinh tế chậm lại, những lĩnh vực khác tăng trưởng đã bù đắp cho sự chững lại đó, theo Oliver Allen, nhà kinh tế học tại Pantheon Macroeconomics.

Doanh số bán lẻ trong tháng 7 tăng 1%, so với ước tính là 0,3%. Trừ các mặt hàng liên quan đến ô tô, doanh số bán hàng tăng 0,4%, so với dự báo 0,1%. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu vào ngày 10/8 là 227.000 đơn, giảm so với tuần trước đó và thấp hơn ước tính.

Kinh tế châu Âu phục hồi

Trái ngược với Mỹ, nền kinh tế châu Âu ghi nhận tăng trưởng nhẹ khi nước Pháp đăng cai Thế vận hội Olympic. Trong tháng 8, khu vực tư nhân của eurozone đã mở rộng mạnh mẽ, đạt mức cao nhất trong 3 tháng qua.

Chỉ số tổng hợp HCOB đã tăng lên 51,2 điểm, từ mức 50,2 của tháng 7. Sự gia tăng này được thúc đẩy chủ yếu bởi hoạt động của khu vực dịch vụ, đặc biệt là nhờ sự kiện Olympic ở Pháp. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) của lĩnh vực dịch vụ cũng tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng là 53,3.

eu.jpg
Kinh tế châu Âu vẫn giữ được đà tăng trưởng chậm chạp (Ảnh: Politico)

Trong quý 2 năm 2024, GDP của cả EU và khu vực đồng euro đều tăng 0,3%, tương tự như mức tăng của quý đầu tiên. So với cùng kỳ năm trước, GDP tăng 0,7% ở EU và 0,6% ở khu vực đồng euro.

Các khảo sát tương tự tại Australia và Nhật Bản cũng cho thấy sự tăng tốc trong tăng trưởng, thậm chí nền kinh tế Ấn Độ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ nhanh.

Tại Vương quốc Anh, sản lượng kinh tế tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 4, với dấu hiệu tích cực từ thị trường lao động và sự lạc quan trở lại trong các doanh nghiệp trong những tháng tới.

“Nền kinh tế Vương quốc Anh có vẻ khá ổn định, và tiếp tục được thúc đẩy nhờ sự phục hồi nhanh chóng của lĩnh vực sản xuất,” Kyle Chapman, chuyên gia phân tích tại Ballinger Group, cho biết.

Dù vậy, những tín hiệu bi quan vẫn còn. Chỉ số tổng hợp các khảo sát quốc gia trên toàn cầu đã giảm trong cả tháng 6 và tháng 7, cho thấy rằng tăng trưởng đang chậm lại.

"Dù đã có sự gia tăng vào tháng 8, chỉ số khu vực đồng euro chỉ mang lại hy vọng cho mức tăng trưởng rất khiêm tốn," chuyên gia kinh tế Vincent Stamer của Commerzbank cho biết.

Các khảo sát khu vực đồng euro đã tiết lộ những dấu hiệu đáng lo ngại về sự suy yếu ở Pháp và Đức, hai trong số những nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Pháp được hưởng lợi từ Thế vận hội nhưng không đủ để nâng đỡ lĩnh vực sản xuất trì trệ của nước này. Trong khi đó, Đức - động lực tăng trưởng của châu Âu - vẫn tiếp tục chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm kéo dài trong lĩnh vực sản xuất của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh tế Mỹ "ngược dòng" kinh tế châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO