Phân tích - Bình luận

Kỷ nguyên kinh tế mới

Trương Khắc Trà 02/09/2024 04:00

Chưa có thời kỳ nào Việt Nam hội đủ các điều kiện để tham gia vào kỷ nguyên kinh tế mới một cách đầy đủ và chất lượng như hiện nay.

von FDI
Vốn đầu tư nước ngoài 7 tháng qua các năm. Nguồn: Bộ KH&ĐT, TTX

Thế giới đã trải qua nhiều kỷ nguyên kinh tế khác nhau, từ nền sản xuất công trường thủ công đến đại công nghiệp; kỷ nguyên máy tính và hậu công nghiệp. Bây giờ là thời đại của kinh tế số; kinh tế tuần hoàn, sản xuất xanh, bền vững,…

Tích lũy tiềm lực

Chịu tác động bởi các yếu tố khách quan của “bánh xe” lịch sử, Việt Nam đã bỏ lỡ cơ hội bứt tốc nền kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp gần nhất. Nhiều thế hệ tinh hoa của dân tộc mất rất nhiều thời gian đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Gần đây nhất, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 diễn ra từ thập niên 70 khi Việt Nam còn chưa hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của riêng mình. Đến tận những năm đầu thế kỷ 21, những thành tựu về kinh tế, khoa học công nghệ đặc sắc nhất tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore,… mới được biết đến ở nước ta.

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 diễn ra từ năm 2000. Sau năm 2013, thuật ngữ 4.0 lan rộng đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Động lực chính của cuộc cách mạng 4.0 là kỹ thuật số, đặc trưng bởi trí tuệ nhân tạo (AI), Bigdata, internet vạn vật (IoT)...

Có thể thấy, bầu không khí về kỷ nguyên kinh tế số rất sôi động ở Việt Nam, hàng trăm hội thảo khoa học, hội nghị chuyên đề hàng năm bàn về AI, năng lượng mới, thu hút vốn FDI công nghệ cao, đào tạo nhân lực kiểu mới; thu hút rất nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới tìm đến kiếm cơ hội đầu tư.

dN fdi 2
Sản xuất sản phẩm nhựa và linh kiện điện tử tại Công ty Chee Yuen Việt Nam, KCN An Dương, Hải Phòng. Ảnh: Vũ Sinh

Trong một nghiên cứu đầu tiên vào năm 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) tại 100 quốc gia về mức độ sẵn sàng tham gia cách mạng 4.0, Việt Nam được xếp vào nhóm “sơ khởi”. Nhưng mới đây, Báo cáo Kinh tế Kỹ thuật số Đông Nam Á lần thứ 8 do Google, Temasek và Bain&Co thực hiện cho thấy, Việt Nam là nền kinh tế kỹ thuật số phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á, và dự kiến sẽ giữ vị trí này đến năm 2025.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế số luôn cao hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP chung, năm 2023 là 12,33%. Thống kê của Ngân hàng thế giới (WB) cho biết, tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam cao hơn so với Thái Lan (12,1%), Indonesia (8,3%), Philippines (6,9%), Singapore (17,3%), Malaysia (23,1%). Google dự báo AI sẽ trở thành trợ lực giúp kinh tế số Việt Nam đạt 220 tỷ USD vào năm 2030.

Thời cơ “trăm năm có một”

Nhìn một cách tổng quan, chưa bao giờ Việt Nam sở hữu vị thế, tiềm lực đa dạng như hiện nay. Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở rất lớn với rất nhiều hiệp định thương mại, đầu tư đang hiệu lực - có thể tiếp nhận bất cứ dòng vốn đầu tư thế hệ mới nào hiện nay như EGS, bán dẫn, trung tâm dữ liệu,…

Nếu như trong 1 thập kỷ trước, dòng vốn FDI đổ vào nước ta chủ yếu tận dụng lực lượng lao động giá rẻ như trong ngành dệt may, da giày, gia công lắp ráp,… thì nay dòng vốn này tập trung vào trung tâm nghiên cứu sản xuất điện tử; chế biến, chế tạo,… Xu hướng dòng vốn FDI này đã và đang giúp Việt Nam thăng hạng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trên nền tảng chiến lược ngoại giao linh hoạt, mềm dẻo, Việt Nam có hệ thống đối tác chiến lược toàn diện; song phương và đa phương hùng mạnh, bao gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, EU. Đây không chỉ là kênh trực tiếp kết nối đến các trung tâm sáng tạo khoa học công nghệ toàn cầu, mà còn mang đến luồng sinh khí “văn hóa công nghiệp mới”.

Đất nước ta đang không ngừng lớn mạnh trong bối cảnh cấu trúc trật tự kinh tế toàn cầu thay đổi mạnh mẽ. Trung tâm sản xuất, cung ứng chủ đạo đang có xu hướng rời khỏi “công xưởng thế giới”, tái bố trí theo các nguyên tắc “friendshoring”, “nearshoring” và “onshoring”. Có thể cắt nghĩa: Thân thiện, an toàn và giàu tính cam kết là các ưu tiên hàng đầu để hấp dẫn dòng vốn FDI.

PGS TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, cho rằng Việt Nam cần nhận diện rõ xu hướng và yêu cầu mới, đặc biệt là công nghệ, chuyển đổi xanh,… và cần nghiên cứu chính sách của các quốc gia trên thế giới về thu hút FDI công nghệ cao và phát triển các ngành công nghệ mới để rút ra bài học phù hợp.

Về nội lực, tính chất và đặc điểm nền kinh tế Việt Nam đã thay đổi cơ bản cả về vĩ mô và vi mô, trên cơ sở tiếp thu chọn lọc nhiều mô hình tân tiến. Điều này sẽ giúp kinh tế Việt Nam dần loại bỏ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, trọng vốn, tài nguyên; chuyển sang khai thác sâu chất xám lao động và đổi mới sáng tạo. Trong bối cảnh đó, rất nhiều “cửa sổ” mới mở ra để tiếp nhận các xu hướng đầu tư phát triển mới nhất hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kỷ nguyên kinh tế mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO