Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Các sáng kiến hợp tác thương mại và công nghệ mới đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao thương quốc tế.
>> Đặt nền móng cho toàn cầu hóa bền vững
Cuộc thảo luận về “phi toàn cầu hóa” đã được khơi dậy vào năm ngoái khi các cú sốc địa chính trị đang định hình lại và thử thách các mối quan hệ quốc tế, cũng như tăng trưởng ở các nền kinh tế xuất khẩu lớn kém hiệu quả.
Theo ông Barry O'Byrne, Giám đốc điều hành ngân hàng thương mại toàn cầu tại HSBC đánh giá, kể từ đại dịch COVID-19, nhiều công ty đã tìm cách định hình lại chuỗi cung ứng của mình với việc chú trọng nhiều hơn vào khả năng phục hồi và tính bền vững. Nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm nhà cung cấp mới hoặc mở rộng thêm tại các thị trường gần hơn.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Thế giới, các thị trường vẫn phụ thuộc vào các kết nối quốc tế, với tỷ lệ thương mại trên tổng GDP vào năm ngoái là 74%, vượt mức trước đại dịch. Các nhà kinh tế của HSBC ước tính rằng sau đợt suy giảm nhẹ vào năm ngoái, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của thế giới sẽ tăng 1,8% trong năm nay và 3,4% vào năm 2025.
Các khách hàng của HSBC cũng lạc quan về hoạt động kinh doanh quốc tế. Ví dụ, theo một cuộc khảo sát của HSBC năm ngoái với 3.509 công ty trên toàn cầu, 91% trong số đó đã hoạt động ở ASEAN có kế hoạch mở rộng trong khu vực.
"Mặc dù một số dự báo tăng trưởng có thể có vẻ kém lạc quan trong những tháng tới, nhưng có những dấu hiệu cho thấy về lâu dài, sẽ có nhiều kết nối toàn cầu hơn chứ không phải ít đi. Năm 2024 có thể là một năm tích cực đối với các doanh nghiệp mong muốn phát triển trên phạm vi quốc tế", ông Byrne nói thêm.
Các hoạt động quan trọng đang được tiến hành với nhiều sáng kiến kết nối thương mại quốc tế khác nhau. Năm mới đã chứng kiến 5 quốc gia thuộc khu vực Trung Đông và Bắc Phi gia nhập BRICS, thúc đẩy liên kết thương mại ngày càng tăng giữa châu Phi và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Hàn Quốc, Ấn Độ và Australia đều đang tiến hành đàm phán thương mại với Vương quốc Anh. Trong khi đó, EU tiếp tục thảo luận các hiệp định thương mại với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Thái Lan, sau khi mở lại các cuộc đàm phán song phương vào năm ngoái.
>> Chiến sự Nga - Ukraine: Đảo ngược toàn cầu hóa
Bên cạnh đó, việc tăng cường đầu tư vào số hóa đang xóa bỏ các rào cản đối với thương mại và thanh toán xuyên biên giới, giúp các doanh nghiệp thực hiện tham vọng vươn ra quốc tế dễ dàng hơn, suôn sẻ hơn và chi phí có khả năng rẻ hơn.
Các sáng kiến như Project Guardian, do Cơ quan tiền tệ Singapore dẫn đầu, đang tập hợp các ngân hàng và cơ quan quản lý để nghiên cứu cách sử dụng công nghệ blockchain nhằm số hóa tài sản, mở ra tính thanh khoản, các cơ hội đầu tư và cải thiện hiệu quả của thị trường tài chính.
Các tổ chức tài chính cũng đang triển khai các ứng dụng và dịch vụ để giúp việc mở tài khoản cũng như gửi và theo dõi việc thanh toán ra nước ngoài trở nên đơn giản hơn. Ở cấp độ chính sách, Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ đều đang nỗ lực hướng tới việc giảm bớt rào cản luồng dữ liệu xuyên biên giới.
Mặt khác, hợp tác xuyên biên giới vẫn đang được thúc đẩy từ việc triển khai các sáng kiến tập trung vào khí hậu.
Mặc dù vậy, sự bất ổn về địa chính trị sẽ tiếp tục tồn tại và diễn biến của các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông vẫn khó dự đoán. Mặt khác, khoảng 3 tỷ người sẽ đi bỏ phiếu trên khắp thế giới trong năm nay, từ Ấn Độ đến Indonesia, từ Pakistan đến Panama, và từ Mỹ đến Anh. Những biến động địa chính trị tiềm ẩn có thể tác động đến việc hợp tác xuyên biên giới.
Các nhà khoa học khí hậu cho biết năm 2024 cũng có thể là năm đầu tiên chứng kiến nhiệt độ trung bình tăng vượt mức 1,5 độ C so với mức trung bình của thời kỳ tiền công nghiệp. Các doanh nghiệp sẽ phải xem xét tác động của mức nhiệt cao và thời tiết khắc nghiệt đối với hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng.
Giới chuyên gia nhận định, thế giới cần tập trung vào việc giúp các doanh nghiệp thúc đẩy khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn. Một cách tiếp cận linh hoạt, sáng suốt sẽ là sự bảo đảm trong một nền kinh tế thế giới đang phát triển nhanh chóng và đầy biến động.
Có thể bạn quan tâm