Kinh tế

Kỳ vọng nền kinh tế số ASEAN chạm mốc 1000 tỷ USD

Cẩm Anh 18/10/2024 13:09

Dự kiến, giá trị thị trường kinh tế kỹ thuật số của ASEAN sẽ đạt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

z5941454556419_ec04fdcdfd39a6396b9ddc4836003770.jpg
Bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương

Tại Hội nghị cung cấp thông tin về tình hình và định hướng hợp tác ASEAN, bà Nguyễn Việt Chi, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, mặc dù bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức, nền kinh tế khu vực ASEAN vẫn cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực.

Theo đó, định hướng chuyển đổi số khu vực đã được thông qua tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AECC) lần thứ 20, gồm ba sáng kiến chính.

Sáng kiến thứ nhất liên quan đến thanh toán xuyên biên giới. Hiện nay, ASEAN đã triển khai thành công các liên kết thanh toán mã QR xuyên biên giới song phương theo khung chính sách thanh toán asean.

Sáng kiến thứ hai triển khai mã số định danh doanh nghiệp duy nhất, hướng tới hoàn thiện kho lưu trữ mã định danh chung cho phép cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong ASEAN có thể truy cập nhằm thuận lợi hóa thương mại, lưu thông dòng chảy thương mại trong khu vực.

Sáng kiến thứ ba là Hiệp định khung về kinh tế số ASEAN (Defa) được khởi động đàm phán từ tháng 10/2023, dự kiến đàm phán kết thúc vào cuối năm 2025.

Hiệp định đóng vai trò như một văn kiện toàn diện, tổng hợp các kế hoạch hành động liên quan đến chuyển đổi số và kinh tế số; được kỳ vọng sẽ thiết lập một nền tảng vững chắc để đưa ASEAN trở thành khu vực có nền kinh tế số hàng đầu.

z5941454569891_439da6fa2725fbcd3511d40f0b6385a2.jpg
Hội nghị cung cấp thông tin về tình hình và định hướng hợp tác ASEAN

Báo cáo của e-Conomy SEA chỉ ra, ASEAN là khu vực có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử và kinh tế số cao nhất thế giới với tỷ lệ tăng trưởng đạt 21%.

Theo đó, ước tính thị trường thương mại điện tử ước đạt 300 tỷ USD vào năm 2025, giá trị thị trường kinh tế kỹ thuật số của ASEAN sẽ đạt mốc 1.000 tỷ USD vào năm 2030.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Việt Chi cho biết thêm, nếu Hiệp định Defa đi vào hoạt động, giá trị thị trường có thể lên đến 2.000 tỷ USD.

Được biết, Defa là sáng kiến chính của lộ trình chuyển đổi số ASEAN. Hiệp định có 16 chương, 36 điều. Đặc biệt, DEFA tập trung vào những lĩnh vực như: thương mại điện tử, thanh toán xuyên biên giới, luồng dữ liệu và bảo mật thông tin, nhằm tạo ra một nền tảng chung giúp ASEAN đạt được sự đồng bộ trong các chính sách và thúc đẩy thương mại số khu vực​.

Dự kiến, Defa sẽ hướng tới việc xây dựng một không gian, môi trường an toàn, lành mạnh cho kinh tế số phát triển; đồng thời thắt chặt vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu cá nhân...

"Defa được kỳ vọng sẽ là cơ sở để thiết lập nền tảng vững chắc, toàn diện đưa ASEAN trở thành khu vực có nền kinh tế số phát triển hàng đầu trong thời gian tới", bà Chi nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, hiện ASEAN đã hoàn thành sáng kiến QRcodeASEAN nhằm kết nối các mã QR trong thanh toán giữa các quốc gia trong ASEAN, cho phép người dùng mua hàng hóa và dịch vụ trên khắp các nước thành viên dễ dàng hơn bằng đồng nội tệ; triển khai xây dựng và đưa vào ứng dụng một mã số định danh doanh nghiệp thống nhất trong ASEAN.

Mặc dù tiềm năng kinh tế số của ASEAN có thể phát triển tăng gấp đôi hiện nay, nhưng nhiều ý kiến nhận định rằng, muốn đạt được điều này, ASEAN cần đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực cũng như nghiên cứu phát triển, xây dựng các trung tâm dữ liệu, nhất là dữ liệu quốc gia.

Theo đó, đại diện Google khu vực châu Á - Thái Bình Dương Scott Beaumont cho rằng, các nước ASEAN cần đảm bảo môi trường pháp lý đủ mạnh, đảm bảo cho các nhà đầu tư đạt được các mục tiêu đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kỳ vọng nền kinh tế số ASEAN chạm mốc 1000 tỷ USD
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO