Kỳ vọng sự phục hồi kinh tế Trung Quốc

CẨM ANH 03/02/2023 03:38

GDP của Trung Quốc đã tăng 3% vào năm 2022, cao hơn so với dự báo khi nền kinh tế vượt qua sóng gió từ đại dịch COVID-19 và những căng thẳng địa chính trị.

>>Chờ đợi biến số kinh tế Trung Quốc năm 2023

GDP của Trung Quốc đã đạt mức tăng 3% năm 2022.

GDP của Trung Quốc đã đạt mức tăng 3% trong năm 2022.

Có thể thấy, mức tăng trưởng tốt hơn mong đợi đã chứng tỏ khả năng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Các chuyên gia kinh tế dự đoán, trong năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc sẽ chứng kiến sự cải thiện mạnh mẽ với những tín hiệu tích cực được ghi nhận trên thị trường và các chính sách của Trung Quốc trong những tuần gần đây.

Việc Trung Quốc mở cửa trở lại đã thúc đẩy sự lạc quan đối với tăng trưởng toàn cầu. Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 7 ngày chứng kiến nhu cầu đi lại của người dân Trung Quốc tăng cao, với lượng lớn khách du lịch nội địa và quốc tế. Tổng cộng có 308 triệu chuyến bay nội địa đã được thực hiện trong tuần, đạt gần 90% so với con số của năm 2019, trước khi đại dịch bắt đầu. Lượng đặt vé máy bay đi nước ngoài cũng tăng 6,7 lần so với năm 2022.

Khoảng 90% rạp chiếu phim Trung Quốc đã mở cửa trở lại và doanh thu phòng vé trong kỳ nghỉ lễ đạt hơn 6,7 tỷ nhân dân tệ. Các nhà hàng cũng chứng kiến lượng khách hàng tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái trong kỳ nghỉ Tết.

Một số chủ ngân hàng đã nhận thấy các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang gia tăng dần mối quan tâm đến các vụ mua bán sáp nhập và huy động vốn sau khi Trung Quốc mở cửa lại và tập trung vào việc củng cố nền kinh tế.

Mặc dù các công ty trong ngành bán lẻ và du lịch được dự đoán sẽ phục hồi sau gần ba năm bị phong tỏa do Covid-19, các chuyên gia dự đoán rằng các thương vụ năm nay sẽ tập trung vào các ngành có thể cải thiện triển vọng kinh tế của Trung Quốc. “Chúng tôi cho rằng, các lĩnh vực chiến lược, bao gồm công nghiệp công nghệ số, tự động hóa và các ngành liên quan đến chất bán dẫn... sẽ là ưu tiên hàng đầu”, ông Mark Webster, người đứng đầu BDA Partners Singapore cho biết.

Khi vấn đề lạm phát trở nên lớn hơn ở các nước phát triển, ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ là "trụ cột" chính chống lại nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

>>“Bước đi” mới của Trung Quốc

Ngành sản xuất của Trung Quốc đang phục hồi ấn tượng - Ảnh: Getty

Ngành sản xuất của Trung Quốc đang phục hồi ấn tượng - Ảnh: Getty Images

Liên Hợp Quốc dự đoán rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng khu vực Châu Á vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng 4,8%. Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cũng đã nâng dự báo tăng trưởng của Trung Quốc lên 5,2% và cho biết nước này có thể là động lực lớn nhất của tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Các công ty nước ngoài như Morgan Stanley và Goldman Sachs cũng đang lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc và đã nâng triển vọng tăng trưởng GDP lên hơn 5%.

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của Trung Quốc đã thúc đẩy niềm tin kinh doanh. Với việc các doanh nghiệp tư nhân gặp nhiều khó khăn hơn kể từ khi dịch COVID -19 bùng phát, Hội nghị kinh tế trung ương thường niên của Trung Quốc diễn ra vào tháng 12 năm ngoái đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ nền kinh tế tư nhân và bảo vệ quyền và lợi ích của các doanh nghiệp tư nhân.

Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu đang gia tăng, thế giới đang chú ý đến chính sách đầu tư nước ngoài của Trung Quốc. Hội nghị kinh tế TW kêu gọi thu hút thêm vốn nước ngoài, đồng thời đưa ra kế hoạch mở rộng khả năng tiếp cận thị trường của Trung Quốc, đảm bảo đối xử quốc gia đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tăng cường bảo vệ vốn nước ngoài.

Ông Li He, chuyên gia tại công ty luật Davis Polk nói: “Mọi người tin rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại là điều tuyệt vời cho nền kinh tế và thị trường tài chính. Đây là thời điểm thuận lợi cho việc thực hiện các giao dịch".

Tuy nhiên, các tổ chức tài chính toàn cầu và các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc, đặc biệt là ngành xuất khẩu của nước này, có thể chịu áp lực suy giảm do dự báo ảm đạm của phần còn lại của thế giới. Theo giới quan sát, Trung Quốc cũng sẽ gặp nhiều bất lợi từ các yếu tố khác, như căng thẳng địa chính trị, giá cả leo thang và hậu quả của đại dịch.

Ông Darius Tang, Phó giám đốc doanh nghiệp tại Fitch Bohua đánh giá “Trung Quốc đang phải đối mặt với những rào cản ngày càng tăng về mặt thương mại, từ suy thoái kinh tế toàn cầu đến những lo lắng về địa chính trị và chúng tôi cho rằng xu hướng này sẽ tiếp tục vào năm 2023".

Bên cạnh đó, những động thái căng thẳng với Mỹ, chẳng hạn như một số luật và chính sách nội bộ mang tính bảo hộ và các lệnh trừng phạt kinh tế đối với các quốc gia khác, sẽ tác động đến Trung Quốc.

Ông cũng nói thêm, "bất chấp tất cả những khó khăn và bất ổn, chúng tôi vẫn lạc quan về sự phát triển kinh tế của Trung Quốc trong năm nay và dự báo tăng trưởng GDP của quốc gia này sẽ đạt khoảng 5%".

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ đã “thất thế” kiềm chế Trung Quốc?

    Mỹ đã “thất thế” kiềm chế Trung Quốc?

    04:00, 01/02/2023

  • Quá sớm để lạc quan khi Trung Quốc mở cửa trở lại

    Quá sớm để lạc quan khi Trung Quốc mở cửa trở lại

    12:00, 31/01/2023

  • Trung Quốc chật vật phục hồi hậu zero COVID

    Trung Quốc chật vật phục hồi hậu zero COVID

    04:00, 30/01/2023

  • Vấn đề hóc búa của ông Joe Biden trong quan hệ với Trung Quốc

    Vấn đề hóc búa của ông Joe Biden trong quan hệ với Trung Quốc

    04:30, 29/01/2023

  • “Bước đi” mới của Trung Quốc

    “Bước đi” mới của Trung Quốc

    12:00, 27/01/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kỳ vọng sự phục hồi kinh tế Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO