Với sức bật của thị trường chứng khoán (TTCK) trong hai quý 2-3 vừa qua, các chuyên gia nhìn nhận diễn biến thị trường cuối năm 2020 khá lạc quan, VN-Index có thể lên vùng 990 điểm.
Sáng ngày 21/10, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Sự vươn lên của thị trường chứng khoán Việt Nam hậu COVID-19”.
Nhận định thị trường trong giai đoạn vừa qua, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường chứng khoán (UBCKNN) cho biết, không chỉ TTCK Việt Nam mà ngay cả TTCK thế giới đều trải qua biến động lớn do ảnh hưởng từ dịch bệnh COVID-19, điều này phản ảnh qua số liệu quý 1/2020 cho thấy chỉ số VN-Index đã giảm 33%. Tuy nhiên, khác với TTCK quốc tế, TTCK Việt Nam đã có sự hồi phục rất nhanh. “TTCK Việt Nam đã lấy lại được những gì đã mất trong năm 2020, hiện tại giá trị của thị trường đang ngang bằng với thời gian năm 2019. Hiện vốn hóa thị trường đã đạt 71,3% GDP”, bà Tạ Thanh Bình cho biết.
Đáng chú ý, bà Tạ Thanh Bình cho biết, quan điểm chung của cơ quan quản lý là tôn trọng sự vận hành tự nhiên, hạn chế can thiệp “thô bạo” vào thị trường. "UBCK đang điều hành thị trường theo hướng phát triển bền vững. Luật Chứng khoán 2019 có hiệu lực từ 1/1/2021 cùng 4 Thông tư đang được xây dựng để hoàn thiện cơ sở pháp lý giúp thị trường vận hành ổn định và bền vững", bà Tạ Thanh Bình cho biết.
Tuy nhiên, ông Bùi Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Quản lý chào bán chứng khoán (UBCK) cho biết, bên cạnh những tín hiệu tích cực từ thị trường trong thời gian qua, hiện vẫn tồn tại một số khó khăn.
Thứ nhất, huy động vốn của doanh nghiệp niêm yết đã sụt giảm. “Tổng số lượng huy động vốn trái phiếu phát hành ra công chúng tỷ lệ đạt 98% so với cùng kỳ năm ngoái, cổ phiếu đạt 99% tổng giá trị phát hành của năm ngoái, nhưng trong số tổng giá trị phát hành cổ phiếu, số lượng vốn huy động thực sự chỉ bằng 61% so với năm ngoái” – ông Bùi Hoàng Hải chia sẻ và cho biết thêm, nhà đầu tư nước ngoài chỉ rút vốn khoảng 4.000 - 5.000 tỷ đồng, không đáng kể so với tổng thị trường, tuy nhiên vốn đầu tư dài hạn có vấn đề.
Thứ hai, việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu quốc tế đã sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngoài ra, mức độ rủi ro trên thị trường cao gây ảnh hưởng đến định giá chứng khoán.
Nhìn về những điểm sáng, ông Hải cho biết, nếu xét theo tỷ lệ tổng giá trị đầu tư nước ngoài trên tổng giá trị vốn hoá của TTCK thì trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam chỉ thấp hơn 2 nước Singapore và Thái Lan. Điểm tích cực nữa là Việt Nam nằm trong danh sách chờ nâng hạng lên thị trường mới nổi của các tổ chức xếp hạng thị trường FTSE và MSCI.
Do đó, nhiều chuyên gia kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ còn tiếp tục diễn biến tích cực trong những tháng cuối năm nay, nhất là khi thanh khoản thị trường đang có xu hướng tăng.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán VPS cho biết, tính từ quý 2 thanh khoản của thị trường đã tăng vượt trội so với trung bình năm 2019, đến nay tăng khoảng 35-40%. “Thanh khoản tăng rất mạnh, có nghĩa là VN-Index quay lại mốc 990 điểm có thể chỉ là vấn đề thời gian và có thể đạt 1.000 điểm và vượt qua cả mức này”, ông Lê Đức Khánh nhận định.
Có thể bạn quan tâm