Lại “nóng” chuyện cấm xe máy

Bài: SÔNG HÀN - Ảnh: Quốc Tuấn 19/06/2023 03:00

Thông tin TP Hà Nội lên kế hoạch cấm xe máy vào nội đô năm 2030 để giảm ô nhiễm, tắc đường lại thu hút sự quan tâm của dư luận.

>>Cấm xe máy vào nội đô Hà Nội năm 2030 – Liệu có khả thi?

đề án dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 của UBND TP. Hà Nội được cho khó khả thi - Ảnh minh họa

Đề án dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030 của UBND TP. Hà Nội được cho khó khả thi - Ảnh: Quốc Tuấn

Thành phố Hà Nội vừa phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế đô thị đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, trong đó chính quyền thành phố giao cơ quan chức năng lập đề án “phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030”.

Đây không phải lần đầu người dân Hà Nội nghe đến đề án “cấm xe máy”.  Năm 2017, thành phố đã nêu đề xuất cấm xe máy ở 5 quận nội đô, bắt đầu thực hiện từ năm 2025, rút kinh nghiệm triển khai tiếp giai đoạn 2 từ năm 2026 - 2030. Năm 2021, thành phố lại đề xuất phương án thu phí ô tô vào nội đô nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.

Thực tế, việc cấm xe máy là một biện pháp được một số thành phố trên thế giới áp dụng nhằm giải quyết các vấn đề về ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông và tăng cường an toàn giao thông. Chính sách này có thể khuyến khích người dân sử dụng các phương tiện công cộng, đi bộ, xe đạp hoặc các phương tiện không gây ô nhiễm môi trường khác.

Kinh nghiệm tại một số nước khi cấm người dân sử dụng xe máy thì các quốc gia này đã tập trung phát triển vận tải công cộng, phát triển vận tải phi cơ giới, xe đạp và đi bộ. Cùng với việc cung cấp cho người dân nhiều sự lựa chọn, chính quyền các nước dùng các công cụ kinh tế để quản lý, truyền thông để tuyên truyền, vận động, định hướng cho người dân để họ chọn phương thức vận tải phù hợp nhất đối với chuyến đi của mình.

Việc cấm xe máy vào năm 2030 tại Hà Nội có thể mang lại một số lợi ích như giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm không khí, nhưng đồng thời cũng có thể đối mặt với một số thách thức về việc cung cấp các phương tiện thay thế và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông công cộng.

Nói vậy bởi vì, theo một con số thống kê, Hà Nội có khoảng 8 triệu phương tiện giao thông, trong đó trên 6 triệu xe máy. Chưa kể hơn một triệu phương tiện vãng lai từ các tỉnh, thành phố tham gia giao thông tại Thủ đô.

Mỗi ngày toàn thành phố có khoảng 14 triệu lượt đi lại, nhưng giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng hơn 10%. Nếu cấm xe máy - loại phương tiện chiếm tới 70% lưu lượng tham gia giao thông thì người dân đi lại, mưu sinh bằng cách nào?

Việc khó khả thi được cho xuất phát từ việc hệ thống giao thông công cộng còn hạn chế và nguy cơ tăng đột biến lượng phương tiện ô tô cá nhân khi cấm xe máy - Ảnh minh họa

Việc khó khả thi được cho xuất phát từ việc hệ thống giao thông công cộng còn hạn chế và nguy cơ tăng đột biến lượng phương tiện ô tô cá nhân khi cấm xe máy - Ảnh: Quốc Tuấn

>>Cấm xe máy vào nội đô năm 2025 là quá vội vàng?

>>Cấm xe máy vào nội đô từ năm 2025 – Hà Nội đang nóng vội?

>>Cấm xe máy thì đi làm bằng phương tiện gì?

Có nhiều người dân có ý kiến rằng: “Hệ thống giao thông công cộng chưa phát triển, đường sắt trên cao làm 10 năm mới xong, một đường có vài chục chung cư, quy hoạch không dứt điểm, giờ cấm xe máy cộng thêm thu phí thì quá khó cho người dân. Đó là chưa nói đến việc, nếu toàn bộ những người đi xe máy bị cấm chuyển sang đi bằng xe ô tô thì sao? Trong khi hạ tầng còn yếu kém, đa số đường nhỏ hẹp, đường 4 làn xe rộng 20-30m còn rất ít, nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường ở nội đô có thể tăng gấp nhiều lần so với hiện nay”.  

Dưới góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Xuân Thủy dự đoán, nếu cấm xe máy thì có thể người dân sẽ đua nhau mua ô tô, khi đó “Hà Nội sẽ không còn chỗ mà len”.  Còn TS Phan Lê Bình còn đưa ra một tình huống khác: “Khi hạn chế xe máy thì hoạt động vận chuyển hàng hóa, đồ ăn bằng xe máy có bị cấm không?”

Nói cách khác, Hà Nội từng đặt chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng năm 2020 đạt 20-25% nhưng đến nay khó đạt được, người dân chưa mặn mà với xe buýt vì đợi xe lâu, đi chậm.  Thành thử, phương tiện và hạ tầng giao thông công cộng chưa đáp ứng được 10% nhu cầu đi lại của người dân trong nội đô mà cấm xe máy thì không khác nào “phong tỏa” luôn mấy quận lõi của Thủ đô.

Hơn nữa, nhìn từ thực tế, người dân chưa tin khi việc đưa các trường học, cơ quan, bệnh viện, các viện nghiên cứu ra ngoài trung tâm thành phố, nói nhiều nhưng chưa làm được bao nhiêu; Quỹ đất cho giao thông công cộng chưa cải thiện. Trong khi chưa kịp giãn dân ra khỏi nội đô thì Hà Nội đã để cho hàng loạt dự án chung cư mọc lên như “nấm sau mưa” tại Trung Hòa - Nhân Chính, đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, khu đô thị Linh Đàm… khiến áp lực dân số nội đô ngày càng tăng. Đó là chưa nói đến việc nhiều dự án giao thông công cộng, đô thị liên tiếp chậm tiến độ, đội vốn… không hẹn ngày hoàn thành..v..v.

Vâng! Ai cũng muốn làm người dân của một thành phố văn minh, văn hóa. Không ai muốn lấy cái nghèo làm điều kiện để trì hoãn nhu cầu vươn tới của Thủ đô. Thế nhưng, nhìn những dự án, những ý tưởng về giao thông công cộng đã và đang thực hiện, thì hầu như người dân chưa tin lắm cho dù trong lòng không muốn thế.   

Chính vì vậy, cái chính là phải tìm ra giải pháp quy hoạch hoàn chỉnh và đồng bộ, tăng cường năng lực của hệ thống giao thông công cộng thì mới giải quyết được vấn đề.

Có thể bạn quan tâm

  • Cấm xe máy vào nội đô Hà Nội năm 2030 – Liệu có khả thi?

    04:00, 17/06/2023

  • Cấm xe máy vào nội đô năm 2025 là quá vội vàng?

    09:00, 09/12/2021

  • Cấm xe máy vào nội đô từ năm 2025 – Hà Nội đang nóng vội?

    04:10, 09/12/2021

  • Cấm xe máy thì đi làm bằng phương tiện gì?

    02:10, 09/12/2021

  • [VBF giữa kỳ 2019]: “Xem xét lại việc cấm xe máy vào năm 2030”

    08:58, 26/06/2019

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lại “nóng” chuyện cấm xe máy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO