Làm rõ nguyên tắc chỉ định thầu sân bay Long Thành

Anh Duy 24/10/2019 11:17

Dự kiến chiều nay (24/10) Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể sẽ Báo cáo trước Quốc hội nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.

 Quốc hội cũng sẽ có Báo cáo thẩm tra dự án này và sau đó thảo luận tổ.

Long Thành

Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 4,8 tỷ USD.

Làm rõ nguyên tắc, cơ chế chỉ định thầu

Theo đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thông qua một số nội dung về sân bay Long Thành. Cụ thể, về hình thức đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn một, tổng mức đầu tư hơn 111.000 tỉ đồng, Chính phủ đề xuất QH thông qua việc giao Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đầu tư các hạng mục chính.

Cụ thể, Chính phủ nêu đề xuất phương án chỉ định thầu và giao Tổng Công ty Cảng hàng không (ACV) thực hiện. Cụ thể, trong cả 4 hạng mục đầu tư chính của dự án đều đề cập hình thức đầu tư là chỉ định thầu.

Cho ý kiến về hình thức chỉ định thầu này, nhiều Đại biểu cho rằng cần làm rõ nguyên tắc chỉ định thầu.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, cho rằng khi giải trình trước Quốc hội, Chính phủ làm rõ lý do, nguyên tắc, cơ chế chỉ định thầu, năng lực và khả năng phân bổ nguồn lực của nhà thầu. 

"Quốc hội không thông qua việc chỉ định 1 đơn vị nào thực hiện mà chỉ đặt ra các tiêu chí để đảm bảo việc thực hiện dự án không ảnh hưởng đến nợ công, lạm phát".

Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội.

Từ trước tới nay Quốc hội chưa chỉ định thầu cho doanh nghiệp nào cả, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ nên xin Quốc hội thông qua chủ trương chỉ định thầu chứ không xin Quốc hội chỉ định cụ thể một đơn vị cụ thể.

Ông Nguyễn Trường Giang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, nhắc lại theo quy định của Luật Đấu thầu thì dự án này thuộc diện đấu thầu. Trong trường hợp khác với luật thì phải báo cáo Quốc hội.

Cùng quan điểm, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Trần Văn Tiến cũng cho rằng cần cân nhắc. “Quốc hội không chỉ định thầu mà chỉ cho chủ trương hoặc cơ chế để Chính phủ làm việc đó”, ông Tiến nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng ủng hộ Chính phủ đề xuất lựa chọn ACV và VATM đầu tư, khai thác cảng.

“Cái gì có lợi, không gây phiền hà, đỡ mất thời gian, không tốn kém, thấy có hiệu quả thì quyết định. Chỉ sợ cố tình làm chuyện đó vì lợi ích cá nhân, chứ vì nước vì dân thì tôi rất ủng hộ”, ông Dũng nhận xét.

Ngoài hình thức chỉ định thầu, Chính phủ còn đề xuất Quốc hội điều chỉnh diện tích đất giai đoạn một từ 1.165 ha lên khoảng 1.810 ha. Điều chỉnh 1.050 ha đất dành cho quốc phòng thành 570 ha đất dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha đất dùng chung giữa quốc phòng và dân dụng. Việc điều chỉnh này nhằm có khu vực dùng riêng thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. 

Chính phủ khẳng định đề xuất điều chỉnh nêu trên không làm thay đổi tổng diện tích đất dùng cho dự án (5.000 ha) đã được Quốc hội thông qua.

Bên cạnh đó, chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối số 1 (dài 3,8 km, kết nối phía tây của sân bay với quốc lộ 51) và 2 (dài 3,5 km, kết nối tuyến số 1 với đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) vào giai đoạn một của dự án để đầu tư theo quy mô phân kỳ đầu tư.

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu Quốc hội phân tích về Dự án sân bay Long Thành

    05:00, 24/10/2019

  • Chính phủ dồn lực làm sân bay Long Thành, cao tốc Bắc - Nam

    14:00, 21/10/2019

Chính phủ kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo công tác thẩm tra, thẩm định, phê duyệt, tổ chức thực hiện dự án, đảm bảo không vượt tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua.

Giám sát chặt giải phóng mặt bằng

Liên quan dự án này, trao đổi bên lề Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, Quốc hội đã chấp nhận báo cáo của Chính phủ là đã tách ra thành một dự án riêng về để giải phóng mặt bằng bồi thường, tái định cư hỗ trợ cho người dân với 23.000 tỷ.

ACV cho biết, đơn vị hiện có thể chuẩn bị được 1/3 tổng mức đầu tư giai đoạn 1. Bên cạnh đó vẫn phải cân đối nguồn lực, không bỏ bê 21 sân bay khác trên cả nước.

Đánh giá đây là một trong những tiểu dự án rất quan trọng, liên quan đến nhiều khu tái định cư sự di chuyển của 15.000 dân, do đó, việc kiểm đếm, đánh giá lại toàn bộ đất đai và các loại tài sản của người dân trên địa bàn mà thu hồi giai đoạn một là khó khăn. "Việc này rất khó vì đất đai này thuộc nhiều đối tượng khác nhau, được người dân sử dụng qua rất nhiều, thậm chí có nhiều các khu vực lại chưa được đo đạc, kiểm đếm, cấp phép", đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đánh giá.

Theo Đại biểu, đất đai này không chỉ đơn giản là nhà ở của người dân, mà còn thuộc về các cơ sở tôn giáo, đường giao thông, suối khe, sông. Nghĩa là trong đó có cả những loại đất đai không thuộc về điều kiện phải bồi thường.

“Ví dụ như sông, suối thì ai bồi thường vào đấy. Những chỗ này nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến sơ hở để một số đối tượng lợi dụng việc mở rộng thêm diện tích và ký khống các văn bản giống như một số nơi đã từng có. Điều này là hết sức nguy hiểm”, ông Nhưỡng nêu ý kiến.

Vì vậy, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng phải sử dụng các công cụ pháp lý khác, công cụ kinh tế và công cụ quyền lực để xử lý các vấn đề. Phải đồng bộ và nhiều kênh nhiều hình thức giám sát.

Theo lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, việc giao ACV đầu tư nhằm đảm bảo quản lý nhà nước, thực hiện theo khuyến cáo của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO là "một sân bay một nhà khai thác" và hạn chế những khó khăn của phương án dùng vốn ngân sách và đấu thầu chọn nhà đầu tư.

Dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư gần 4,8 tỷ USD (khoảng 111.689 tỷ đồng). Các hạng mục giai đoạn 1 sẽ gồm một đường cất hạ cánh; một nhà ga hành khách với công suất 25 triệu hành khách mỗi năm; nhà ga hàng hóa 1,2 triệu tấn hàng hóa một năm và các hạng mục phụ trợ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Làm rõ nguyên tắc chỉ định thầu sân bay Long Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO