Vốn ngoại đầu tư vào Việt Nam tăng trưởng gần 15% so với cùng kỳ.
>>Vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua
Với 28,85 tỷ USD đăng ký trong tháng 11 - mức tăng cao nhất kể từ đầu năm cho thấy niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào tiềm năng phát triển, môi trường đầu tư kinh doanh của nền kinh tế Việt Nam.
Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) dự báo tiếp tục tăng trưởng trong thời gian tới. Các nhà đầu tư từ châu Âu, Mỹ, Australia ngày càng quan tâm tới thị trường Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang đứng trước cơ hội tham gia nhiều hơn vào chuỗi công nghệ cao toàn cầu. Cùng với đó, tập trung vào mục tiêu dài hạn để đạt được mức thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tạo triển vọng ổn định ngành năng lượng cũng đang đưa Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư của dòng vốn xanh, vốn chất lượng cao.
Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên đón làn sóng FDI thứ 4. Chào đón “đại bàng” không chỉ mang theo hàng tỷ vốn ngoại rót vào thị trường, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mục tiêu lớn hơn là mang đến cơ hội và môi trường để doanh nghiệp trong nước trưởng thành hơn, tự tin tham gia tích cực hơn vào chuỗi cung ứng của các “ông lớn”, gia tăng hàm lượng chất xám và giá trị xuất khẩu nhiều hơn. Tại một số nước công nghiệp hoá mới trong khu vực, thu hút đầu tư nước ngoài để tạo liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư FDI cũng không nằm ngoài mục đích trên.
Bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, một số doanh nghiệp trong nước đã quyết tâm, kiên trì học hỏi để trở thành các nhà cung ứng trong chuỗi, có thể chủ động sản xuất thiết bị, linh kiện theo đơn hàng của đối tác trong chuỗi và xuất khẩu. Đặc biệt, một số linh kiện phục vụ ngành công nghiệp mới như năng lượng, xe điện… Tuy nhiên, sau hơn 3 thập kỷ thu hút FDI, số lượng doanh nghiệp Việt nâng tầm để trở thành các nhà cung cấp cho các tập đoàn toàn cầu chưa được như kỳ vọng.
>>Bất chấp khủng hoảng, dòng vốn FDI chảy mạnh vào Việt Nam
Các tập đoàn FDI đều mong muốn tìm kiếm các nhà cung cấp trong nước. Riêng ở chuỗi cung ứng của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, theo khảo sát của JETRO, trong 10 năm qua, doanh nghiệp trong nước trở thành nhà cung cấp của doanh nghiệp Nhật Bản tăng thêm 80% nhưng vẫn nằm ở nhóm cuối. Còn theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, doanh nghiệp trong nước đang đứng ở cuối “đồ thị nụ cười” gắn với sản xuất, lắp ráp linh kiện đơn lẻ, lợi nhuận chưa cao và khó tạo tính đột phá. Trong khi những khâu quan trọng hơn, tạo giá trị như R&D, thiết kế… do các doanh nghiệp thực hiện.
Trước kỷ nguyên của làn sóng FDI thứ 4, liên kết doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI, gia tăng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm - vấn đề vốn không mới nhưng luôn có tính thời sự một lần nữa lại được xới xáo nhiều hơn. Đặc biệt, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ đầu năm 2024, chính sách ưu đãi thu hút FDI của Việt Nam có thể xem xét điều chỉnh phù hợp.
Đại diện lãnh đạo một số Hiệp hội và chuyên gia kinh tế cho rằng, liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI cần có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua cơ chế chính sách. Có thể nhà đầu tư sử dụng nhà cung cấp trong nước càng nhiều càng nhận được thêm ưu đãi. Ưu đãi có thể gia tăng nếu nhà đầu tư có chính sách sử dụng nhiều nhân sự quản lý người Việt, có chương trình hỗ trợ đào tạo tay nghề, kỹ năng, chuyên môn, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước…
Có thể bạn quan tâm
01:17, 30/11/2023
17:00, 29/11/2023
14:50, 29/11/2023
13:41, 29/11/2023
09:42, 29/11/2023