Liên kết để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vùng, được xem là giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm ổn định và phát triển Vùng theo định hướng chung của cả nước.
>> Bến Tre: Nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư
Tại Mekong Connect 2023, ông Nguyễn Trúc Sơn, phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre, cho rằng tư duy mới, tầm nhìn mới và cách tiếp cận mới từ góc độ chung của toàn xã hội, giảm dần tư duy cục bộ địa phương để hướng tới mục tiêu lớn hơn, xa hơn cho cả khu vực và cả nước.
Ông Nguyễn Trúc Sơn cho rằng, liên kết để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế vùng, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội được xem là vấn đề khó khăn nhưng là giải pháp cơ bản, lâu dài nhằm ổn định và phát triển Vùng theo định hướng chung của cả nước.
Với kỳ vọng hòa nhập nhanh với xu thế chung và phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, các tỉnh trong vùng ĐBSCL, trong đó có Bến Tre mong muốn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ sâu sắc từ các Bộ, ngành Trung ương; sự cống hiến của các nhà khoa học và sự chia sẻ, ủng hộ nhiều hơn từ bạn bè trong nước và quốc tế.
“Với tinh thần đó, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã tiến hành liên kết với nhau để hình thành các tiểu vùng: Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau… Riêng đối với tỉnh Bến Tre, ngoài việc tham gia vào các nhiệm vụ chung của Vùng, một số mô hình liên kết, hợp tác dần được hình thành và chú trọng thực hiện trong quá trình quản lý, điều hành của tỉnh” - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Trúc Sơn, Bến Tre tham gia chương trình hợp tác ABCD MeKong, gồm các tỉnh An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp; các địa phương đã liên kết, cùng nhau xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh, nhằm nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa và tạo điều kiện thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.
Đây được xem là một điển hình của mô hình liên kết phi chính thức, sử dụng linh hoạt nguồn lực từ khu vực tư để phục vụ các nhu cầu kết nối thị trường, cung cấp sản phẩm, nhất là các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Để mở rộng quy mô kết nối, tăng hiệu quả của Diễn đàn, năm 2023 tỉnh Bến Tre đã đề nghị nâng Diễn đàn Mekong Connect lên thành hoạt động chung của vùng ĐBSCL, có sự phối hợp tổ chức và tham gia của 13 tỉnh, thành trong Vùng với TP.HCM và Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao.
Bên cạnh đó, để phát huy những điểm tương đồng về thế mạnh, tiềm năng cũng như cơ hội để cùng nhau phát triển, ngày 22/2/2018 Tỉnh ủy 4 tỉnh: Bến Tre – Tiền Giang – Vĩnh Long – Trà Vinh đã ký Biên bản ghi nhớ số 1về xây dựng và triển khai thực hiện Đề án Liên kết phát triển toàn diện Tiểu vùng duyên hải phía Đông ĐBSCL, với 8 lĩnh vực liên kết.
Cụ thể gồm: Liên kết phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông sản chủ lực; Liên kết về phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông thủy – bộ, logistic, thủy lợi; Liên kết về quy hoạch vùng sản xuất nhất là các sản phẩm chủ lực, thế mạnh của các địa phương; Liên kết về bảo vệ, quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên; trong đó, có tài nguyên cát, tài nguyên nước; Liên kết trong xúc tiến mời gọi hợp tác đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, chú trọng công nghiệp chế biến nông sản; xúc tiến thương mại, du lịch; Liên kết xây dựng quy chế phối hợp trao đổi thông tin đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển bền vững tiểu vùng; Liên kết để xây dựng các chương trình, dự án chung của Tiểu vùng liên quan đến ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo vệ nguồn nước và liên kết phát triển nguồn nhân lực.
Với TP.HCM, Bản thỏa thuận Chương trình hợp tác phát triển kinh tế – xã hội giữa TPHCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đến năm 2025 đã được lãnh đạo các địa phương ký kết vào ngày 11/3/2023 tại thành phố Bến Tre; trong đó có 6 lĩnh vực hợp tác trọng tâm được ký kết chung đó là: (1) Phát triển hạ tầng giao thông; (2) Phát triển du lịch; (3) Kết nối cung – cầu, xúc tiến đầu tư – thương mại; (4) Hợp tác thích ứng với BĐKH; (5) Phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số; (6) Phát triển lĩnh vực giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực.
Trong đó riêng TP.HCM và Bến Tre hợp tác song phương với 5 nội dung. Cụ thể: Kiến nghị Trung ương hỗ trợ nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là Tuyến đường bộ ven biển, kết nối các tỉnh phía Đông vùng ĐBSCL với TP.HCM; Hỗ trợ, huy động nguồn lực ĐTXD Trường Đại học Tây Nam bộ (tại Bến Tre) là thành viên của Đại học Quốc gia TP.HCM; Triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đền thờ đồng chí Huỳnh Tấn Phát trở thành Khu lưu niệm và mở rộng Căn cứ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định (Y4) giai đoạn 2; Phối hợp xây dựng và khai thác hiệu quả các chuỗi, tuyến du lịch TP.HCM – Bến Tre.
Hỗ trợ kết nối doanh nghiệp, xúc tiến mời gọi các doanh nghiệp TP.HCM có năng lực, công nghệ về đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng các KCN/CCN; đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp tỉnh Bến Tre (ưu tiên KCN Phú Thuận, KCN An Nhơn và hạ tầng các KCN được quy hoạch); đầu tư phát triển hạ tầng, dịch vụ logistic.
“Những hoạt động cụ thể trên đã minh chứng rõ sự quyết tâm rất lớn của lãnh đạo tỉnh Bến Tre nói riêng và địa phương trong Vùng nói chung đối với vấn đề liên kết, hợp tác vùng; đồng thời kỳ vọng sẽ xây dựng được tư duy mới, tầm nhìn mới và cách tiếp cận mới từ góc độ chung của toàn xã hội, giảm dần tư duy cục bộ địa phương để hướng tới mục tiêu lớn hơn, xa hơn cho cả khu vực và cả nước” – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn khẳng định.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn, thời gian tới tỉnh Bến Tre sẽ tập trung phối hợp, đẩy mạnh các hoạt động liên kết vùng, hợp tác với TP.HCM, phối hợp, triển khai các dự án hạ tầng giao thông kết nối các địa phương trong vùng và TP.HCM, nhất là đầu tư tuyến đường bộ ven biển. Các dự án liên kết vùng đang trong quá trình xây dựng như Cầu Rạch Miễu 2 nối Tiền Giang và Bến Tre; cầu Đình Khao nối tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre; tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang…
Có thể bạn quan tâm