Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, Chính phủ cần phải có cơ chế thí điểm hoặc mang tính đặc thù để tạo điều kiện cho ngân hàng và doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn một cách dễ dàng hơn.
>>Hỗ trợ cầu tiêu dùng doanh nghiệp để “vực dậy” nền kinh tế
Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ với DĐDN bên hành lang “Diễn đàn phát triển kinh doanh: Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp”, do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 19/7.
-Mặc dù ngân hàng đã liên tiếp hạ lãi suất cho vay, nhưng tại sao doanh nghiệp vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng, thưa ông?
Như chúng ta đã biết, tình hình kinh tế hiện nay có nhiều diễn biến hết sức khó lường. Nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm đã thể hiện rất rõ nét việc sụt giảm sức mua. Các đơn vị sản xuất gặp rất nhiều khó khăn, bên cạnh những nguyên nhân chủ quan thì cũng có một số khách quan do cơ chế chính sách mang đến.
Trong bối cảnh hết sức khó khăn này, vừa qua chúng ta lại triển khai hàng loạt các nghị định, luật như Luật Phòng cháy chữa cháy hay các hoạt động quy định về quản lý nhà nước đối với các doanh nghiệp. Từ đó, khó khăn lại càng chồng chất khó khăn cho doanh nghiệp.
Chúng tôi cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức có trách nhiệm phải tiếp tục vào cuộc tháo gỡ một cách hết sức cụ thể, chúng ta không thể chỉ hô hào khẩu hiệu, hoặc đưa ra những mệnh lệnh không khả thi, khó đi vào đời sống xã hội, không đi vào thực tiễn cuộc sống.
Đơn cử, các chính sách về room tín dụng của các ngân hàng đối với các doanh nghiệp. Chính phủ đang rất tích cực, nhưng cũng cần có những hành động cụ thể, các cơ chế phải được triển khai đồng bộ về các quy định đối với hoạt động tín dụng.
Mặc dù Chính phủ đã có những chỉ đạo rất sát sao, nhưng khi căn cứ vào các quy định pháp luật thì còn rất nhiều vướng mắc, ngân hàng vẫn yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng như thời điểm không khó khăn. Doanh nghiệp đã khó khăn thì chúng ta phải hiểu họ “không còn cái gì”, từ tài sản đảm bảo đến các nguồn lực khác để chứng minh tài chính.
Theo tôi, đối với ngân hàng, hoạt động tín dụng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đã có sự đồng hành, quá trình quan hệ lâu dài thì phải hết sức linh hoạt. Đồng thời, đối với các quy định của pháp luật trong bối cảnh hiện nay thì cũng cần phải có những có chế mở, như thí điểm hoặc mang tính đặc thù để tạo điều kiện cho cả 2 khu vực ngân hàng và doanh nghiệp họ có thể tiếp cận một cách dễ dàng hơn.
>>19/07: Diễn đàn Phát triển Kinh doanh: "Tháo gỡ khó khăn, tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp"
>>KHÔNG GIAN PHÁT TRIỂN MỚI CHO DOANH NGHIỆP: Thích ứng và đổi mới mô hình
-Thực tế, ngân hàng đã hạ lãi suất nhưng vì sao lại có những doanh nghiệp không “mặn mà” vay, thưa ông?
Việc giảm 1% hay 2% lãi suất chỉ là một câu chuyện. Còn việc doanh nghiệp có vay và tiếp cận được hay không thì lại là câu chuyện khác. Bởi vì nếu doanh nghiệp không hoàn thiện đầy đủ các thủ tục như ban đầu thì rất khó vay. Cho nên, có giảm thế hay giảm nữa thì cũng không có ý nghĩa nhiều.
Theo tôi, trong bối cảnh khó khăn này, doanh nghiệp và ngân hàng, đặc biệt là những chế tài quản lý trong các hoạt động tín dụng cần có những giải pháp linh hoạt để tận dụng một cách sáng tạo các quy định của pháp luật.
Thậm chí, có thể cho phép ngân hàng làm thử nghiệm, thí điểm với các khách hàng truyền thống để vực dậy các doanh nghiệp đang khó khăn, trong đó có doanh nghiệp nông nghiệp.
-Theo ông, nguyên nhân nào khiến doanh nghiệp không muốn vay?
Có rất nhiều vấn đề được đặt ra trong câu chuyện này. Nhiều trường hợp doanh nghiệp đã hoàn tất các thủ tục và đã được vay nhưng đầu ra không có như dệt may, da giày hay một số sản phẩm phụ trợ… Khi không còn đơn hàng thì doanh nghiệp vay tiền để làm gì? Họ vay về để tạo ra món nợ hay sao?
Thực tế, việc các doanh nghiệp không “mặn mà” vay vốn ngân hàng cũng rất ít, trường hợp này chỉ xảy ra khi doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng xuất khẩu, họ chỉ vay với số lượng ít để duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Còn phần lớn các doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn vì các quy định của hoạt động tín dụng.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
10:45, 19/07/2023
10:40, 19/07/2023
10:30, 19/07/2023
09:26, 19/07/2023