Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Hàng loạt các quan chức dính vào vòng lao lý vì vi phạm quy định pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá trong những năm qua nhưng lời cảnh tỉnh vẫn chưa đủ sức răn đe.
Trong khi đó, nhiều tổ chức, cá nhân vẫn lợi dụng kẻ hở của hệ thống hành lang pháp lý, cố tình biến tấu các quy định “mềm” để cấu kết, trục lợi Ngân sách Nhà nước một cách vô tội vạ.
“Biến hoá” hồ sơ trong tầm tay
Điều chúng tôi muốn đề cập ở đây là vấn đề lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tác động trực tiếp lẫn gián tiếp đến quá trình mời thầu, đấu thầu đã xảy ra ở nhiều ngành, nghề, địa phương…trong suốt thời gian qua.
Bởi qua theo dõi, gần như 100% các vụ án liên quan đến sai phạm đấu thầu, đấu giá sử dụng tài sản của Nhà nước đều liên quan đến những cá nhân được giao trọng trách lãnh đạo, điều hành đơn vị, tổ chức. Họ đều đại diện cho bên mời thầu, chủ đầu tư để đưa ra các quy định “mềm” nhằm “núp bóng” quy định cứng là các thủ tục pháp lý đã định sẵn để thông đồng, cấu kết.
Chính vì vậy, những người đại diện cho cơ quan quản lý Nhà nước, nơi có tài sản cần mua-bán thường được giao trách nhiệm là Chủ tịch Hội đồng đấu thầu nên có thể dễ dàng bị mua chuộc – lôi kéo rồi “nhắm mắt” cho qua. Tình trạng này xảy ra phổ biến ở các gói thầu mua sắm hàng hoá, vật tư… vì họ chẳng phải mất gì cả, chỉ có Nhà nước, Nhân dân bị thiệt hại, mất quyền lợi khi giá trị, công năng sử dụng kém chất lượng mà giá cả lại ở trên trời áp xuống.
Các vụ án điển hình như: Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CDC Hà Nội, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội; Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh, TP Cần Thơ; các vụ án Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy tại các Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa…được Bộ Công an khởi tố, điều tra đã phần nào cho thấy những dấu hiệu vi phạm pháp luật nói trên rõ nhất.
Hàng loạt các quan chức đầu ngành ở một số tỉnh, thành trên địa bàn cả nước dính vào vòng lao lý vì vi phạm quy định pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá trong những năm qua nhưng lời cảnh tỉnh vẫn chưa đủ sức răn đe. Không chỉ vậy, vi phạm về đấu thầu, đấu giá còn xảy ra ở những cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị kỷ thuật, khởi tố, xử phạt án tù trong thời gian vừa qua.
Đáng quan tâm, với chức năng đại diện cho cơ quan quản lý hành chính Nhà nước – Chủ tịch Hội đồng đấu thầu, nhiều cá nhân đã lợi dụng kẻ hở trong khâu thẩm định giá, thẩm định năng lực của nhà thầu để “biến hoá” các quy định cần thiết về quy trình, thủ tục yêu cầu của gói thầu cho doanh nghiệp, cá nhân “sân trước, sân sau” được rộng cửa trúng thầu.
Nguy hại hơn, những cá nhân đại diện cho cơ quan quản lý hành chính Nhà nước đã dùng cơ chế mệnh lệnh, sự ràng buộc giữa cấp trên-cấp dưới để bao che, thông đồng, cấu kết phân chia lợi ích cá nhân ngay từ công đoạn soạn hồ sơ mời thầu…
Sớm lấp lỗ hổng trong đấu thầu, đấu giá
Liên quan đến việc phát hiện, xử lý các vi phạm trên lĩnh vực hoạt động đấu thầu, đấu giá, mới đây khi trao đổi với báo chí, Trung tướng Tô Ân Xô – Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an cho rằng, thực tế quy trình, thủ tục đấu thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành hiện nay vẫn còn những bất cập, kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để vi phạm.
Người phát ngôn Bộ Công an cũng chỉ ra một số bất cập liên quan đến đấu thầu như khâu thẩm định, điều kiện chỉ định thầu, vấn đề đánh giá chất lượng sản phẩm, định giá tài sản, quy định các nội dung trong hồ sơ mời thầu… chưa được khắc phục. Mặt khác, những kẻ hở trong các nội dung có trong hồ sơ mời thầu đã được xây dựng, ban hành theo kiểu định hướng để nhà thầu “quen mặt” có thể dễ dàng trúng thầu với giá sát nút số tiền dự toán ban đầu đặt ra.
Ở khía cạnh khác, qua tìm hiểu, chúng tôi cũng thấy rằng, cơ chế “ngầm” trong vấn đề “chạy dự án”, “chạy vốn”… cũng khiến tình trạng nhiều doanh nghiệp trúng thầu theo kiểu “một mình một chợ” cũng xảy ra trên diện rộng. Điều này cũng khiến cho nhà thầu khác không thể có cửa để dòm ngó vào nữa vì vốn dĩ đã được mặc định theo kiểu “công sức của ông này, bà kia đã có chủ rồi”…
“Về mặt tình thì nhiều gói thầu thường được các doanh nghiệp đi trước chạy vốn về cho địa phương nên khi tổ chức đấu thầu họ thường được soạn sẵn các tiêu chí theo kiểu định hướng có lợi cho mình. Còn về mặt lý, nghĩa là các quy định pháp luật thì đương nhiên khi tổ chức đấu thầu sẽ có quân xanh, quân đỏ.
Như vậy, cùng với sự tiếp sức, mở đường từ một nhóm người có chức sắc, quyền hạn, gói thầu sẽ mặc nhiên là của nhà thầu chạy vốn rồi. Còn nếu chưa thể đưa ra kết quả trúng thầu cho nhà thầu đã định hướng trước thì hội đồng đấu thầu sẽ có muôn vàn lý do để huỷ thầu, đấu thầu lại… Kể cả đấu thầu qua mạng dưới hình thức công khai như hiện nay” – Một nhà thầu (xin được dấu tên) chia sẻ với phóng viên như vậy.
Các chuyên gia về đấu thầu cũng chỉ ra rằng, chính sự bất cập ở góc độ lợi dụng quan hệ - tiền tệ để sinh ra cơ chế “chạy vốn”, “chạy dự án” cũng đang khiến cho sự mất công bằng, thiếu bình đẳng trong đấu thầu, đấu giá cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đội giá, thiệt hại Ngân sách Nhà nước chưa thể ngăn chặn.
Còn nữa, thực tế hệ thống quy định pháp luật quy định chưa rõ ràng về mức độ xử lý vi phạm đối tượng cố tình tác động đến khách thể và thông đồng với chủ thể trong vụ án, vụ việc nên nhiều kẽ hở có thể dễ dàng bị lợi dụng.
Cũng liên quan đến các sai phạm trong đấu thầu, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, Bộ Công an Bộ Công an đã kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan nhiều giải pháp để khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm.
Có thể bạn quan tâm
Nghệ An có “phung phí” tiền tỷ tại những công trình nước sạch?
04:20, 07/11/2021
Lỗ hổng trong đấu thầu, đấu giá - Bài 1: Khi quan chức… nhúng chàm
11:50, 31/10/2021
Lỗ hổng trong đấu thầu, đấu giá - Bài 2: Kẽ hở đằng sau những chính sách cấp bách
04:20, 02/11/2021
Thái Nguyên: Loạt dự án được giao đất không qua đấu thầu, đấu giá
04:00, 26/07/2021
Đấu thầu, đấu giá: “Sân chơi” vẫn chưa công bằng
11:01, 16/03/2020