Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ NN&PTNT, UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý thông tin Diễn đàn Doanh nghiệp đã phản ánh về tình trạng vi phạm pháp luật về đê điều ở Hà Nội…
Ngay sau khi Diễn đàn Doanh nghiệp có bài phản ánh về tình trạng “loạn” vi phạm pháp luật về đê điều ở Hà Nội, ngày 14/8/2020, Văn phóng Chính phủ có công văn số 6762/VPCP-NN yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý…
Nội dung Công văn nêu rõ, theo nội dung phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn Hà Nội xảy ra 60 vụ vi phạm pháp luật về đê điều nhưng mới xử lý được 5 vụ. Từ năm 2011 – 2019, thành phố tồn đọng 1.821 vụ việc chưa xử lý; các vi phạm vẫn diễn ra, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn đê điều, thoát lũ.
Mặc dù, đã có nhiều văn bản từ Bộ NN&PTNT gửi UBND thành phố Hà Nội đề nghị ngăn chặn và xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều. Tuy nhiên, đến nay, các vi phạm vẫn diễn ra hết sức phức tạp…
Về việc này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm tra thông tin báo nêu; phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật đê điều (nếu có) nhằm bảo đảm an toàn cho hệ thống đê điều.
Trước đó, ngày 12/8, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có bài phản ánh về tình trạng trong vài năm trở lại đây, tại khu vực chân cầu Chương Dương xuất hiện cơ sở kinh doanh bề thế quy mô hàng trăm mét vuông mọc ngay phía dưới chân đê sát mép sông Hồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang thoát lũ, đe dọa an toàn của tuyến đê… Tuy nhiên, không hiểu sao chính quyền địa phương không xử lý dứt điểm?
Nhiều người dân trên địa bàn bức xúc cho biết: Nếu như người dân bình thường khi xây dựng nhà cửa, quán xá mà lấn ra một chút là bị lực lượng chức năng đến kiểm tra, lập biên bản và xử lý ngay. Thế nhưng không hiểu vì sao, nhà hàng “Làng bia Quán Mộc” được xây dựng hoàn toàn không có giấy phép vẫn ngang nhiên tồn tại để hoạt động kinh doanh?
Bên cạnh những vi phạm đang diễn ra tại phường Ngọc Lâm, Bộ NN & PTNT cũng thống kê 11 điểm vi phạm nghiêm trọng, nổi cộm trên địa bàn thành phố. Điển hình như tại bãi tập kết ống cống, vật liệu xây dựng của Công ty TNHH sản xuất vật liệu xây dựng Vinh Huy (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm).
Nhiều thông tin, tài liệu cho thấy, khu bãi sông này nằm hoàn toàn trong không gian thoát lũ của sông Đuống, điều đáng nói là chính quyền nơi đây lại cho Công ty Vinh Huy “mượn” để làm nhà xưởng và tập kết vật liệu xây dựng.
Và kế bên nhà xưởng của Công ty Vinh Huy là bãi tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng không phép do HTX Thành Đoàn quản lý. Có thể thấy, sai phạm đến mức có hệ thống “theo chuỗi”, nhưng đến nay UBND xã Yên Viên vẫn không quyết liệt vào cuộc xử lý.
Hay như tại trạm trộn bê-tông của Công ty CP Trọng Phụng (xã Đông Dư) được cơ quan chức năng xác định là công trình không phép, nằm trên bãi sông. Hạt quản lý đê số 6 đã có văn bản đề nghị các ngành chức năng dỡ bỏ hoàn toàn. Nhưng đến nay, trạm trộn này vẫn ngang nhiên hoạt động.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 1): Chính phủ “quyết liệt”, địa phương “xem thường”
11:01, 10/07/2020
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 2): Cơ quan chức năng “xé rào” cấp phép
04:50, 17/07/2020
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 3): Phân lô, bán nền tại “vùng cấm”
11:00, 29/07/2020
Báo động vi phạm pháp luật về đê điều (Kỳ 4): Sai vì … “quyền lợi” người dân!?
11:05, 01/08/2020
“Loạn” vi phạm Luật Đê điều ở Hà Nội
11:01, 12/08/2020