Mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh của các nhà băng đã giảm, song trên thực tế, nhiều nhà băng vẫn công bố lãi khủng trong 9 tháng đầu năm nay.
Giảm lạc quan
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý 4/2019 của các TCTD vừa được Vụ Dự báo Thống kê (NHNN Việt Nam) công bố mới đây cho thấy, mặc dù phần đông các ngân hàng vẫn tỏ ra lạc quan với triển vọng kinh doanh, song mức độ lạc quan có phần giảm sút.
Cụ thể, chỉ có 76,5% các TCTD nhận định tình hình kinh doanh quý 3/2019 cải thiện tốt hơn so với quý 2, trong đó 20,6% cho biết mức độ cải thiện là nhiều. Trong cuộc điều tra trước đó, có tới 85,4% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ được cải thiện hơn trong quý 3. Đáng chú ý, tỷ lệ TCTD kỳ vọng hình kinh doanh tổng thể trong năm 2019 cải thiện hơn so với năm 2018 cũng giảm còn 87,1% từ mức 88,5% của cuộc điều tra trước đó.
Một trong những nguyên nhân khiến mức độ lạc quan của các TCTD giảm là do tín dụng tăng khá chậm chạp trong thời gian gần đây khi tính đến ngày 24/9, tín dụng mới tăng 8,64% so với đầu năm nay.
Có thể bạn quan tâm
05:01, 24/04/2019
05:01, 14/01/2019
05:01, 09/07/2019
05:01, 05/03/2019
11:01, 10/12/2018
Theo Công ty chứng khoán SSI, con số tăng trưởng tín dụng thực tế cả 9 tháng sẽ cao hơn số liệu nói trên. Như năm 2018, đến cuối quý 3 tăng trưởng tín dụng là 10,33%, cao hơn con số công bố ngày 20/9/2018 tới 0,81 điểm phần trăm. Tuy nhiên, dù có đẩy mạnh giải ngân trong 3 ngày làm việc cuối tháng (tính từ 24/9/2019), con số tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm 2019 dự kiến cũng sẽ chỉ quanh 9% – là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ 4 năm gần đây.
Cũng theo tính toán của SSI, tổng giải ngân tín dụng toàn xã hội trong quý 3 ước khoảng 120 nghìn tỷ đồng – thấp hơn nhiều so với mức 226 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2019 và 305 nghìn tỷ đồng trong quý 2/2019.
Không chỉ vậy, kết quả điều tra của NHNN Việt Nam cũng cho thấy, các TCTD chỉ kỳ vọng dư nợ tín dụng tăng trưởng 4,85% trong quý 4/2019 và tăng 13,61% trong năm 2019; giảm 0,72 điểm phần trăm so với mức bình quân kỳ vọng 14,33% ghi nhận tại kỳ điều tra trước và cũng thấp hơn mức tăng thực tế 13,88% của năm 2018. Đáng chú ý các TCTD liên tục điều chỉnh giảm kỳ vọng về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng trong năm 2019 qua các kỳ điều tra từ 15,27% hồi đầu năm xuống còn 13,61%.
Trong khi tín dụng tăng trưởng ì ạch thì huy động vốn lại tăng trưởng khá tốt trong quý 3/2019 sau 2 quý trước đó luôn tăng trưởng thấp hơn tín dụng và thấp hơn cùng kỳ 2018. Cụ thể, tính đến 24/9, huy động vốn của các TCTD tăng 9,03% so với cuối năm 2018. Không chỉ tăng trưởng với tốc độ cao hơn mà lãi suất huy động bình quân cao hơn, lãi suất thực dương tăng mạnh từ khoảng 3,4%/năm trong năm 2018 lên 4,8% trong 9 tháng 2019.
Phân hóa lợi nhuận
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân của SSI nhận định: “Đầu ra tín dụng còn yếu, trong khi mặt bằng lãi suất huy động cao hơn, bức tranh lợi nhuận quý 3 năm 2019 của các ngân hàng sẽ khó bằng được như quý trước đó”.
Thế nhưng trên thực tế dường như lại không đúng như vậy. Mặc dù hiện mới chỉ có một số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2019, song tất cả đều vô cùng khả quan với con số lợi nhuận tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2018.
TPBank là nhà băng đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 9 tháng với con số lợi nhuận trước thuế đạt tới 2.404 tỷ đồng, hoàn thành 75% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Điều đó cho thấy mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 3.200 tỷ đồng trong năm 2019 của TPBank là hoàn toàn khả thi, cho dù mục tiêu lợi nhuận này tăng tới 42% so với năm 2018 trong khi ngân hàng chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng có 20% trong năm nay.
Hay như Sacombank cũng vừa công bố thu về 2.491 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm nay, tăng 89,5% so với cung kỳ năm trước. Với kết quả này, Sacombank đã hoàn thành tới 94% kế hoạch lợi nhuận năm chỉ trong 3 quý đầu năm. Đặc biệt, dư địa tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm nay của ngân hàng vẫn còn khá lớn do tín dụng mới chỉ tăng 13,1% so với đầu năm, trong khi Sacombank đã được NHNN nới room tín dụng lên 17%.
Tuy nhiên, dẫn đầu về lợi nhuận có lẽ vẫn là Vietcombank khi mà lợi nhuận trước thuế 9 tháng của nhà băng này đạt tới 17.592 tỷ đồng, tăng 50,6% so với cùng kỳ, đạt 85,8% kế hoạch năm 2019. Đặc biệt, tín dụng của Vietcombank cũng mới tăng 11,6% trong khi mục tiêu tín dụng cả năm là 15%.
Đó là những minh chứng rõ nét cho thấy sự phân hóa trong hoạt động của các ngân hàng đang diễn ra mạnh mẽ. Trong khi tỷ lệ thu nhập lãi thuần (NIM) của các ngân hàng lớn, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh, được cải thiện tích cực nhờ nghồn tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức kinh tế lớn, thì tình hình có phần trái ngược ở các ngân hàng nhỏ với việc mặt bằng lãi suất huy động tăng.