Luật Đất đai (sửa đổi): Tháo gỡ xung đột, chồng chéo với loạt các luật liên quan

NGUYỄN GIANG 15/11/2022 03:00

Luật Đất đai liên quan đến hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, bởi vậy, việc đồng bộ giữa các luật có liên quan là một yêu cầu quan trọng đặt ra trong tiến trình sửa luật lần này…

>>Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo quyền lợi cho người yếu thế trong xã hội

hihii

Đồng bộ giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan là một yêu cầu quan trọng đặt ra trong tiến trình sửa luật. Ảnh minh họa

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phản ánh của các doanh nghiệp cho thấy, thời gian qua, có nhiều dự án phải “nằm im” trong nhiều năm không có lối ra và bản thân các cơ quan thực thi ở địa phương cũng rất khó khi thực hiện. Nguyên nhân từ sự xung đột, chồng chéo giữa các luật, quy định giữa luật không giống nhau hoặc không rõ ràng, dẫn tới người thực thi tại các địa phương ngần ngại, trì hoãn.

Thực tế, thời gian trước, VCCI hợp tác với tỉnh Bắc Ninh và đã cố gắng xây dựng một quy trình, một dự án đầu tư có sử dụng đất trên thực tế. Tuy nhiên, quy trình trên thực tế rất khác so với quy trình trên giấy. Một dự án phải “lòng vòng” giữa các sở, ngành và mỗi sở, ngành phải đi qua rất nhiều khâu khi thực hiện thủ tục hành chính. Vì vậy, theo ông Tuấn, đơn giản hóa thủ tục phải là bước đột phá và mục tiêu rất quan trọng của Dự thảo Luật Đất đai lần này.

Trước đó, quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cũng ghi nhận nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo với các luật có liên quan “làm khó” cả cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và người dân, doanh nghiệp, khiến đất đai chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả. Bởi vậy, đồng bộ giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan là một yêu cầu quan trọng đặt ra trong tiến trình sửa luật.

Báo cáo rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi đến Quốc hội dài tới 69 trang giấy A4 (chưa kể phần phụ lục) một lần nữa cho thấy mối quan hệ rộng khắp, chằng chịt và phức tạp của dự luật này (chứ không phải Luật Đất đai năm 2013) với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Chính phủ đã rà soát 112 bộ luật, luật có mối quan hệ với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó có 88 bộ luật, luật có nội dung quy phạm pháp luật về đất đai và 24 luật không có nội dung quy phạm pháp luật về đất đai nhưng có ảnh hưởng đến việc quản lý, sử dụng đất. Kết quả cho thấy có 22 bộ luật, luật có quy định vướng mắc, chồng chéo với các quy định trong Luật Đất đai (sửa đổi).

>>Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Làm rõ cơ chế hoạt động cho “Ngân hàng đất nông nghiệp”

Để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật và thể hiện Luật Đất đai là luật căn bản về đất đai, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định về nguyên tắc áp dụng pháp luật (điều 4); trong đó phân loại các nhóm quan hệ thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, nhóm quan hệ thực hiện theo quy định của luật khác.

Cụ thể, điều 4 quy định như sau: Trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này với các luật khác về quyền và trách nhiệm của Nhà nước đối với đất đai; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; điều kiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư; thu hồi, trưng dụng, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đất đai; phân loại đất; điều tra, đánh giá đất đai; chế độ sử dụng các loại đất, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thủ tục hành chính về đất đai thì thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.

Còn lại, việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đấu giá tài sản; việc thực hiện trình tự, thủ tục đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của Luật Đấu thầu; việc sắp xếp lại, xử lý đất và các tài sản khác gắn liền với đất là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Quá trình thẩm tra, trong Ủy ban Kinh tế có hai loại ý kiến khác nhau về hướng xử lý này. Một bên thống nhất với cách tiếp cận tại dự thảo luật này nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai, khắc phục tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật trong thời gian qua.

Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định rõ những nhóm quan hệ trong quản lý, sử dụng đất áp dụng Luật Đất đai, nhóm quan hệ áp dụng theo các luật khác trong dự thảo luật, bảo đảm tính khả thi và tạo thuận lợi cho quá trình tổ chức thực hiện. Một bên đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo luật do việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được điều chỉnh theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Vấn đề này Quốc hội sẽ xem xét và cho ý kiến cuối cùng! Dù giải pháp nào được chọn, thì có một việc cơ quan soạn thảo vẫn cần phải tiến hành kỹ lưỡng và bài bản mới mong xử lý được mối quan hệ giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật về đất đai. Đó là nghiên cứu xây dựng danh mục các văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ để kịp thời khắc phục những điểm chồng chéo hoặc đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ trong điều khoản thi hành của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Có thể bạn quan tâm

  • Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo quyền lợi cho người yếu thế trong xã hội

    Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo quyền lợi cho người yếu thế trong xã hội

    00:10, 01/11/2022

  • Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Làm rõ cơ chế hoạt động cho “Ngân hàng đất nông nghiệp”

    Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Làm rõ cơ chế hoạt động cho “Ngân hàng đất nông nghiệp”

    03:50, 09/10/2022

  • Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa thể hiện đầy đủ quyền giám sát của công dân

    Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Chưa thể hiện đầy đủ quyền giám sát của công dân

    14:29, 04/10/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật Đất đai (sửa đổi): Tháo gỡ xung đột, chồng chéo với loạt các luật liên quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO