Mặc dù đã có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các hợp tác xã, nhưng thực tế các chính sách này đi vào cuộc sống không nhiều, có chính sách hầu như chưa thực hiện được.
Mặc dù, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đạt được nhiều thành tựu, song thực tế cho thấy, trong quá trình phát triển, khu vực kinh tế này gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Đáng nói, theo đánh giá, một số chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các hợp tác xã trong dịch COVID-19 (Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ ngày 19/4/2021 về gia hạn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021...
Tuy nhiên, một số nội dung quy định thực thi chính sách không quy định rõ đối tượng thụ hưởng là hợp tác xã hoặc người lao động trong hợp tác xã.
Một số văn bản thủ tục hành chính, hồ sơ phức tạp, qua nhiều cơ quan, ban ngành khiến các hợp tác xã thấy mất nhiều thời gian mà mức hỗ trợ không đáng kể, thậm chí có thể không đủ bù phần chi phí làm hồ sơ thụ hưởng.
Một số quy định vay 0% trả lương cho người lao động nghỉ việc, thực tế hợp tác xã không chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động mà chỉ cho tạm nghỉ việc hoặc giảm thời gian đi làm, sử dụng nguồn quỹ dự phòng để duy trì trả lương và hỗ trợ tài chính cho người lao động.
Từ thực tế hoạt động, ông Huỳnh Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thân Thiện (TP. Cần Thơ) cho biết, chính sách hỗ trợ thành lập mới, tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã 2012 do nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ 100% kinh phí. Thế nhưng nhiều địa phương chưa cân đối được kinh phí nên việc dành khoản kinh phí hỗ trợ hợp tác xã là rất khó khăn.
Bên cạnh đó, Luật Hợp tác xã 2012 cũng quy định ưu tiên các hợp tác xã có quy mô lớn về thành viên, sản xuất theo hướng hàng hóa lớn, sản xuất theo cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị để hưởng các chính sách hỗ trợ trên. Nhưng theo ý kiến của nhiều hợp tác xã, những điều kiện như vậy hợp tác xã rất khó đáp ứng được. Trong khi để được hưởng các chính sách ưu đãi, cần phải có hướng dẫn chi tiết, cụ thể và có quy định đặc thù.
Chẳng hạn như hợp tác xã muốn vay vốn thì cần phải có tài sản thế chấp, muốn vậy địa phương phải thực hiện giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hợp tác xã thì mới hoàn thiện được thủ tục của các tổ chức tín dụng.
Lý giải nguyên nhân của thực trạng này, từ góc nhìn pháp luật, Luật sư Nguyễn Tiến Hoà, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, về cơ chế chính sách, thời gian qua các Bộ, ngành Trung ương đã hướng dẫn Luật Hợp tác xã 2012 theo nhiệm vụ được phân công.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập sau:
Thứ nhất, một số quy định còn chưa được hướng dẫn cụ thể, ví dụ: xác định tài sản không chia, xử lý tài sản không chia sau chuyển đổi, giải thể hợp tác xã; hướng dẫn chuyển đổi hợp tác xã sang các loại hình tổ chức khác; hướng dẫn thủ tục thực hiện hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng cho hợp tác xã; …
Thứ hai, nhiều chính sách hỗ trợ hợp tác xã thực hiện chưa thực sự hiệu quả, tính khả thi không cao. Luật Hợp tác xã năm 2012, Nghị định số 193/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hợp tác xã (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 107/2017/NĐ-CP), quy định 11 chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho các hợp tác xã, nhưng thực tế các chính sách này đi vào cuộc sống không nhiều, có chính sách hầu như chưa thực hiện được. Bởi các chính sách chủ yếu là lồng ghép trong các chính sách chung của nhà nước, một số chính sách riêng cho hợp tác xã thì không có nguồn vốn.
Bên cạnh đó, thời gian ban hành một số văn bản hướng dẫn Luật Hợp tác xã năm 2012 kéo dài và phải điều chỉnh, nên quá trình triển khai thực hiện Luật gặp nhiều khó khăn. Việc tổ chức tuyên truyền phổ biến về Luật Hợp tác xã năm 2012 chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao dẫn đến nhận thức về pháp luật hợp tác xã chưa thống nhất. Nhiều địa phương còn lúng túng trong việc triển khai một số quy định mới của Luật, không có cơ chế chính sách hỗ trợ cho các hợp tác trong quá trình thực hiện.
“Mô hình hợp tác xã bắt đầu xuất hiện từ những năm 1980 đến nay, tức là chúng ta có gần 40 năm với mô hình này và cũng đã có gần 25 năm bồi đắp thể chế pháp lý về hợp tác xã, kể từ thời điểm ban hành Luật hợp tác xã cho mô hình hợp tác xã kiểu mới vào năm 1996. Thế nhưng những thay đổi về quy định chẳng có gì đáng kể, thậm chí còn làm xuất hiện những ngờ vực về vai trò của chúng trong phát triển kinh tế tập thể. Ít ra, như những gì đã thấy, vì thiếu rõ ràng và dứt khoát, khung pháp lý hiện nay vẫn đang lộ ra nhiều kẽ hở dễ dàng bị lợi dụng và… hợp thức hóa cho một số hành vi và động cơ khác”, ông Hoà nói.
Có thể bạn quan tâm
04:10, 07/08/2021
04:13, 06/08/2021
04:10, 06/08/2021
04:10, 05/08/2021