Lương tối thiểu vùng đã cao hơn năng lực chi trả của doanh nghiệp

THY HẰNG 23/06/2020 16:46

Sau khi đánh giá lại CPI thực tế năm 2019 thì mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51% và vượt quá năng lực chi trả của một số doanh nghiệp tại thời điểm hiện nay.

Ngày 23/6, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp phiên đầu tiên về điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021.

Mức

Trong đó, báo cáo Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia được đặc biệt chú ý khi đưa ra bối cảnh đặc biệt hiện tại, lấy căn cứ đưa ra phương hướng điều chỉnh tiền lương tối thiều vùng năm 2021.

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng đang áp dụng từ 1/1/2020 đã đạt mục tiêu “bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình vào năm 2020, bình quân các vùng cao hơn mức sống tối thiểu 0,3%".

Do đó, các chuyên gia và thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho rằng việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng 2021 cần được xem xét trong bối cảnh lương tối thiểu vùng 2020 mức 5,5% vừa qua đã đáp ứng và vượt được yêu cầu “lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu” như đúng tinh thần, mục tiêu của Nghị quyết 27-NQ/TW về chính sách tiền lương.

Thậm chí, theo phân tích của Bộ phận kỹ thuật Hội đồng Tiền lương, mức lương tối thiểu vùng 2020 được tính toán theo mức CPI dự kiến là 4%. Tuy nhiên, thực tế khi đánh giá lại CPI 2019 chỉ 2,79%. Như vậy, lương tối thiểu vùng 2020 đã cao hơn mức sống tối thiểu 1,51%.

Đặc biệt, một căn cứ quan trọng khác được sử dụng để xác định mức điều chỉnh lương tối thiểu vùng hàng năm là năng lực, khả năng chi trả của doanh nghiệp. Trái với những quan điểm thường có của cơ quan đại diện người lao động những năm trước đó, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã lưu ý căn cứu này ngay tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng.

“Qua nắm tình hình người lao động và công đoàn, thì người lao động vẫn muốn tăng lương. Tuy nhiên, năm nay, Tổng Liên đoàn Lao động cũng phải xem xét nhiều góc cạnh, đặc biệt là “sức khoẻ” của doanh nghiệp”, ông Lê Đình Quảng, Phó ban Quan hệ lao động thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam lưu ý.

Bởi theo đại diện Tổng Liên đoàn Lao động, tháng 7 và tháng 8 tới, các doanh nghiệp mới “ngấm đòn” tác động bởi COVID-19. “Bây giờ hội nhập quốc tế toàn cầu, sức khỏe của doanh nghiệp cũng phụ thuộc rất lớn vào đơn hàng, nguồn cung…người lao động không thể muốn tăng lương là được”, ông Quảng nhấn mạnh.

Theo Tổng cục thống kê, từ quý II/2020, các doanh nghiệp bắt đầu bị tác động rõ nét từ dịch COVID-19, có khoảng 84,8% doanh nghiệp được khảo sát cho biết gặp khó khăn do ảnh hưởng của COVID-19. Khoảng 67% doanh nghiệp đã phải thực hiện ít nhất một trong bốn giải pháp về lao động để ứng phó tác động của COVID-19 như cắt giảm lao động, cho lao động giãn/nghỉ việc luân phiên, cho lao động nghỉ việc không lương, giảm lương lao động.

“Doanh nghiệp sản xuất mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, gia công cho nước ngoài đang gặp rất nhiều khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động, điển hình như Tập đoàn PouYuen đang lên phương án cắt giảm lao động với quy mô hàng nghìn lao động”, bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da – Giày – Túi xác Việt Nam (Lefaso) lo ngại.

Từ thực tế trên, Hội đồng Tiền lương Quốc gia thống nhất cho rằng, phương hướng chung xem xét tiền lương tối thiểu áp dụng cho năm 2021 cần có sự chia sẻ giữa người lao động, doanh nghiệp và nhà nước để khi dịch bệnh chấm dứt sẽ tạo đà cho doanh nghiệp phục hồi, ổn định sản xuất, để người lao động có cơ hội tìm kiếm được việc làm, ổn định công việc duy trì tiền lương, thu nhập.

Có thể bạn quan tâm

  • Lương tối thiểu vùng 2021 sẽ khó tăng

    11:04, 23/06/2020

  • Chưa thể điều chỉnh lương tối thiểu 2021

    11:00, 03/06/2020

  • Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp: VCCI đề nghị không điều chỉnh lương tối thiểu vùng cho năm 2021

    12:49, 09/05/2020

  • Doanh nghiệp may xin điều chỉnh lương tối thiểu

    06:23, 08/04/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lương tối thiểu vùng đã cao hơn năng lực chi trả của doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO