"Ma trận" thủ tục cho nhà ở xã hội

DIỆU HOA 03/06/2023 05:00

Nút thắt lớn nhất khiến chương trình xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân bị “tắc” chính từ thủ tục, chính sách nhiêu khê chứ không phải là doanh nghiệp chê không làm nhà ở xã hội.

>>Đề xuất gộp gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội do chậm giải ngân

UBND TP Hà Nội vừa chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng.

Mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án nhà ở xã hội cao tầng Vĩnh Hưng.

Thủ tục kéo dài nhiều năm

Theo đó, hai đơn vị thực hiện dự án là Công ty Đầu tư kinh doanh bất động sản và thương mại Vĩnh Hưng và Công ty TNHH Hòa Bình. Dự án sẽ được xây dựng tại số 4-6-8 ngõ 321 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, Hoàng Mai. Quy mô sử dụng đất của công trình khoảng 4.516 m2 với chiều cao 31 tầng. Tổng số vốn đầu tư khoảng 1.183,4 tỷ đồng.

Về dự án này, tháng 7/2022, Công ty Hòa Bình đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ góp ý về chủ trương, chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó, doanh nghiệp này cho hay sau hơn 5 tháng kể từ ngày công ty gửi hồ sơ đề xuất xây nhà ở xã hội, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội mới lấy xong ý kiến của các sở, ngành và đề nghị UBND TP quyết định chủ trương cho công ty xây nhà ở xã hội.

Chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Hữu Đường - Chủ tịch HĐQT Hoà Bình Group cho biết, khi làm thủ tục làm nhà ở xã hội, Hòa Bình Group phải mất hơn 500 ngày mới được cấp chủ trương đầu tư dự án làm nhà ở xã hội cho 1 khu đất. Trong khi đó, thời điểm Hòa Bình Group quảng bá dự án, công bố căn hộ mẫu thì nhu cầu đăng ký mua của người dân, cán bộ rất lớn.

Thực trạng của các dự án Hòa Bình Group gặp phải cũng đang là tình trạng chung và là điểm nghẽn trong phát triển nhà ở xã hội hiện nay.

Ông Lê Hữu Nghĩa – Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành – đơn vị chuyên đầu tư nhà ở xã hội tại TP HCM cũng chia sẻ, doanh nghiệp có 2 dự án triển khai nhiều năm qua nhưng vẫn chưa xong khâu thủ tục, dù ông đã “kêu” ở nhiều nơi.

Đáng chú ý, có dự án tại khu đất ưu tiên để phát triển nhà ở xã hội của thành phố nhưng Công ty Lê Thành đã nộp hồ sơ xin quyết định chủ trương đầu tư dự án tại Sở KH-ĐT TP.HCM từ tháng 3.2019, đến nay vẫn chưa xong do vướng các khâu về chỉ tiêu quy hoạch và ranh đất thực hiện dự án.

“Thông thường một dự án nhà ở thương mại mất 3 - 5 năm là xong. Nhưng nay một dự án nhà ở xã hội mất 3 năm chưa xong một thủ tục. Thủ tục nhiêu khê, kéo dài lê thê khiến DN nản lòng, chỉ muốn buông không làm nữa”, ông Lê Hữu Nghĩa bức xúc.

>>Đã có 100 dự án thuộc diện vay gói 120.000 tỷ đồng xây nhà ở xã hội

Tinh gọn thủ tục đầu tư

Đánh giá về tình trạng trên, GS Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, vướng mắc thủ tục hành chính là điểm chung hiện nay, chủ trương cải cách hành chính được thực hiện từ rất lâu rồi nhưng hiện nay có biểu hiện phức tạp hơn và quá nhiều thủ tục con khiến thời gian phê duyệt dự án kéo dài.

Sớm gỡ "ma trận" thủ tục cho nhà ở xã hội

Trước các vấn đề về khó khăn chuẩn bị thủ tục hành chính cho nhà ở xã hội, ông Bùi Tiến Thành - Trưởng phòng phát triển đô thị, Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng về lựa chọn chủ đầu tư dự án, khi xác định các doanh nghiệp có nhu cầu tham gia triển khai dự án, xét thấy tất cả đều đủ điều kiện thì nên cho bốc thăm, còn nếu thực hiện theo đấu thầu thì thủ tục phải mất đến gần 2 năm. Chưa kể các thủ tục khác như giải phóng mặt bằng… nên thời gian triển khai dự án sẽ rất lâu.

Đối với dự án nhà ở, nhất là nhà ở xã hội mà bắt buộc phải đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thì cũng nên có quy định cụ thể về thủ tục, trình tự đấu thầu nhưng trên tinh thần tinh gọn, giảm thiểu nhất có thể để sớm có thêm nguồn cung, đáp ứng nhu cầu cho người dân.

"Tôi cho rằng, với dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, sinh viên thì thủ tục hành chính phải thiết kế riêng, thật tinh gọn, giảm thiểu hơn dự án nhà ở thương mại, như vậy sẽ thu hút được doanh nghiệp tham gia xây dựng, tăng nguồn cung", ông Thành khuyến nghị.

Trong khi đó, ThS Nguyễn Văn Đỉnh - Chuyên gia bất động sản cho rằng để đẩy mạnh nguồn cung cho phân khúc này, giải pháp dài hạn, căn cơ là phải sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở để đề ra những chính sách thực chất nhằm phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là việc tạo lập quỹ đất, bố trí vốn, các cơ chế ưu đãi và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án.

Nhưng Luật Nhà ở (sửa đổi) dự kiến thông qua vào cuối năm 2023 và phải đến tháng 7/2024 mới có hiệu lực. Trong một năm rưỡi sắp tới, Chính phủ cần áp dụng giải pháp trung hạn và ngắn hạn nhằm “giải cứu” nhà ở xã hội, gồm sửa đổi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 49/2021/NĐ-CP).

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất gộp gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội do chậm giải ngân

    Đề xuất gộp gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội do chậm giải ngân

    10:00, 01/06/2023

  • Điều kiện mua nhà ở xã hội làm khó người lao động

    Điều kiện mua nhà ở xã hội làm khó người lao động

    03:00, 01/06/2023

  • Đã có 100 dự án thuộc diện vay gói 120.000 tỷ đồng xây nhà ở xã hội

    Đã có 100 dự án thuộc diện vay gói 120.000 tỷ đồng xây nhà ở xã hội

    01:00, 01/06/2023

  • Bài toán nào để hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội?

    Bài toán nào để hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội?

    12:55, 31/05/2023

  • Doanh nghiệp, người dân gặp khó khi tiếp cận nhà ở xã hội

    Doanh nghiệp, người dân gặp khó khi tiếp cận nhà ở xã hội

    11:33, 31/05/2023

  • "Khơi thông" gói ưu đãi nhà ở xã hội – Cần gỡ vướng mắc về pháp lý

    05:10, 31/05/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Ma trận" thủ tục cho nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO