Mảng kinh doanh mới của Grab

CÁP TẦN 30/06/2024 02:00

Với tính năng hỗ trợ nhà bán lẻ dễ dàng tạo chiến dịch quảng cáo trên ứng dụng của mình, Grab đang cho thấy nỗ lực đẩy mạnh mảng quảng cáo trên kênh bán lẻ, cũng như mở rộng mảng kinh doanh quảng cáo.

>>Grab “một mũi tên trúng nhiều đích”

 GrabFood và GrabMart hỗ trợ tính năng Quản lý Tiếp thị sử dụng ngay trên ứng dụng điện thoại.

GrabFood và GrabMart hỗ trợ tính năng Quản lý Tiếp thị sử dụng ngay trên ứng dụng điện thoại.

Theo thông tin ghi nhận, Grab vừa giới thiệu đến các đối tác nhà bán GrabFood và GrabMart tính năng Quản lý Tiếp thị có thể sử dụng ngay trên ứng dụng điện thoại. Với tính năng này, nhà bán có thể dễ dàng tự tạo quảng cáo, các chương trình ưu đãi và giảm giá.

Quảng cáo kênh bán lẻ

Công cụ mới nhất được giới thiệu trong Quản lý Tiếp thị là “Chiến dịch tiêu điểm”. Tại đây, Grab sẽ lọc và đưa ra những chiến dịch được thiết kế đặc biệt và thường chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian nhất định, từ đó giúp đối tác nhà bán tối ưu hiển thị và nâng cao hiệu quả trên nền tảng Grab.

Không chỉ dễ dàng tạo các chiến dịch quảng cáo, đối tác nhà bán còn có thể thông qua tính năng Quản lý Tiếp thị để cập nhật kết quả chiến dịch theo thời gian thực (real time), từ đó có thể tạm ngừng hoặc mở rộng thời gian triển khai sao cho phù hợp.

Tính năng Quản lý Tiếp thị mới này là một trong những nỗ lực của Grab trong kế hoạch phát triển quảng cáo trên kênh bán lẻ. Đây là một hình thức quảng cáo mới mẻ nhưng đầy tiềm năng. Theo thống kê, chưa có kênh quảng cáo nào trong lịch sử lại phát triển nhanh như quảng cáo kênh bán lẻ (retail media). Các ước tính cho thấy chi phí dành cho quảng cáo kênh bán lẻ sẽ vượt qua quảng cáo truyền hình vào năm 2028 và chiếm hơn 15% tổng chi tiêu quảng cáo.

Nói một cách đơn giản, quảng cáo kênh bán lẻ là hình thức chạy quảng cáo trên những website và ứng dụng điện thoại của những nhà bán lẻ. Ở đó, các thương hiệu sẽ đặt quảng cáo và chương trình khuyến mãi nhằm thu hút người mua hàng ngay tại thời điểm có họ ý định mua hàng.

Chẳng hạn, khi người dùng tìm kiếm sản phẩm “xà phòng” tại website của một siêu thị nào đó, ngoài danh sách các loại xà phòng mà siêu thị ấy bán, thì ngay ở đầu trang kết quả tìm kiếm, sẽ có một thương hiệu xà phòng A nào đó chạy quảng cáo và được đặt ở vị trí trên cùng, nổi bật nhất, thu hút sự chú ý của khách hàng.

Quảng cáo kênh bán lẻ trở nên phổ biến vì sự thay đổi thói quen người tiêu dùng, đặc biệt trong và sau thời kỳ đại dịch. Người tiêu dùng không còn thích ra tận cửa hàng ngắm nghía và mua sắm nữa, mà họ thường mua trên mạng. Vậy nên các thương hiệu cũng phải đổi nơi quảng cáo sang những “địa điểm” có thể trực tuyếp tiếp cận người dùng.

Grab có gì?

Không chỉ vậy, quảng cáo kênh bán lẻ chứng tỏ được sức mạnh trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến quyền riêng tư trên mạng. Người dùng không thích các website theo dõi họ 24/7. Đầu năm 2024 Google dự kiến loại bỏ dần cookie của bên thứ ba. Vậy nên khi ấy, website/ứng dụng của các nhà bán lẻ với lượng dữ liệu khách hàng khổng lồ là một mảnh đất màu mỡ hơn cho các thương hiệu. Hơn thế nữa, đây còn là nơi là khách hàng tham gia với mục đích mua một thứ gì đó, trái ngược với các hành vi duyệt web tìm kiếm thông tin hoặc tương tác với bạn bè trên mạng xã hội.

Chính vì những tiềm năng to lớn và sức mạnh khác biệt này mà ngày càng nhiều các đơn vị bán lẻ muốn sử dụng nguồn dữ liệu bên thứ nhất của mình để kiếm thêm doanh thu. Và các ông lớn trong ngành cũng không ngoại lệ.

Không thể không kể đến Amazon với mạng lưới quảng cáo bán lẻ Amazon Advertising. Với nền tảng khách hàng khổng lồ và đa dạng, Amazon cho phép các nhà quảng cáo có thể tiếp cận với khách hàng tại nhiều điểm trong quá trình mua hàng. Các ông lớn bán lẻ khác như Walmart, Target hay eBay cũng đều triển khai kênh quảng cáo tương tự.

Uber, một mô hình gần với Grab nhất, cũng khá thành công trong mảng quảng cáo. Quý 2 năm 2023, mạng quảng cáo của Uber thu hút 55.000 nhà quảng cáo, nâng tổng số nhà quảng cáo lên 400.000, đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Doanh thu quảng cáo hằng năm dự kiến hơn 650 triệu USD. Uber đặt kỳ vọng đạt 1 tỷ USD quảng cáo vào năm 2024.

Với bản thân Grab, việc đẩy mạnh quảng cáo là một phương hướng phù hợp và có tiềm năng. Bản thân họ có độ phủ sóng rất lớn với các dịch vụ đặt xe, giao đồ ăn, đi chợ... của mình, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên khắp Đông Nam Á. Mỗi ngày, Grab xử lý hơn 10 triệu giao dịch.

Họ có cơ sở dữ liệu người dùng khổng lồ và cũng là địa điểm đặt dịch vụ quen thuộc của khách hàng. Vậy nên không có gì ngạc nhiên khi doanh thu của Grab từ quảng cáo cho các nhà hàng năm ngoái ước tính đã mang về cho Grab 100 triệu USD.

Với những yếu tố phù hợp cả về khách quan (thay đổi trong thói quen và nhu cầu người tiêu dùng,...) và chủ quan (độ phủ sóng rộng, nguồn dữ liệu khách hàng dồi dào,...), có thể nói quảng cáo chính là một mảng kinh doanh cực kỳ tiềm năng mà Grab đã, đang, và sẽ nỗ lực hết sức để khai thác.

Có thể bạn quan tâm

  • Grab

    Grab "bắt tay" OpenAI

    14:00, 30/05/2024

  • Grab “một mũi tên trúng nhiều đích”

    Grab “một mũi tên trúng nhiều đích”

    03:13, 27/05/2024

  • Grab đạt doanh thu kỷ lục nhờ công nghệ dữ liệu?

    Grab đạt doanh thu kỷ lục nhờ công nghệ dữ liệu?

    03:05, 19/05/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mảng kinh doanh mới của Grab
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO