Mỹ đã và đang củng cố mạng lưới liên minh trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương để đối phó Trung Quốc.
>>Ấn Độ - Thái Bình Dương: Tầm nhìn mới của Mỹ
Chiến lược IPEF
Sau khi nhậm chức, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thực hiện nhiều hoạt động nhằm củng cố sự hiện diện trong khu vực này. Bên cạnh hàng loạt các chuyến thăm của những quan chức cấp cao, cây bút Danil Bochkov của SCMP đã đánh giá, kế hoạch phân bổ lực lượng mới của Mỹ là chuyển hướng các nguồn lực từ Trung Đông sang khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đưa Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và thách thức từ Trung Quốc trở thành tâm điểm của kế hoạch quân sự dài hạn. Còn Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Đối thoại an ninh bốn bên gồm (Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ) còn được biết đến với tên gọi “Bộ tứ kim cương” sẽ đóng một vai trò quan trọng trong chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Mỹ.
Về mặt kinh tế, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) xuất hiện lần đầu vào tháng 10/2021 tại Hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Chiến lược nằm trong một thỏa thuận hợp tác đa phương với các quốc gia trong khu vực này, cho thấy chính quyền Tổng thống Joe Biden vẫn nhất quán với mục tiêu xuyên suốt của Washington là ứng phó và kiềm chế sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc.
IPEF đưa ra 6 lĩnh vực hợp tác với các đối tác của Mỹ trong khu vực, bao gồm các tiêu chuẩn kỹ thuật số, khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, năng lượng sạch, công nghệ xanh… Đồng thời, chú trọng vào những biện pháp tiếp cận thị trường để Mỹ xây dựng các mối quan hệ vững mạnh hơn trong khu vực, đặc biệt là với các nước kém phát triển ở Nam Á và Đông Nam Á đang tìm cách thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa sản xuất công nghiệp sang thị trường Mỹ.
Mỹ đã sớm xây dựng nền tảng cho IPEF, bao gồm tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về khả năng phục hồi chuỗi cung ứng toàn cầu với Nhật Bản, Ấn Độ và các nước khác trong Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Rome. Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ Gina Raimondo cho biết rằng Mỹ sẽ tìm cách xây dựng một khuôn khổ hợp tác kinh tế với các đồng minh trong khu vực, vượt ra ngoài Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), và một tuyên bố chung về IPEF sẽ sớm được ban hành cùng với các bộ trưởng thương mại của Singapore, Australia và New Zealand.
Có thể thấy, Chiến lược IPEF được xem như một mảnh ghép hoàn thiện trong chiến lược tổng thể kiềm chế Trung Quốc của Mỹ. Trung Quốc vẫn đang là đối tác lớn trong khu vực với tầm ảnh hưởng to lớn khi hiện diện trong Hiệp định RCEP và đang trong quá trình xin gia nhập CPTPP, đặc biệt là và Hiệp định Đối tác kinh tế kỹ thuật số, một liên minh giữa New Zealand, Chile và Singapore.
Các động thái củng cố hợp tác thương mại này của Bắc Kinh đã làm dấy lên mối lo ngại giữa các Mỹ và các đồng minh thân cận của Mỹ khi cho rằng, sự vắng mặt của Mỹ trong các hiệp định thương mại khu vực sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc thiết lập vai trò lãnh đạo trong việc xây dựng các quy tắc và tiêu chuẩn cho thương mại và kinh tế, đặc biệt là trong các công nghệ mới nổi như trí tuệ nhân tạo và thương mại kỹ thuật số.
Trên thực tế, Tiến sĩ Prashanth Parameswaran, chuyên gia cao cấp của The Diplomat phân tích, sự thận trọng của Hoa Kỳ đối với thương mại toàn cầu hoàn toàn trái ngược với chương trình nghị sự tự do hóa thương mại của Trung Quốc. Theo Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI), Mỹ đã tụt hậu trong chương trình nghị sự thương mại trong khu vực, để lại lỗ hổng trong chiến lược châu Á. Và sự vắng mặt của Mỹ trong các hiệp định thương mại quan trọng đã tạo cơ hội cho Trung Quốc.
"Chính vì vậy, Tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng đảo ngược nhiều chính sách của ông Trump, đặc biệt là các chính sách tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong thời gian ngắn nhất, nhằm hướng tới mục tiêu đối trọng với Trung Quốc", chuyên gia này cho biết.
>>Ứng xử với chiến lược Ấn Độ -Thái Bình Dương
Bước đi của Mỹ
Có thể thấy, 2022 sẽ là một năm quan trọng đối với chính sách thương mại của Hoa Kỳ đối với châu Á. Một năm sau khi Tổng thống Joe Biden nhậm chứng, Washington vẫn đang nỗ lực xây dựng và củng cố các liên kết với các đối tác, cũng như theo đuổi chính sách thương mại đa phương. Trong khi đó, Hiệp định RCEP vừa có hiệu lực.
Kyle Freeman, chuyên gia tại Dezan Shira & Associates đánh giá, để chiến lược hợp tác kinh tế rộng mở với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính quyền Tổng thống Joe Biden phải cân bằng nhu cầu giữa một bên là các đối tác thương mại và một bên là các doanh nghiệp và lao động Mỹ cũng phe cấp tiến của đảng Dân chủ.
Với sự phân cực cùng xung đột lưỡng đảng gay gắt và áp lực ngày càng lớn của cuộc bầu cử giữa kỳ đối với chính quyền Biden, không dễ để IPEF thông qua tại Quốc hội.
Bên cạnh đó, một rào cản khác là giành được lòng tin của các nước trong khu vực. Hiện tại, các chính phủ trong khu vực đều hoan nghênh các tín hiệu của Mỹ trong việc nâng cao hợp tác kinh tế rộng lớn. Nhưng nếu quốc gia này muốn tiến xa hơn, tất cả những gì Washington cần làm là tuân theo các xu hướng phát triển của khu vực và thời đại.
Có thể bạn quan tâm
Dự luật Cạnh tranh có giúp Mỹ giành lại lợi thế trước Trung Quốc?
05:01, 07/02/2022
Triển vọng kinh tế toàn cầu (Kỳ V): 5 vấn đề đặt ra với kinh tế Mỹ
03:24, 03/02/2022
Mỹ, Trung Quốc hay Đông Nam Á sẽ dẫn đầu về kinh tế số?
05:30, 31/01/2022
Căng thẳng bủa vây nước Mỹ
00:15, 28/01/2022
Mỹ lấn sân sang lĩnh vực tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương
05:00, 23/01/2022