Những cuộc đối đầu giữa Washington với Nga, Trung Quốc là một phần của cuộc cạnh tranh mới và lâu dài.
>>Mỹ sẽ gia tăng cấm vận Nga?
Giới quan sát cho rằng, Hoa Kỳ hiện đang tham gia vào một kỷ nguyên mới của sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Hệ thống quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo đang bị đe dọa khi các đối thủ đang tìm cách vẽ lại bản đồ địa chính trị của thế giới.
Mỹ và phương Tây đang dần tạo cục diện đối đầu với Nga trong vấn đề Ukraine. Từ Washington và Brussels, giới chức Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phát đi cảnh báo về áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế mạnh tay nếu Tổng thống Nga ra quyết định can thiệp quân sự ở Ukraine. Gia đình nhân viên Đại sứ quán Mỹ, và cả Nga, đang được rút khỏi thủ đô Kiev.
Tuy nhiên, vẫn còn đó một số lựa chọn ngoại giao. Trong một vài ngày tới, chính quyền Tổng thống Joe Biden và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dự kiến có phản hồi bằng văn bản trước các đề xuất bảo đảm an ninh mà phía Nga đưa ra. Trong động thái được cho là thể hiện thiện chí ngăn chặn một cuộc xung đột, Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken hôm 23/1 nói rằng “can dự về ngoại giao không loại bỏ từ ‘không’ ra khỏi kho từ vựng”.
Trong khi đó, tại bờ bên kia của Thái Bình Dương, Trung Quốc đang phô diễn sức mạnh quân sự ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Tàu chiến và máy bay Trung Quốc liên tục quần thảo vùng trời, vùng biển quanh đảo Đài Loan và Biển Đông, thách thức cam kết của Mỹ với khu vực. Cuộc đấu giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ định đoạt tầm ảnh hưởng ở châu Á - Thái Bình Dương, khu vực hiện là động lực tăng trưởng chính của cả thế giới.
Mới đây, Hạ viện Mỹ hoàn thiện dự luật 2.912 trang, với nhiều điều khoản tăng sức ép với Trung Quốc, trong đó có vấn đề Đài Loan và Tân Cương. Trong đó có các điều khoản chi hàng tỷ USD dành cho ngành công nghiệp chất bán dẫn, tăng quan hệ với đảo Đài Loan và nhóm Bộ Tứ, cũng như dành 100 triệu USD để "chống lại thông tin sai lệch từ Trung Quốc".
Dự luật sẽ đề xuất bổ nhiệm một đặc phái viên mới để phụ trách phản ứng của Mỹ với vấn đề liên quan đến nhân quyền ở Tân Cương, đề nghị Ngoại trưởng Mỹ tiến tới đổi tên Văn phòng Đại diện Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc ở Washington thành "Văn phòng đại diện Đài Loan tại Mỹ", động thái có thể khiến Trung Quốc tức giận.
Có thể thấy, kỷ nguyên siêu cường của Mỹ đang được thử nghiệm theo những cách thức mới trên toàn cầu. Như Stephen Collinson của CNN viết, những thách thức đối với chính quyền Mỹ xảy ra vào thời điểm có một nhận thức rộng rãi ở bên ngoài rằng Washington không phải là cường quốc như nửa sau thế kỷ 20.
"Bất chấp sự đảm bảo của Tổng thống Biden về vị thế của nước Mỹ, cuộc rút lui hỗn loạn khỏi Afghanistan vào năm ngoái đã đặt ra câu hỏi về năng lực và cam kết của Washington khi họ có thể dao động trước các nghĩa vụ chiến lược của mình vì những lý do chính trị”, chuyên gia này nhận định.
>>Mỹ làm gì nếu Nga đánh Ukraina?
Đồng quan điểm, Jill Dougherty, chuyên gia về Nga và là cựu giám đốc văn phòng CNN Moscow đánh giá, các đối thủ của Washington sẵn sàng ra những quyết định cứng rắn, nhằm đạt được mục tiêu chiến lược như củng cố quyền lực hoặc mở rộng tầm ảnh hưởng bên ngoài phạm vi lãnh thổ của mình.
“Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như cảm nhận được sức mạnh của Mỹ đang suy yếu. Chính vì vậy, khi quốc gia này đứng trước sức ép cùng lúc ở nhiều địa bàn chiến lược, họ sẽ có lợi thế”, ông cho biết.
Vấn đề cấp bách nhất lúc này của Washington là cuộc khủng hoảng ở Đông Âu. Điện Kremlin thừa hiểu chính quyền Biden muốn xoay trục sang đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc, bởi thế không có gì khó hiểu khi Nga thăm dò liệu Mỹ có phân tâm khỏi nhiệm vụ bảo đảm an ninh ở châu Âu hay không.
Trên thực tế, Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trải qua nhiều đời Tổng thống Mỹ và họ có những cách đối phó khác nhau với Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga khác nhau về sức mạnh tương đối và khả năng thể hiện điều này.
Hiện tại, Trung Quốc là một siêu cường về mọi mặt và Nga đang cố gắng khẳng định lại vị thế trước đây của mình. Cả hai đều coi việc Mỹ rút khỏi Afghanistan, tách khỏi Trung Đông và giảm bớt sự can thiệp vào các cuộc khủng hoảng là bằng chứng cho thấy hệ thống quốc tế đã chín muồi để thay đổi.
Ngay cả khi có thể tìm ra một thỏa thuận ở Đông Âu, nhưng cục diện chính trị toàn cầu đã có sự thay đổi. Chắc chắn, những thách thức đặt ra cho chính quyền Tổng thống Biden trong năm nay sẽ ngày một nhiều hơn và khó khăn hơn.
Có thể bạn quan tâm