Tất cả đang tìm cách sống chung với dịch bệnh, một trong những điều kiện đầu tiên để tồn tại trong bối cảnh mới là đảm bảo lương thực cho hơn 7 tỷ người.
Thế nhưng, sản xuất nông nghiệp ở nhiều quốc gia đang bị trì trệ và nguồn cung ứng lương thực bị đứt gãy do dịch bệnh có nguy cơ dẫn tới làn sóng “chủ nghĩa lương thực quốc gia”.
Chính phủ Ấn Độ thực hiện chính sách phong tỏa đất nước trong vòng 21 ngày, khiến nông dân nước này đành cho bò ăn rau, củ, quả vì không thể đưa hàng đi bán ở các thành phố.
Nông sản thừa, giá bán tụt xuống 1/15 so với bình thường, hàng triệu nông dân ở các miền quê Ấn Độ bị mắc kẹt vốn trong các nông trại. Hàng hóa vứt đi đã đành, nhưng rồi đây họ lấy gì để quay vòng sản xuất, phục vụ nhu cầu tăng trở lại khi dịch bệnh qua đi?
Hiện trạng ở Ấn Độ nhanh chóng ảnh hưởng đến các quốc gia cách đó hàng vạn dặm. Tại Canada, việc nhập khẩu các loại rau đặc sản của Ấn Độ như hành tây, đậu bắp và cà tím đã giảm tới 80% trong hai tuần qua.
Ở Ấn Độ, cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, viêc thực hiện chính sách giãn cách xã hội đã và đang đứt gãy chuỗi cung ứng lương thực và làm tăng mối lo ngại về tình trạng thiếu hụt và tăng giá lan rộng hơn.
Trên toàn cầu, hàng triệu lao động không thể đến các cánh đồng để thu hoạch và trồng trọt. Năng lực vận chuyển hàng không cho sản phẩm tươi đã giảm mạnh khi máy bay “đắp chiếu” và thiếu các xe container để vận chuyển thực phẩm vì các chuyến đi từ Trung Quốc giảm mạnh.
Hiện tại, tỷ lệ tự cung tự cấp lương thực của Trung Quốc chưa đạt 80%, người ta biết rằng, với một quốc gia khi khả năng tự cung tự cấp lương thực không đạt con số 90% - tức là họ đang bất an.
Thực trạng trên đang đặt ra câu hỏi: Phải chăng đây là khởi đầu của một làn sóng “chủ nghĩa lương thực quốc gia”- có thể làm đứt gãy nguồn cung và dòng chảy thương mại toàn cầu?
Trong một bài viết có nhan đề “Đừng để COVID-19 trở thành nạn đói”, Giám đốc Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho rằng, ngăn chặn khủng hoảng lương thực bây giờ là vấn đề mang tính chất toàn cầu.
Thực ra, thế giới chưa đến nỗi thiếu lương thực về mặt số lượng, tức là những nhà sản xuất và xuất khẩu lớn nhất vẫn hoạt động tốt. Chỉ có điều, họ không muốn bán lương thực do phải dự phòng trong mùa dịch bệnh.
Một số quốc gia đang gây ảnh hưởng gián tiếp đến chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu, như Kazakhstan, Serbia, Nga, Armenia, Ai Cập.... Những nước này đã cấm xuất khẩu bột mì, hạt kiều mạch, ngũ cốc, gạo, đường và một số loại rau, quả.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 07/12/2019
07:00, 04/12/2019
16:27, 01/04/2020
07:49, 11/04/2020
06:00, 27/03/2020
11:15, 25/03/2020
Thế nên, mới xuất hiện “chủ nghĩa lương thực quốc gia” khiến cho những khu vực xa xôi như châu Phi, thậm chí những nền kinh tế dịch vụ, có thể bị khủng hoảng lương thực.
Kinh nghiệm từ cuộc khủng hoảng lương thực giai đoạn 2007-2008 cho thấy, các quốc gia cần liên kết để đối phó. Đó là bảo đảm chức năng vận hành phù hợp của thị trường lương thực, gồm cả việc hình thành thông tin về giá, sản lượng, tiêu dùng và dự trữ thực phẩm sẵn có.
Nếu các chính phủ không đồng lòng hợp tác để bảo đảm nguồn cung lương thực toàn cầu, mà chỉ biết đặt quốc gia lên trên hết, thì các biến đổi thời kỳ hậu COVID-19 sẽ làm thay đổi vĩnh viễn chuỗi cung ứng lương thực, khi nhiều nhà xuất khẩu tăng cường dự trữ. Đó là bài toán rất khó với những quốc gia đông dân.