Mạnh tay “đổi trạng thái” bất động sản

DIỆU HOA thực hiện 16/02/2023 14:00

Dự kiến ngày 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững.

>>>Chính phủ tiếp tục họp "giải cứu" thị trường bất động sản

Trao đổi cùng DĐDN, PGS.TS. Trần Kim Chung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, những động thái vừa qua và Hội nghị ngày 17/2 tới thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ với thị trường BĐS.

- Như vậy, Chính phủ liên tục có các động thái tích cực nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Ông đánh giá như thế nào về điều này?

Thị trường BĐS năm 2022 đã khép lại với trạng thái “trầm lắng” là chủ đạo. Nguyên nhân chính là do luồng tiền vận hành vào thị trường BĐS giảm, ách tắc dự án liên quan đến pháp lý khiến nguồn cung giảm, giá nhà tăng cao.

Những tháng cuối năm, Chính phủ đã liên tục có những động thái tích cực để tìm kiếm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường, thành lập Tổ công tác để gỡ khó cho các dự án. Tuy nhiên, đến nay chưa có sự tác động rõ rệt.

Mới đây, các động thái tích cực tiếp tục được thực hiện khi Ngân hàng Nhà nước cũng đã chủ trì Hội nghị tín dụng với BĐS sáng 8/2. Tuy nhiên, nhìn nhận thực tế thì hiện chưa có một giải pháp cụ thể nào được nêu ra. Các kiến nghị vẫn xoay quanh việc xin ngân hàng hạ lãi suất, nới room tín dụng.

Thế nhưng, ngân hàng chỉ có vốn vay ngắn hạn, không đủ khả năng để cho vay BĐS giải quyết dài hạn, đặc biệt các doanh nghiệp thực hiện quá nhiều dự án một lúc rất khó để giải quyết.

Hơn hết, Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định vẫn cho vay BĐS, với các dự án đầy đủ pháp lý, thực hiện đúng thủ tục.

Về chính sách, chúng ta vẫn đang chờ sửa đổi các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS…

 Thị trường bất động sản 2023 được dự báo vẫn sẽ gặp khó khăn do tín dụng thắt chặt và lãi suất cho vay tăng cao. Ảnh: HN

Thị trường bất động sản 2023 được dự báo vẫn sẽ gặp khó khăn do tín dụng thắt chặt và lãi suất cho vay tăng cao. Ảnh: HN

- Thị trường BĐS cần được “bắt đúng bệnh”, để có “thuốc trị”, thưa ông?

Thị trường BĐS những năm qua đã bị đẩy giá lên quá cao, do đó, khó khăn hiện tại cũng một phần do nguyên nhân này, giá cao thì khó thu hút được dòng tiền.

Nhà nước chỉ hỗ trợ thông qua cơ chế chính sách, pháp luật tạo điều kiện để thị trường BĐS tự điều chỉnh, tự điều tiết. Doanh nghiệp BĐS chủ động tái cấu trúc, tái cơ cấu, giảm giá nhà tương đối và thực chất, thay vì chỉ “cầu cứu” Chính phủ, ngân hàng.

Về phía Chính phủ, cuối năm 2022, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án BĐS cho các địa phương, doanh nghiệp đã được thành lập.

Đây là đầu mối quan trọng để nắm bắt các khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư, phát triển các dự án BĐS. Do đó, các vướng mắc cần được tổng hợp lại. Các cơ quan liên quan như kế hoạch đầu tư, tài chính, đất đai phải ngồi lại với nhau để kiến nghị các giải pháp. Và phải có giải pháp cụ thể mới yêu cầu được các bên hành động.

Có một thực tế là những khó khăn đã được nhận diện, nhưng từ tháng 11/2022 đến nay, vẫn chưa một giải pháp thực tế nào được đưa ra, do đó khó có thể có kết quả.

- Liệu có thể đưa ra dự báo về thị trường BĐS trong thời gian tới?

Không thể dự báo thị trường sẽ ra sao trong các quý tới khi chưa có một sự khác biệt nào về chính sách. Thị trường phải được kích hoạt lại bằng một giải pháp có tính pháp lý.

Tương tự như năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết 02 Ngày 7/1/2013, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong đó có nhiều nội dung hỗ trợ thị trường BĐS. Ngay sau đó, thị trường BĐS đã được “nhóm lửa” hồi phục.

Hay “nếu không có nước để tưới thì cuốc đất tơi ra”, huy động nguồn vốn nhỏ, làm các dự án nhỏ, tiếp tục dòng chảy nguồn cung nhà ở cho thị trường khó có thể được khơi thông.

Cuối cùng thì có một nguồn tiền nào đó của nhà nước để hỗ trợ một nhánh nhỏ của thị trường, đóng vai trò như một kíp nổ, tạo ra một dòng chảy và thu hút tiếp các dòng chảy khác. Đây có thể là gói hỗ trợ cho người mua nhà, thay vì hỗ trợ bên bán, việc hỗ trợ bên mua, xác định rõ đối tượng được hưởng ưu đãi, tường minh, để thông dòng chảy, dòng chảy bắt đầu tư những dòng rất nhỏ, nhưng nhiều dòng nhỏ sẽ tạo nên một dòng lớn.

Song song đó là đẩy nhanh việc ban hành bộ ba luật sửa đổi: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, để tháo gỡ được các vướng mắc pháp lý của thị trường.

Chung quy lại, phải có một giải pháp có tính pháp lý, trong thời gian ngắn nhất mới gỡ khó được cho thị trường. Hội nghị trực tuyến hôm nay được kỳ vọng sẽ đưa ra được những giải pháp cụ thể và thiết thực.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Khôi phục niềm tin thị trường bất động sản và chứng khoán

    Khôi phục niềm tin thị trường bất động sản và chứng khoán

    05:30, 16/02/2023

  • Giảm lãi suất ngân hàng - thị trường bất động sản có khởi sắc?

    Giảm lãi suất ngân hàng - thị trường bất động sản có khởi sắc?

    04:30, 15/02/2023

  • Chính phủ tiếp tục họp

    Chính phủ tiếp tục họp "giải cứu" thị trường bất động sản

    10:00, 13/02/2023

  • Đón đầu đà phục hồi của thị trường bất động sản

    Đón đầu đà phục hồi của thị trường bất động sản

    03:00, 13/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mạnh tay “đổi trạng thái” bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO