“Mập mờ” đàm phán thương mại Mỹ - Trung

Nham Biền 19/01/2019 13:30

Việc Mỹ và Trung Quốc công bố rất ít thông tin về cuộc đàm phán thương mại vừa qua tại Bắc Kinh (Trung Quốc) cho thấy 2 quốc gia này đều có những toan tính riêng của mình.

Bởi vì càng mập mờ, thì càng dễ tiến thoái trong vòng đàm phán tiếp theo.Chút thành quả ít ỏi ở vòng đàm phán lần này được chủ ý để duy trì kênh đàm phán và kiềm chế lẫn nhau, tạo cho nhau có cái gì đó trong tay để trấn an dư luận nội bộ. Bên nào cũng chủ động thể hiện thiện chí đàm phán và làm cho bên kia tin rằng thiện chí ấy là thực sự.

p/Phó đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish (giữa) - người dẫn đầu phái đoàn Mỹ đàm phán thương mại với Trung Quốc xuất hiện tại một khách sạn ở thủ đô Bắc Kinh vào ngày 7/1. Cuộc đàm phán đã kết thúc ngày 9/1, nhưng có rất ít thông tin được công bố. Ảnh: AP.

Phó đại diện thương mại Mỹ Jeffrey Gerrish (giữa) - dẫn đầu phái đoàn Mỹ đàm phán thương mại với Trung Quốc (Ảnh: AP)

Chưa thành, không bại

Bên ngoài chỉ biết được rất ít ỏi về kết quả cụ thể của vòng đàm phán này, bởi cả hai phía đều không tiết lộ nhiều. Ông Trump dùng twitter cho biết: "Cuộc đàm phán Mỹ- Trung đã diễn ra tốt đẹp".

Trong khi đó, một đại diện của Trung Quốc cho hay, Trung Quốc đồng ý nhập khẩu một số nông phẩm đã được biến đổi gien của Mỹ và vòng đàm phán tới sẽ diễn ra ở Mỹ.

Tất cả chỉ có như vậy nhưng chỉ như vậy thôi cũng đã đủ để có thể nói lên rằng, cuộc đàm phán đó chưa đạt được kết quả đột phá gì, nhưng cũng không đến mức bị thất bại. Cả việc chưa thành công lẫn không bị thất bại này thực ra đều chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả.

Còn nhớ bên lề Hội nghị G20, Mỹ và Trung Quốc cam kết trong thời hạn 90 ngày không áp dụng thêm những biện pháp chính sách bảo hộ thương mại mới đối với nhau, tức là không làm cho cuộc xung đột thương mại găng thêm, chứ không ngừng chiến tranh thương mại.

  Mỹ và Trung Quốc sẽ tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, để sớm chấm dứt chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để ngăn chặn xung đột tái diễn trong tương lai. Bởi cả 2 quốc gia này đều muốn khẳng định mình. 

Hai quốc gia này rồi sẽ phải đạt được thoả thuận với nhau nhưng không phải là ở vòng đàm phán đầu tiên mà sẽ chỉ ở phút chót, tức là phải vào cuối tháng 2 tới.

Theo đó, những con "chủ bài" cuối cùng chỉ lộ diện vào phút cuối, và những nhượng bộ cuối cùng chỉ được đưa ra sau khi không còn có thể dền dứ được nữa.

Bởi vậy, chừng nào chưa hết thời hạn 90 ngày kia, thì chừng đó hai bên còn đàm phán. Hai bên còn dùng cái quyết liệt của cuộc cọ sát lợi ích và cái nan giải của cuộc xung đột thương mại để gia tăng áp lực lẫn nhau và để giữ thể diện khi đi vào thoả hiệp.

Nhìn vào kết quả của vòng đàm phán thương mại này giữa Mỹ và Trung Quốc có thể thấy cuộc đàm phán tập trung vào 3 nội dung chính, đó là Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn nữa hàng hoá từ Mỹ, Trung Quốc mở cửa thị trường rộng hơn nữa cho doanh nghiệp Mỹ và vấn đề bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ công nghiệp, bản quyền phát minh sáng chế từ Trung Quốc.

Mập mờ, dễ tiến thoái

Bằng cách ép Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn nữa hàng hoá của Mỹ, phía Mỹ muốn giảm mức độ thâm hụt thương mại của mình với Trung Quốc. Đây là một trong những điều mà ông Trump quan tâm nhiều nhất và cũng có tác động dân tuý cụ thể nhất cho ông Trump ở Mỹ.

Bởi vậy, phía Trung Quốc thừa biết rằng, nếu muốn xử lý cuộc xung đột thương mại hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc, thì không thể không có nhượng bộ của Trung Quốc trên phương diện này.

Vấn đề đối với Trung Quốc ở đây chỉ là tăng nhập khẩu từ Mỹ thêm bao nhiêu, theo lộ trình như thế nào và cụ thể loại hàng hóa nào?.

Con bài mà Trung Quốc có thể dùng sau này là chọn những nông sản có tính nhạy cảm nhất về đối nội ở Mỹ, tức là chỉ cần Trung Quốc không nhập khẩu, hoặc giảm nhập khẩu loại nông phẩm đó nữa, thì ông Trump đã gặp khó khăn lớn về đối nội. Nông phẩm biến đổi gien là một trong những hàng xuất khẩu đó của Mỹ.

Chuyện mở của thị trường Trung Quốc và bảo vệ sở hữu trí tuệ công nghiệp ở Trung Quốc không dễ xử lý như vấn đề nói trên, bởi mang tính nguyên tắc và lâu dài, lại còn dễ dàng có thể bị chính trị hoá cũng như khó định tính và định lượng.

Nếu đạt được thoả thuận nào đó về hai nội dung nói trên, thì chắc chắn hai bên sẽ rất hạn chế công bố công khai. Bởi càng mập mờ, thì hai bên càng dễ bề tiến thoái trong những vòng đàm phán tới cũng như trong những giai đoạn quan hệ tới.

Ở thời điểm hiện tại có thể dự đoán được là trong khuôn khổ thời hạn 90 ngày đã đặt ra, đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc rồi sẽ thành công, chứ không bị thất bại.

Tuy nhiên, kết quả đàm phán chỉ có thể là giải pháp tạm thời, chứ không phải là lâu bền, có thể giúp chấm dứt xung đột thương mại hiện tại, nhưng không đủ để ngăn ngừa xung đột tái diễn trong tương lai.

Do tính chất nhất thời và tác động không lâu dài của thoả thuận giải quyết xung đột thương mại mà hai nước này rồi đây sẽ đạt được, nên tăng trưởng kinh tế và thương mại thế giới gần như sẽ không nhờ vả được gì đáng kể trong năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Mập mờ” đàm phán thương mại Mỹ - Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO