Với mục tiêu “tất cả trong một” (Point of Life), Masan đang thâu tóm nốt Phúc Long để hoàn thiện chiến lược “chuỗi ngọc trai” của mình.
>>Masan và chiến lược chuỗi ngọc trai
Thâu tóm Phúc Long
Thông tin từ báo cáo tài chính bán niên soát xét của Masan cho thấy tập đoàn này lần thứ 3 mua cổ phần của Phúc Long. Cụ thể, công ty TNHH The SHERPA, công ty con do Masan sở hữu gián tiếp, đã bỏ ra số tiền hơn hơn 3.600 tỷ đồng để mua 10.837.500 cổ phiếu, tương đương 34% vốn cổ phần của CTCP Phúc Long Heritage.
Với giao dịch này, lợi ích vốn chủ sở hữu của Masan trong Phúc Long Heritage đã tăng từ 51% lên 85%. Trước đó Masan hai lần mua cổ phần của Phúc Long vào tháng 5/2021 (mua 20% cổ phần với 346 tỷ đồng) và tháng 1/2022 (mua 31% cổ phần với giá 2.490 tỷ đồng).
Như vậy, sau hơn một năm, Masan đã tăng định giá cho Phúc Long lên gấp 6 lần.
Việc Phúc Long tăng giá trị là điều không quá bất ngờ, bởi vì theo báo cáo mới được Momentum Works và qlub công bố thì Việt Nam là thị trường tiêu thụ trà sữa đứng thứ ba Đông Nam Á với quy mô 362 triệu USD (khoảng 8.500 tỷ đồng). Trong đó có lẽ Phúc Long là một trong những thương hiệu trà sữa nổi tiếng nhất, thậm chí một thời từng lưu hành câu chuyện người Hà Nội phải đặt ship máy bay Phúc Long từ TP.HCM ra. Khi về với Masan, Phúc Long như “hổ mọc thêm cánh” với lợi thế điểm phân phối Wimart rộng khắp và góp phần hoàn thiện chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Masan.
Chiến lược "chuỗi ngọc trai"
Chiến lược chuỗi ngọc trai tức là việc các công ty có thể gia tăng giá trị cho khách hàng bằng cách mua lại các doanh nghiệp trong từng mảng, sau đó tích hợp thành một giải pháp thống nhất. Sở dĩ có tên như vậy bởi vì quá trình này giống như việc các nhà thiết kế đi tìm từng viên ngọc trai và dùng óc thẩm mỹ của mình kết nối lại thành một chuỗi ngọc trai có giá trị cao.
Chiến lược chuỗi ngọc trai được áp dụng khá thành công trên thế giới. Chẳng hạn công ty sản xuất vi mạch Avago. Từ năm 2013, Avago liên tục mua lại các công ty khác để xây dựng danh mục sản phẩm. Kết quả Avago (sau này đổi tên thành Broadcom) với danh mục đa dạng các loại vi mạch, từ linh kiện phục vụ lưu trữ, kết nối có dây và không dây, cho đến các mạch quang.
Hoặc ông lớn ngành công nghiệp nặng Honeywell cũng sử dụng chiến lược này. Năm 2004, Honeywell mua lại UOP, công ty hàng đầu về quy trình kỹ thuật hóa học trong quá trình lọc hóa dầu. Sau đó họ lại kết hợp UOP với Honeywell Process Controls, chuyên về hệ thống kiểm soát các quy trình trên. Với những sự kết hợp này, Honeywell trở thành công ty duy nhất trên toàn thế giới sở hữu cả quy trình lẫn hệ thống kiểm soát quy trình vào thời điểm đó.
>>Masan và cuộc đua chuỗi nhà thuốc
Masan thì sao?
Có thể thấy Masan cũng đang dùng chiến lược chuỗi ngọc trai để triển khai mục tiêu Point of Life, “tất cả trong một.” Khi Masan mua lại VinCommerce từ Vingroup năm 2019, nhiều người nghĩ rằng họ chỉ đơn thuần gia nhập vào mảng bán lẻ. Thế nhưng sau đó họ nhanh chóng “tìm ngọc trai”, tích hợp hàng loạt dịch vụ vào một điểm Winmart như: dịch vụ tài chính tự động của Techcombank, quầy thuốc Phano, dịch vụ mạng di động Reddi, đặc biệt nhất là trà sữa Phúc Long.
Những “viên ngọc trai” như Winmart, Phano, Reddi hay Phúc Long đứng riêng cũng đã khá đẹp. Nhưng khi kết hợp lại càng đẹp hơn. Đặc biệt Phúc Long đang cho thấy sự hiệu quả trong chuỗi ngọc trai của Masan. Theo Masan, đến 7/2021, doanh thu cần thiết để đạt điểm hòa vốn đối với các cửa hàng có kiosk Phúc Long thấp hơn tới 15% so với các cửa hàng không có kiosk, cải thiện biên EBITDA lên gần 4%.
Và với việc chi thêm tiền mua cổ phần Phúc Long lần này, Masan đang dần sở hữu toàn bộ chuỗi ngọc trai của mình.
Có thể bạn quan tâm