ĐBSCL là một vùng kinh tế rộng lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội tại Việt Nam, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
>>NGUY CƠ LỚN CỦA ĐBSCL: Những giải pháp đến từ Hà Lan
Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang khiến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải đối mặt với tình trạng sụt lún đất, xâm nhập mặn, hạn hán…, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế-xã hội của khu vực này.
Vấn đề này đã được thảo luận tại Diễn đàn kinh doanh Việt Nam – Hà Lan cho ĐBSCL, do VCCI chi nhánh Cần Thơ tổ chức mới đây để tìm giải pháp ứng phó.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết ĐBSCL là một vùng kinh tế rộng lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội tại Việt Nam. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi, ĐBSCL có các thế mạnh về phát triển nông nghiệp, trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy hải sản và trái cây lớn nhất cả nước, cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, dưới tác động của BĐKH, vùng ĐBSCL đang đứng trước những thách thức liên quan tới đất, nước và môi trường, cùng nhiều rủi ro khác do BĐKH gây ra. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng giao thông và logistics còn nhiều hạn chế; lao động có trình độ thấp; các vấn đề về di cư, mô hình sản xuất nông nghiệp theo truyền thống cũ; ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng và sản xuất còn thấp…
>>Cần chính sách "đột phá" thu hút nhà đầu tư logistics vào vùng ĐBSCL
>>Giải bài toán phát triển cảng biển và logistics của ĐBSCL
Theo TS. Vũ Thành Tự Anh, nguồn lực của ĐBSCL cũng đang rất hạn chế, ví dụ như nguồn lực đầu tư, nguồn lực về con người, nguồn lực về tự nhiên và nguồn lực về thể chế. Tất cả các nguồn lực này đang khan hiếm và đang bị suy thoái một cách nghiêm trọng. Bên cạnh đó, ĐBSCL đang đứng trước những thách thức vô cùng lớn về chuyển đổi nông nghiệp; chuyển đổi trong môi trường số và chuyển đổi về nhân khẩu. Ngoài ra, ĐBSCL cũng đang trải qua những cú sốc lớn về môi trường như môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí, sinh thái. Cùng với đó là cú sốc về kinh tế, xuất phát từ khủng hoảng y tế sau đại dịch và chủ nghĩa bảo hộ đang dâng lên một cách đáng lo ngại.
Trước những khó khăn, thách thức đó, Hà Lan với các thế mạnh trong các lĩnh vực, như quản lý và quản trị nguồn nước, phát triển nông nghiệp bền vững và logistics… đã có nhiều hợp tác cũng như hỗ trợ cho các địa phương trong khu vực ĐBSCL nhằm ứng phó với BĐKH.
Bà Elsbeth Akkerman - Đại sứ Vương quốc Hà Lan tại Việt Nam cho biết, để cụ thể hóa những dự án hỗ trợ ĐBSCL, Hà Lan đã đầu tư khoảng 50 triệu USD từ ngân sách nhà nước và nguồn lực tư nhân cho các dự án và sáng kiến tại khu vực này.
Ngoài những dự án đã và đang triển khai hỗ trợ các tỉnh, thành phố thuộc ĐBSCL, các chuyên gia, nhà khoa học của Hà Lan cũng đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ người dân ĐBSCL thuận thiên với BĐKH.
Theo ông Sepehr Eslami, Chuyên gia nước của Hà Lan, xâm nhập mặn tăng cao trong thời gian ngắn; hệ thống nước ngầm bị sử dụng quá mức ở khu vực nông thôn là vấn đề cần sớm xử lý để hạn chế vấn nạn sụt lún đất hiện nay ở ĐBSCL.
Do đó, ông Sepehr Eslami cho rằng, thay vì phải nâng cao các con đập thì chúng ta sẽ có những con đập ngăn mặn để điều tiết và trung hòa nguồn nước. Ngoài ra, cần hướng dẫn người dân thay đổi phương thức canh tác giúp thích ứng với xâm nhập mặn và sụt lún đất; tưới tiết kiệm thay thế cho tưới tràn; lưu trữ lượng nước ngọt sâu dưới lòng đất để cung cấp được nước vào mùa khô.
Có thể bạn quan tâm