Mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng

LÊ MỸ 03/08/2024 03:29

Tín dụng đổ ồ ạt vào nền kinh tế những ngày cuối tháng 6 đã giúp tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay gần đạt mục tiêu mà Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

>>> Lãi suất điều hành sẽ tăng?

Tính đến cuối tháng 6, theo NHNN, tín dụng nền kinh tế đạt trên 14,3 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023.

Sản xuất phục hồi mạnh mẽ

Sự phục hồi của nhu cầu từ thị trường bên ngoài và cả bên trong là động lực lớn cho sản xuất. Chỉ số PMI Việt Nam đã tăng lên mạnh mẽ trên 54 điểm là mức cao nhất trong nhiều quý, phản ánh sự phục hồi của các nhà máy sản xuất để đáp ứng nhu cầu đơn hàng.

Theo ông Suan Teck Kin, CFA, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB (Singapore), cả sự phục hồi nhu cầu bên ngoài và nhu cầu trong nước, cũng như lĩnh vực sản xuất, đều giúp hỗ trợ nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn mong đợi trong nửa đầu năm 2024.

“Thương mại quốc tế hoạt động mạnh mẽ trong quý 2/2024, được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng cũng như sự phục hồi của chu kỳ bán dẫn kể từ giữa năm 2023. Bất chấp xung đột Nga-Ukraine và tình trạng gián đoạn vận chuyển ở Biển Đỏ, xuất khẩu vẫn ghi nhận tháng thứ tư tăng hai con số, ở mức 10,5% so với cùng kỳ trong tháng 6 (13,9% trong tháng 5). Trong khi nhập khẩu tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước (25,7% trong tháng 5). Trong nửa đầu năm 2024, xuất khẩu và nhập khẩu tăng lần lượt 14,0% và 16,6% so với cùng kỳ, đạt thặng dư thương mại 11,3 tỷ USD, gần bằng mức thặng dư 12,1 tỷ USD đạt được trong cả năm 2022”, ông Suan Teck Kin phân tích.

Trong nước, tổng thương mại bán lẻ ghi nhận mức tăng trưởng ổn định trong nửa đầu năm 2024, được hỗ trợ bởi doanh số bán lẻ và dịch vụ du lịch, doanh số khách sạn và dịch vụ ăn uống ghi nhận mức tăng hai con số. Điều này được thúc đẩy bởi ngành du lịch với sự phục hồi liên tục của dòng khách du lịch.

Bên cạnh đó, mức lương cơ sở tăng từ 1/7/2024 - đợt tăng lương cơ sở cao nhất của Việt Nam trong thời gian qua, cũng được dự báo góp phần hỗ trợ cho tăng trưởng tiêu dùng nội địa, đóng góp tăng tổng cầu để trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng.

>>>Khơi thông vốn ngoài tín dụng

Một chuyên gia cho rằng tuy lạm phát có thể làm giá hàng hóa đắt lên cản trở khả năng tiêu dùng, song tác động của đợt tăng lương đã được đo lường làm tăng lạm phát chỉ 0,77% - mức rất thấp và vẫn đủ để nhu cầu đầu tư, chi tiêu tăng tốc. Tăng tổng cầu sẽ kéo tăng sản xuất. Tất cả những động lực này kéo triển vọng lạc quan về tăng trưởng GDP nửa cuối 2024 và tất yếu, cải thiện khả năng hấp thụ vốn tín dụng.


Hỗ trợ tăng trưởng tín dụng

Theo ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, Chuyên gia tài chính, NHNN đã ban hành một loạt thông tư và các chính sách trong thời gian, được nhận định có ý nghĩa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Thứ nhất đó là gia hạn Thông tư 02/2023/TT-NHNN tại Thông tư 06/2024/TT-NHNN cho phép cơ cấu nợ, giãn nợ thêm 6 tháng đến hết 2024. Quy định này giúp các TCTD giữ nguyên nhóm nợ, góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của TCTD và tạo điều kiện cho họ thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Thứ hai là giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng, đối với khách hàng và người có liên quan sẽ giảm xuống mức 14% và 23% vốn tự có của một ngân hàng (thay vì mức 15% và 25% như quy định tại Luật các TCTD 2010), và sẽ giảm tiếp theo lộ trình về còn 10% và 15% vốn tự có từ ngày 1/1/2029 theo Luật các TCTD từ ngày 1/7/2024. Tuy nhiên, quy định này không làm giảm tăng trưởng tín dụng.

Lưu ý là bên cạnh quy định này, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 9/2024/QĐ-TTg. Theo đó, những khoản vay vượt quá giới hạn cấp tín dụng của một NHTM thì ngân hàng có thể thu xếp để cho vay hợp vốn cùng với các ngân hàng khác. Theo đó, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực như điện, than, dầu khí, xăng dầu, giao thông, vận tải công cộng…, thực hiện triển khai các dự án, phương án có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng, cấp thiết sẽ được xem xét cấp tín dụng tối đa vượt giới hạn của TCTD.

Quyết định 09 đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam là nền kinh tế cần đầu tư mở rộng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng với các dự án trọng điểm lớn. Chủ trương thúc đẩy đầu tư công, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư công với các dự án quốc gia cần sự vào cuộc của các TCTD. Đây cũng sẽ là một trong những “trọng điểm” tăng trưởng tín dụng với các khoản cho vay dài hạn của các ngân hàng lớn.

Thứ ba, về phía lãi suất, hiện đã xuất hiện một số tín hiệu đảo chiều lãi suất huy động. Song, các dự báo lãi suất chính sách có khả năng điều chỉnh trong mức phù hợp đảm bảo hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, vẫn được các định chế tài chính hàng đầu giữ nguyên.

Ông Suan Teck Kin dự báo, tín dụng sẽ tăng dần về cuối năm và đảm bảo đóng góp cho mục tiêu tăng trưởng 6% hoặc cao hơn. Tất nhiên, ông nhấn mạnh, tăng trưởng kinh tế và sự phục hồi, mở rộng của doanh nghiệp sẽ không chỉ phụ thuộc vào tín dụng mà còn đến từ nhiều yếu tố khác. Theo đó, một số ngành sẽ đi đầu về hấp thu vốn và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng sẽ là công nghiệp, sản xuất, logistics, kho bãi và nhóm liên quan đến sản xuất xuất khẩu…

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng trưởng tín dụng giảm trở lại đầu tháng 7/2024

    Tăng trưởng tín dụng giảm trở lại đầu tháng 7/2024

    13:00, 28/07/2024

  • VIB: Lợi nhuận đạt 4.600 tỷ, tín dụng và huy động vốn tăng trưởng 5%

    VIB: Lợi nhuận đạt 4.600 tỷ, tín dụng và huy động vốn tăng trưởng 5%

    10:45, 29/07/2024

  • Giải pháp hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

    Giải pháp hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

    00:36, 26/07/2024

  • 4 nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu tăng

    4 nguyên nhân tăng trưởng tín dụng chậm, nợ xấu tăng

    04:00, 18/07/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mở rộng cơ hội tiếp cận tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO