Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng sẽ triển khai phương án mở thủ tục phá sản đối với các đơn vị có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN lớn, thời gian kéo dài.
>>Đề nghị cân nhắc quy định trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
Thời gian qua, vấn đề doanh nghiệp nợ, chậm đóng các khoản bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN),... tại Đà Nẵng có chiều hướng gia tăng khiến người lao động hoang mang. Việc này ảnh hưởng đến tâm lý của bộ phận người lao động cũng như tình hình việc làm trên địa bàn thành phố khi các doanh nghiệp không chấp hành đúng quy định.
Theo số liệu từ cơ quan BHXH TP. Đà Nẵng, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN tính đến hết tháng 9/2023 là 221.577 triệu đồng (chưa bao gồm lãi chậm đóng 64.779 triệu đồng). Theo ghi nhận của đơn vị, hiện nay vẫn còn nhiều đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lời của người lao động.
Nói về nguyên nhân các đơn vị chậm trễ trong việc đảm bảo quyền lợi cho người lao động, ông Nguyễn Văn Tiết - Phó Giám đốc BHXH TP. Đà Nẵng cho biết bên cạnh những khó khăn khách quan do ảnh hưởng của dịch Covid-19, còn do ý thức chấp hành pháp luật của nhiều chủ sử dụng lao động chưa nghiêm, cam kết bằng văn bản, được thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) nhiều lần vẫn tái diễn. Điển hình, ông Tiết lấy ví dụ từ Chi nhánh II - Công ty CP công nghiệp Quảng An I đã nhiều lần thanh tra, năm 2020 chậm đóng tổng cộng 3.095 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 150 triệu đồng nhưng đến nay chưa nộp. Số tiền chậm đóng tiếp tục tăng lên 11.388 triệu đồng (bao gồm lãi chậm đóng 2.679 triệu đồng).
Cùng với đó, là Công ty TNHH Empire Hospitality, BHXH TP. Đà Nẵng thực hiện Thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT, năm 2022 chậm đóng 8.481 triệu đồng, xử phạt vi phạm hành chính 150 triệu đồng, đến nay số tiền chậm đóng là 9.023 triệu đồng (bao gồm lãi chậm đóng 2.489 triệu đồng). Công ty CP Cơ khí – Lắp máy Sông Đà – Chí nhánh 5 tại Đà Nẵng là đơn vị đã xử phạt vi phạm hành chính 150 triệu đồng, đến nay vẫn còn chậm đóng 11.412 triệu đồng (bao gồm lãi chậm đóng 7.099 triệu đồng).
“BHXH xác định việc tăng cường công tác quản lý thu, giảm tiền chậm đóng là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó hằng tháng, gửi công văn thông báo, điện thoại, cử chuyên quản làm việc trực tiếp, đôn đốc, yêu cầu đơn vị trích nộp theo quy định. Công khai danh sách các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN số tiền lớn, kéo dài trên Cổng Thông tin điện tử thành phố, BHXH thành phố và các phương tiện thông tin đại chúng. Tăng cường công tác truyền thông về tình hình chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN gắn với giải quyết các chế độ, chính sách liên quan và tiện ích khi người lao động cài đặt, sử dụng ứng dụng VssID”, ông Tiết nói về những biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua.
Đồng thời,vị này cũng cho hay BHXH đã tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp có biểu hiện trốn đóng, chậm đóng và kiên quyết xử lý nghiêm để bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Song song là tăng cường công tác theo dõi cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức khấu trừ tiền gửi của tổ chức vi phạm.
“Thực hiện mở thủ tục phá sản đối với các đơn vị có số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN lớn, thời gian kéo dài”, ông Tiết cho biết.
Ở góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Sương - Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng (Công ty Luật FDVN) ch rằng cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát để xử lý nghiêm minh, kịp thời các doanh nghiệp đang có hành vi chậm đóng, nợ, trốn đóng BHXH, BHYT và BHTN cho người lao động. Đồng thời, Luật sư Sương cũng đề xuất các đơn vị chuyên môn tổ chức tuyên truyền định kỳ hàng năm cho người lao động nắm rõ về quyền lợi của mình khi tham gia BHXH, BHYT và BHTN và hướng dẫn cho người lao động khiếu nại, khiếu kiện, trình báo đến cơ quan có thẩm quyền.
Song song với đó, cần trao quyền cho Công đoàn cơ sở khởi kiện doanh nghiệp ra Tòa án đối với hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, tập thể người lao động mà không cần phải được sự ủy quyền của người lao động. Luật sư này cũng đề xuất cơ quan chức năng có quy định phân hóa cụ thể về tính chất nguy hiểm, mức độ thiệt hại giữa hành vi vi phạm hành chính với hành vi bị coi là tội phạm.
“Buộc doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm hình sự khi có hành vi không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên mà không cần điều kiện “đã bị xử phạt vi phạm hành chính” hay chưa. Cùng với đó, tăng mức xử phạt vi phạm hành chính và mức xử phạt khi doanh nghiệp bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời cần tăng mức lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt khi áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả”, Luật sư Nguyễn Sương đề xuất.
Có thể bạn quan tâm