Một hành lang pháp lý là mong mỏi của giới Fintech Việt

Bái Lạt Tư 31/10/2019 15:51

"Thị trường Fintech Việt đang phát triển mạnh mẽ và... hoang dã"

Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh đã nhận xét như vậy trong Hội thảo Toàn cảnh Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam 2019, diễn ra hôm nay, ngày 31/10/2019.


Đây là sự kiện truyền thống của Hội Tin học TP. HCM, đến nay đã được 24 năm. Chủ đề của năm nay là Định hình tương lai Fintech Việt Nam.

Fintech - Công nghệ tài chính là một trong những lĩnh vực tuy còn rất mới mẻ nhưng đã kịp phát triển rất nhộn nhịp tại Việt Nam. Tính đến tháng 6/2019, Việt Nam có khoảng hơn 150 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech, 70% trong số đó là các công ty khởi nghiệp cho thấy tiềm năng và dư địa rất lớn của lĩnh vực này.

Trong bối cảnh TP. HCM đang có kế hoạch mong muốn trở thành trung tâm tài chính của khu vực, Fintech cũng sẽ đóng góp một phần đưa mong muốn này trở thành hiện thực.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh:

"Tài chính, ngân hàng là một trong những lĩnh vực xương sống của nền kinh tế với hàng triệu triệu giao dịch mỗi giờ. Chính vì vậy, việc áp dụng thành công các công nghệ số để phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng sẽ có tác động lan tỏa rất to lớn, mang lại hiệu quả theo cấp số nhân đối với hoạt động kinh tế".

Khách tham gia hội thảo

Khách tham gia hội thảo

Việt Nam được đánh giá rất thuận lợi cho việc phát triển Fintech, với dân số trẻ, quen thuộc với công nghệ, các công ty công nghệ lớn cũng rất quan tâm tới lĩnh vực này, tuy nhiên các chính sách lại thiếu giải pháp cụ thể thúc đẩy Fintech.

Ông Nguyễn Sơn Hải, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT-Media cho rằng, Việt Nam đang có một môi trường xã hội rất sẵn sàng cho fintech, có môi trường công nghệ khá tốt, nhưng chưa đủ nền tảng pháp luật. Điều đó cũng một phần dẫn tới cộng đồng fintech Việt vẫn còn khá ít, mới có khoảng hơn 150 doanh nghiệp, đa phần là doanh nghiệp nhỏ, startup, mức độ hoàn thiện thấp, dịch vụ ít, chủ yếu là thanh toán và cho vay ngang hàng.

Theo ông Hải, có 2 nhân tố sẽ định hình nên thị trường fintech, đó là Chính phủ và các tập đoàn công nghệ lớn (Bigtech). Các bigtech Việt đang có sự quan tâm lớn và ít nhiều đã tham gia thị trường này. Còn về phía chính phủ, cần hoàn thiện pháp lý để hỗ trợ các công ty fintech phát triển. Đặc biệt là về vấn đề định danh và xác thực điện tử. Fintech không thể phát triển nếu thiếu các quy định pháp luật và giải pháp về định danh, xác thực điện tử.

Ông Phạm Xuân Hòe, Phó viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đánh giá, pháp lý lĩnh vực này của Việt Nam đang bị chậm so với sự phát triển của công nghệ, thị trường.

Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt, ông Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh, chuyển đổi số là điều tất yếu, nên các ngân hàng cần và vẫn đang chủ động nghiên cứu, thử nghiệm, xây dựng sản phẩm mới dù chưa có chính sách, hành lang pháp lý hỗ trợ, và đây cũng là một động thái để góp phần thúc đẩy nhà nước ra các chính sách phù hợp.

Chia sẻ kinh nghiệm của Singapore, Tiến sĩ Koh cho biết, Singapore có một cơ chế Sandbox (khu vực thử nghiệm mô hình kinh doanh, ý tưởng mới với cơ chế đặc biệt) rất hữu hiệu, tạo điều kiện rất nhiều cho các startup fintech thử nghiệm hoạt động. Khi những startup này chứng minh được sự hiệu quả, nhà nước và các ngân hàng lớn rất nhanh chóng cấp phép và mua lại những giải pháp này để đưa ra thị trường.

Cuối cùng, ông Lâm Nguyễn Hải Long, chủ tịch Hội Tin học TP. HCM nhấn mạnh, Fintech phụ thuộc rất nhiều vào chính sách, rất mong có một hành lang pháp lý phù hợp và hỗ trợ cho sự phát triển của Fintech, và cũng hi vọng lãnh đạo thành phố quan tâm đặc biệt, chỉ đạo, tăng số lượng các doanh nghiệp Fintech để phát triển lĩnh vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Một hành lang pháp lý là mong mỏi của giới Fintech Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO