Bộ Tài chính Mỹ đã đề xuất cần xác minh danh tính người dùng (KYC) đối với các tài khoản tiền điện tử chuyển từ một sàn giao dịch tập trung sang các ví cá nhân.
Theo đó, người dùng của các sàn giao dịch tiền điện tử tập trung muốn chuyển số tiền của họ vào ví cá nhân hoặc của người khác, sẽ phải cung cấp thông tin cá nhân chi tiết đối với các giao dịch lớn hơn 3.000 USD. Trong khi đó, các sàn giao dịch sẽ được yêu cầu báo cáo cá nhân hoặc tổ chức của các giao dịch lớn hơn 10.000 USD.
Động thái này giúp đưa tiền điện tử đến gần hơn với hệ thống ngân hàng truyền thống, giúp mang lại sự an toàn cho các tổ chức đầu tư. Tuy nhiên, việc này có nguy cơ làm mất dần đi sức hút ẩn danh mà bấy lâu nay giới công nghệ vẫn tuyên truyền về nền tảng blockchain.
Trong một thông cáo báo chí, Bộ Tài chính Mỹ cho biết quy tắc xác thực danh tính sẽ đóng lại các "lỗ hổng" xung quanh những báo cáo về giao dịch tiền ảo. Cụ thể, Mạng lưới Thực thi tội phạm tài chính toàn cầu (FinCEN) đánh giá rằng, có những yêu cầu quan trọng về an ninh quốc gia đòi hỏi một quy trình hiệu quả để đề xuất và thực hiện quy tắc này. Đồng thời FinCEN cũng chỉ ra việc các nhà chức trách Mỹ đã phát hiện ra nhiều kẻ xấu đang lợi dụng các lỗ hổng tài chính nhằm phục vụ các hoạt động tài trợ khủng bố quốc tế, mua bán vũ khí, rửa tiền xuyên quốc gia, cũng như mua bán các chất bị kiểm soát, hàng giả, phần mềm độc hại và các công cụ tấn công máy tính khác,...
Giám đốc điều hành Coinbase, ông Brian Armstrong trước đó đã từng tiết lộ rằng, chính quyền ông Donald Trump đang chuẩn bị một quy tắc gấp rút yêu cầu các sàn giao dịch tiền điện tử xác minh thông tin khách hàng vào ví điện tử cá nhân. Động thái này sẽ gây ra một sự xáo trộn lớn cho người dùng tiền điện tử.
Còn ông Belcher, Cố vấn đặc biệt tại Electronic Frontier Foundation cho biết, đây là một phần của chương trình mà Mỹ đang tìm cách triển khai giám sát hệ thống ngân hàng truyền thống trong không gian tiền điện tử.
Trong khi đó, ông Kristin Smith, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Blockchain Mỹ nhận xét việc ban hành quy tắc vào những phút cuối của một chính quyền sắp mãn nhiệm không phải là cách để tạo ra quy định lâu dài nhằm đảm bảo tăng trưởng bền vững của ngành này ở Mỹ. "Cho dù các nhà quản lý có thừa nhận hay không, tiền điện tử vẫn tồn tại và nên được coi là một phần hỗ trợ tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia, chứ không phải thứ gì đó lặng lẽ bị gạt sang một bên", ông Smith nhấn mạnh.
Tuy nhiên, FinCEN dường như không bận tâm đến những nỗi sợ hãi này và đưa ra cảnh báo việc trì hoãn triển khai KYC đối với các chủ tài khoản tiền điện tử có thể thúc đẩy các cá nhân chuyển tiền nhanh chóng trong giai đoạn này.
Được biết, Mỹ là quốc gia theo sau một số quốc gia khác trong việc thực hiện các quy tắc xác minh danh tính chặt chẽ hơn đối với ví tiền điện tử. Tuy nhiên việc định danh các tài khoản tiền điện tử trên nền tảng blockchain không phải là điều dễ dàng bởi sức mạnh công nghệ mà nền tảng này đang sở hữu.
Có thể bạn quan tâm