Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ

LÊ MỸ 12/11/2022 05:00

Theo Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ", Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ.

>>> Trong danh sách giám sát của Mỹ, Việt Nam gặp khó gì?

Báo cáo của Bộ Tài chính Hoa Kỳ tháng 11 tiếp tục xem xét khả năng thao túng tiền tệ của các đối tác thương mại chính dựa trên cơ sở ba tiêu chí về: (i) thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ; (ii) thặng dư cán cân vãng lai; và (iii) can thiệp thị trường ngoại tệ một chiều, kéo dài.

Bộ Tài chính đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ. (Ảnh: A.P)

Bộ Tài chính đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ. (Ảnh: AP)

Trong Báo cáo kỳ này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa 7 nền kinh tế vào Danh sách giám sát, bao gồm: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Singapore, Malaysia và Đài Loan. Thuỵ Sĩ vẫn vượt ngưỡng cả 3 tiêu chí nêu trên và Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện tiếp xúc và phân tích nâng cao. Đồng thời, Bộ Tài chính Hoa Kỳ kết luận không có đối tác thương mại lớn nào của Hoa Kỳ thao túng tiền tệ trong khoảng thời gian từ tháng 7/2021 – 6/2022.

NHNN cũng cho biết liên tiếp trong 2 kỳ báo cáo, Việt Nam chỉ vượt ngưỡng 1 tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Hoa Kỳ (Thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt mức 105 tỷ USD, vượt ngưỡng 15 tỷ USD), do đó đã được Bộ Tài chính Hoa Kỳ đưa ra khỏi Danh sách giám sát.

"Từ đầu năm 2021, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã tiến hành tiếp xúc nâng cao song phương với Việt Nam và đạt được thỏa thuận chung vào tháng 7/2021 nhằm giải quyết các quan ngại của phía Hoa Kỳ về vấn đề tiền tệ, tỷ giá. Tại kỳ Báo cáo này, Bộ Tài chính Hoa Kỳ tiếp tục ghi nhận những bước tiến của Việt Nam. Đồng thời, tại chuyến thăm, làm việc của Bộ Tài chính Hoa Kỳ đến Việt Nam ngày 03/10/2022, Bộ Tài chính Hoa Kỳ đánh giá cao công tác điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức", NHNN cho biết.

Việt Nam bị gán mác thao túng tiền tệ và ở trong danh sách này dưới thời của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên sau khi có mặt trong danh sách (2020), trong báo cáo giữa năm về các chính sách tỷ giá hối đoái và kinh tế vĩ mô của các đối tác thương mại lớn của Mỹ lên Quốc hội nước này - bản báo cáo lần đầu tiên được thực hiện dưới thời của Tổng thống Joe Biden, Bộ Tài chính Mỹ đưa Việt Nam và Thụy Sĩ ra khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ, đảo ngược các quyết định trước đó.

Dù vậy, trong Báo cáo về "Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ" tại tháng 6/2022, Việt Nam ở trong danh sách Giám sát. 

>>> Ngân hàng Nhà nước bán 7 tỷ USD dự trữ ngoại hối để cân bằng cung cầu

Với việc ở trong danh sách Giám sát của Bộ Tài chính Mỹ, tuy Bộ Tài chính Mỹ này đã khẳng định các đối tác lớn không thao túng tiền tệ, song Việt Nam vẫn sẽ bị hạn chế nhất định trong điều hành chính sách tỷ giá.

Cụ thể là NHNN đã phải điều hành tỷ giá linh hoạt hơn và sát diễn biến thị trường hơn thay vì neo tiền đồng gần như cố định với đồng USD. Bên cạnh đó, NHNN đã phải cẩn trọng trong việc mua ròng ngoại tệ liên tục với số lượng lớn và cân bằng với mục tiêu làm sao giữ kỷ luật đồng nội tệ.

Dù còn áp lực, song đã có khoảng nới thêm cho nhà điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ngoại hối những tháng cuối năm khi ra khỏi Danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ. (Ảnh minh họa)

Dù còn áp lực, song đã có khoảng nới thêm cho nhà điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, ngoại hối những tháng cuối năm khi ra khỏi Danh sách giám sát thao túng tiền tệ của Mỹ. (Ảnh minh họa)

Thực tế, dù đã nỗ lực duy trì một chính sách ngoại hối linh hoạt, thận trọng, cộng hưởng các giá trị từ dòng vốn đầu tư tích cực vào Việt Nam gồm cả đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư gián tiếp (FPI), cán cân thương mại và tài khoản vãng lai đều thặng dư..., quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia tiếp tục được củng cố ở năm trước; Nhờ đó Việt Nam có cơ sở vững chắc để ứng phó với các biến động của nền kinh tế toàn cầu những tháng đầu 2022, chống "giảm sốc" từ lạm phát, lãi suất cao trên thị trường toàn cầu, NHNN vẫn đã phải bán ra một phần dự trữ ngoại hối (khoảng 30 tỷ USD) để điều tiết thị trường, bảo vệ tỷ giá, giúp cho VND trở thành một trong những đồng nội tệ ổn định nhất trong khu vực thời gian qua. 

Hiệu ứng của việc Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ đã lập tức mang lại kỳ vọng hết sức tích cực về khả năng trượt giá của VND sẽ chậm lại so với tỷ giá kỳ vọng, cũng như so với lo ngại làm thế nào để giữ chân dòng vốn đầu tư nước ngoài, gây áp lực cao cho nền kinh tế trước đó. Còn có nhiều nguyên do để tỷ giá kỳ vọng có thể được điều chỉnh hạ xuống trong thời gian tới, song rõ ràng từ quyết định của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, cơ quan quản lý phía Việt Nam đã có một khoảng rộng hơn, dư địa lớn hơn trong linh hoạt chính sách tiền tệ và ngoại hối tới đây.

Doanh nghiệp xuất nhập khẩu, nhóm vay nợ nước ngoài...phần nào cũng đã có thêm cơ sở cho kỳ vọng... "dễ thở". 

Có thể bạn quan tâm

  • Tiền kỹ thuật số và tác động đến tỷ giá

    Tiền kỹ thuật số và tác động đến tỷ giá

    05:00, 11/11/2022

  • Viettel Global hưởng lợi từ tỷ giá

    Viettel Global hưởng lợi từ tỷ giá

    05:10, 09/11/2022

  • Tỷ giá chưa dịu, sức ép lạm phát đã gia tăng

    Tỷ giá chưa dịu, sức ép lạm phát đã gia tăng

    05:10, 09/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách giám sát về thao túng tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO