Mỹ "hụt hơi" so với Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao

TRƯỜNG ĐẶNG 04/04/2023 03:30

Trong khi Mỹ đang loay hoay với các chiến lược ngoại giao dàn trải mà thiếu hiệu quả, Trung Quốc đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Ngoại trưởng Mỹ Blinken gặp khó trong lôi kéo sự hợp tác của nhiều quốc gia

Ngoại trưởng Mỹ Blinken gặp khó trong lôi kéo sự hợp tác của nhiều quốc gia

Thỏa thuận hợp tác dầu khí giữa Saudi Arabia và Trung Quốc trị giá hơn 10 tỷ USD, hay việc Brazil sẽ từ bỏ đồng USD trong giao dịch với Bắc Kinh vừa qua, cho thấy Mỹ đang ngày càng mất đi tầm ảnh hưởng trong một thế giới mới. Và một trong những lý do chính là sự thất bại của nền ngoại giao nước này, như giới quan sát nhận định.

Những thành tựu mong manh

Trong 2 năm qua, những mục tiêu ngoại giao của chính quyền Tổng thống Biden đều đi vào ngõ cụt. Khi nhậm chức, ông Biden tuyên bố sẽ tham gia lại thỏa thuận với Iran để giải quyết vấn đề hạt nhân. Tuy nhiên, lập trường của Iran trở nên cứng rắn hơn và không có triển vọng nào về một thỏa thuận mới.

>>NATO "xoay trục" đối đầu Trung Quốc ở châu Á- Thái Bình Dương?

Với Saudi Arabia, căng thẳng ngày càng gia tăng đến mức quốc gia dầu mỏ này tìm về Trung Quốc như một đối tác đáng tin cậy. Mới đây, Trung Quốc đóng vai trò hòa giải cho chính quyền Tehran và Ryadh, đồng thời kiếm được hợp đồng dầu mỏ trị giá 10 tỷ USD với Saudi Aramco – công ty dầu mỏ quốc doanh lớn nhất thế giới.

Tại châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ công bố Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) với mong muốn cạnh tranh với sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc. Nhưng những thành tựu của chương trình này của Mỹ giờ vẫn còn là ẩn số.

Chuyên gia về đối ngoại, Stephen Walt của ĐH Harvard thừa nhận: “Thật khó để coi bất kỳ điều gì trong số này là chiến thắng của chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ”.

Điều đáng nói, thất bại ngoại giao lớn nhất của Mỹ có thể là trong đối phó với Trung Quốc. Gần đây, Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu ngoại giao quan trọng bất chấp sự bao vây của Mỹ. 

Tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ A.Blinken năm 2021, rằng Mỹ “sẽ hợp tác khi có thể, nhưng sẽ cạnh tranh và đối đầu khi cần thiết” đã nêu bật lên sự “loay hoay” của Washington trong ứng xử với Trung Quốc.

Không chỉ thiếu hiệu quả trong đối đầu trực tiếp, Mỹ cũng không thể làm tốt hơn trong nỗ lực thiết lập một liên minh chặt chẽ chống Trung Quốc. Một số thỏa thuận gần đây được cho là đến từ nỗi lo về Trung Quốc nhiều hơn là lợi ích mà họ có được từ Mỹ.

Thậm chí, chính sách loại bỏ Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu đang khiến các công ty ở châu Âu, Hàn Quốc hay Nhật Bản thiệt hại hàng tỷ USD lợi nhuận. Hay hàng rào thương mại như IRA của Mỹ cũng gây bất đồng sâu sắc cho các đồng minh. Và điều đó cho thấy trụ cột của các liên minh mà Mỹ đang xây dựng mong manh thế nào.

Liên minh mà Mỹ có được phần nhiều vì nỗi lo sự trỗi dậy của Trung Quốc

Liên minh mà Mỹ đang có được phần nhiều vì nỗi lo về sự trỗi dậy của Trung Quốc

Nguyên nhân do đâu?

Nhiều chuyên gia cho rằng, một yếu tố khách quan lớn, đó là sức mạnh không thể phủ nhận của Trung Quốc. Thế nhưng về mặt chủ quan, có rất nhiều vấn đề trong vận hành ngoại giao của Mỹ.

Thứ nhất, tư duy áp đặt quan điểm dân chủ một phía của Washington đang làm phương hại các mối quan hệ đối tác quan trọng.

Dưới thời ông Biden, quan hệ giữa Mỹ và châu Âu có vẻ “dễ thở” hơn nhiều so với thời ông Trump khi hai bên chia sẻ nhiều giá trị dân chủ nhân quyền truyền thống. Thế nhưng, tư duy đó được cho là không phù hợp khi Mỹ tìm kiếm sự hợp tác ở các khu vực khác trên thế giới.

>>"Né" Trung Quốc, Mỹ tái thiết chuỗi cung ứng ra sao?

Trung Đông, châu Phi, châu Á là nơi có nhiều quốc gia đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, và họ chia sẻ các quan điểm dân chủ nhân quyền khác nhau. Do đó, quá trình hợp tác với Mỹ thường bị cản trở bởi các quan điểm đôi khi thiên kiến của Washington.

Đã từ lâu, thế giới vận hành theo xu hướng hợp tác cởi mở và thấu hiểu lẫn nhau. Các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn tiếp tục đến Bắc Kinh để tìm kiếm lợi ích kinh tế. Hay Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi là một trong những đối tác quan trọng nhất của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ông Stephen Walt nhận xét “hệ thống ngoại giao của chính quyền Biden đã hoạt động thiếu hiệu quả, ngoại trừ việc lãng phí thời gian nói về dân chủ”.

Thứ hai, nguồn lực cho ngoại giao Mỹ không tương xứng với tuyên bố về những tham vọng toàn cầu. Đây là điều mâu thuẫn với những cam kết lúc nhậm chức của ông Biden, khi ông “cam kết sẽ đặt ngoại giao làm trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ”. Chi ngân sách cho ngoại giao của Mỹ năm 2023 hơn 60 tỷ USD, đã bao gồm các hoạt động viện trợ toàn cầu của USAID. Khoản tiền này chưa bằng số lẻ trong ngân sách 773 tỷ USD dành cho quốc phòng.

Trung Quốc, dù chỉ cấp khoảng 8 tỷ USD cho ngoại giao năm 2023, nhưng sáng kiến BRI của Bắc Kinh có ngân sách khổng lồ lên tới hàng nghìn tỷ USD.

Với tham vọng toàn cầu rộng lớn, Mỹ có quá nhiều vấn đề phải quan tâm khiến các nỗ lực bị chia nhỏ và khó dung hòa giữa các ưu tiên. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, các nguồn lực hạn chế tiếp tục làm trầm trọng hơn vấn đề này.

Nhiều chuyên gia cho rằng, với một thế giới thay đổi quá nhanh, nước Mỹ cần chấp nhận thực tế họ đang hụt hơi trong cuộc đua thiết lập vị thế lãnh đạo thế giới của mình. Để làm được điều đó một lần nữa, Washington sẽ cần một “động cơ mới” – một đường lối ngoại giao đổi mới và sáng tạo hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • "Né" Trung Quốc, Mỹ tái thiết chuỗi cung ứng ra sao?

    03:40, 31/03/2023

  • Nhật Bản - Ấn Độ xích lại gần nhau vì lo Trung Quốc?

    Nhật Bản - Ấn Độ xích lại gần nhau vì lo Trung Quốc?

    04:00, 30/03/2023

  • Trung Quốc tăng tốc đầu tư AI để đối đầu với Mỹ

    Trung Quốc tăng tốc đầu tư AI để đối đầu với Mỹ

    11:20, 29/03/2023

  • Châu Âu tìm cách

    Châu Âu tìm cách "thoát" Trung Quốc trong năng lượng mặt trời

    04:00, 29/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ "hụt hơi" so với Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO