Việc Tân Ngoại trưởng Mỹ thể hiện quan điểm cứng rắn trong vấn đề Biển Đông cho thấy quyết tâm của chính quyền Joe Biden về việc đối phó với Trung Quốc tại khu vực này.
Trong cuộc điện đàm gần đây với người đồng cấp Philippines Teodoro Locsin hôm 27/1, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh rằng Mỹ bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông, trong phạm vi vượt ra ngoài các vùng biển mà Trung Quốc được phép tuyên bố theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Nhà ngoại giao hàng đầu Mỹ cũng cam kết Washington sẽ sát cánh với các quốc gia Đông Nam Á trước sức ép từ Trung Quốc, theo thông cáo từ văn phòng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 27/1.
Có thể thấy, quan điểm cứng rắn của ông Blinken một lần nữa đã nhấn mạnh lập trường của chính quyền Mỹ với các vấn đề tại biển Đông. Trước đó, sau khi nhậm chức, Tổng thống Joe Biden đưa ra lời cảnh báo rõ ràng rằng Mỹ chống lại bất kỳ ý định bành trướng nào của Trung Quốc ở Đông Á và Đông Nam Á, gồm biển Đông.
Theo các chuyên gia cho rằng, Trung Quốc vẫn đang tìm cách thăm dò về thái độ của chính quyền ông Biden; đồng thời "đo mức độ giới hạn" tại những điểm nóng trong khu vực. Và thái độ của ông Blinken chính là câu trả lời dành cho Trung Quốc.
Các chính quyền mới của Mỹ đôi khi vẫn cứng rắn về vấn đề Biển Đông trong giai đoạn đầu khi mới nhận nhiệm sở.Trong quá khứ, vụ va chạm giữa máy bay quân sự Mỹ và Trung Quốc khiến một phi công Trung Quốc thiệt mạng, 3 tháng sau khi Tổng thống George W. Bush nhậm chức.
Liu Weidong, chuyên gia về Mỹ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho rằng không thể kỳ vọng quân đội Mỹ và Trung Quốc thân thiện với nhau chỉ trong khoảng thời gian ngắn.
"Mặc dù ông Biden có thể không "mạnh tay" hơn ông Trump trong các vấn đề quân sự, nhưng có lẽ cũng không mềm mỏng hơn. Cả hai lực lượng quân sự đều cần duy trì lập trường cứng rắn, do vậy không có nhiều cơ hội để cải thiện mối quan hệ này", chuyên gia Liu nhận định.
Rõ ràng, căng thẳng Mỹ-Trung có thể sẽ giảm xuống dưới thời Tổng thống Biden, nhưng điều đó sẽ không bao gồm vấn đề an ninh ở châu Á, cụ thể là biển Đông. Trên quan điểm lợi ích quốc gia của Mỹ, sự tham gia tích cực của nước này ở Biển Đông là hành động chính đáng.
Khu vực châu Á-Thái Bình Dương (hoặc nói theo quan điểm mới của Mỹ là khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) có tầm quan trọng chiến lược đối với Mỹ. Sự gia tăng các động thái ở Biển Đông của Mỹ nhằm thể hiện sự chủ động hiện diện của quốc gia này.
Mặt khác, nếu Trung Quốc thâu tóm Biển Đông sẽ làm lung lay cấu trúc “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” mà Mỹ muốn dựng nên để từ đó xây dựng một liên minh đối đầu Trung Quốc.
Do đó, trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng gia tăng ảnh hưởng kinh tế trong khu vực, Washington cần xây dựng một chiến lược toàn diện nhằm hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
Giới quan sát dự đoán, Mỹ có thể sử dụng một loạt các công cụ pháp chế ngoài quân sự hóa, bao gồm cả gia tăng sức ép kinh tế như áp đặt các lệnh trừng phạt. Cụ thể, dự thảo ngân sách quân sự của Mỹ cho năm tài chính 2021 xem xét việc phân bổ 1,4 tỷ USD (và thêm 5,5 tỷ USD nữa vào năm 2022) cho việc thành lập “Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương" (PDI) cho thấy việc kiềm chế Trung Quốc rõ ràng sẽ mang tính lâu dài.
Bên cạnh đó, chính quyền ông Biden cũng có thể tăng cường tham vấn với các đồng minh và đối tác trong khu vực nhằm đảm bảo rằng các chính sách của Mỹ ở Biển Đông phù hợp với các mối quan tâm và lợi ích của các nước này.
Có thể bạn quan tâm
Đại hội XIII: Việt Nam không để bị động, bất ngờ, nhất là tình hình Biển Đông
14:42, 27/01/2021
Trung Quốc “chơi rắn” trên Biển Đông, thử thách đầu tiên với J. Biden!
11:05, 25/01/2021
Cuộc chiến công hàm ở Biển Đông: Nhật Bản phản đối lập trường ngang ngược của Trung Quốc
02:02, 21/01/2021
Mỹ "hợp lực" hải quân để "kìm chân" Trung Quốc ở Biển Đông
05:00, 13/01/2021