Đại diện Thương mại Hoa Kỳ bày tỏ lạc quan về mối quan hệ quan trọng giữa 2 bên Mỹ-Trung và đặc biệt là vấn đề thuế quan, nhưng không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy thuế quan sẽ được dỡ bỏ.
>>Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong mọi tình huống
Mới đây, một cuộc gặp của các quan chức tài chính hàng đầu Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thúc đẩy kỳ vọng về các cuộc đàm phán tiếp theo giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo đó, cả hai quốc gia đều cần giải quyết những thách thức về tài chính và kinh tế vĩ mô toàn cầu, cũng như triển vọng kinh tế trong tương lai của họ. Cuộc trò chuyện trực tiếp giữa Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen và Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) Yi Gang bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 (G20) tại Bali, Indonesia là cuộc tiếp xúc cấp cao đầu tiên như vậy trong bốn tháng.
Bà Yellen chia sẻ trên Twitter rằng, hai người đã thảo luận về những thách thức tài chính và kinh tế vĩ mô toàn cầu, bao gồm cả triển vọng kinh tế của hai quốc gia. Bà mong đợi những cam kết trong tương lai với các quan chức kinh tế Trung Quốc.
He Weiwen, một thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Tài chính Chongyang có trụ sở tại Bắc Kinh bình luận, các cuộc đàm phán về các vấn đề song phương cụ thể, chẳng hạn như thương mại, đầu tư và công nghệ nên là bước tiếp theo.
Một loạt vấn đề đang chờ đợi Bắc Kinh và Washington, bao gồm thuế quan được thảo luận rộng rãi đối với phần lớn hàng hóa Trung Quốc xuất sang Mỹ, ngăn chặn kỹ thuật ngày càng tăng của Mỹ và các vấn đề truyền thống như rào cản thị trường và quyền sở hữu trí tuệ... Tuy nhiên, dự kiến sẽ không có cuộc đàm phán có ý nghĩa nào trong những tháng tới vì Bắc Kinh sẽ sớm cải tổ các quan chức nội các sau Đại hội Đảng lần thứ 20 vào tháng trước, có khả năng bao gồm cả các nhà đàm phán thương mại.
Hồi tháng 6/2022, bà Yellen đã kêu gọi dỡ bỏ một số thuế quan thương mại để giúp kiềm chế lạm phát của Hoa Kỳ tăng cao nhất trong vòng 40 năm. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho biết đang xem xét loại bỏ một số thuế quan mà người tiền nhiệm Donald Trump đã áp hàng hoá Trung Quốc giai đoạn 2018 - 2019, thời điểm xảy ra thương chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Loạt thuế quan này hết hiệu lực vào ngày 6/7, trừ phi có yêu cầu tiếp tục gia hạn từ các ngành công nghiệp Mỹ. Phía Trung Quốc lập luận, việc giảm thuế sẽ giúp giảm chi phí cho người tiêu dùng Mỹ.
>>Tăng cường nền tảng kinh tế vĩ mô
Tuy nhiên, đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai khi đó cho biết, Washington phải có “chiến lược” khi thực hiện các thay đổi đối với thuế quan, làm tăng chi phí hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Thực tế, Bắc Kinh phần lớn giữ im lặng về vấn đề này, ngoài việc nhắc lại quan điểm lâu nay rằng, thuế quan chỉ gây tổn hại cho cả hai nền kinh tế và thế giới, đồng thời thúc giục chính phủ Hoa Kỳ dỡ bỏ các biện pháp.
Trung Quốc đã nhấn mạnh, thuế quan phải được thảo luận trong khuôn khổ của thỏa thuận thương mại giai đoạn một, hết hạn vào tháng 12 năm ngoái và liên quan đến các thỏa thuận tiếp theo. Bà Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách Xã hội Châu Á nhìn nhận, sự tham gia song phương giữa các quan chức thương mại đã xấu đi trong những năm gần đây. “Điều quan trọng là chúng ta nhận ra có rất ít sự tin tưởng, tôi không nghĩ chúng ta nên bắt đầu bằng những hành động lớn, mà nên bắt đầu từ những việc nhỏ”.
Bà Culter nói thêm, chính quyền ông Biden có trách nhiệm phải chứng minh họ có thể đạt được gì từ việc dỡ bỏ một số mức thuế, nhưng đồng thời chỉ ra, Bắc Kinh đã thiếu tiến bộ trong việc giải quyết các vấn đề cơ cấu mà Washington xác định.
Mới đây nhất vào ngày 15/11, đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã tiết lộ, Washington đang hợp tác với Bắc Kinh và bày tỏ lạc quan về mối quan hệ quan trọng nhưng đầy phức tạp liên quan đến thuế quan giữa hai nước. Đáng chú ý, vị đại diện không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy thuế quan sẽ được dỡ bỏ. Dường như không có gì thay đổi khi cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều quyết tâm tranh giành quyền tối cao.
Báo cáo của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cho thấy, Trung Quốc chiếm 18% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ, giảm từ 22% khi bắt đầu cuộc chiến thương mại năm 2018. Tuy nhiên, vị Đại diện Thương mại Hoa Kỳ phân tích, vẫn còn những thách thức đáng kể ngăn chặn việc nới lỏng thuế quan, bao gồm cả cuộc điều tra về việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và các hoạt động chuyển giao công nghệ bắt buộc mà các bên liên quan của Mỹ đã trải qua khi kinh doanh với Trung Quốc.
Enodo Economics, một công ty dự báo chính trị và kinh tế vĩ mô có trụ sở tại London tin rằng, việc giao tiếp nhiều hơn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có lợi cho các mối quan hệ.
Trong khi Hoa Kỳ sẵn sàng kiềm chế lạm phát cao nhất trong 40 năm qua, sau một loạt các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ, thì Trung Quốc đang chứng kiến sự suy giảm kinh tế nhanh chóng trong bối cảnh chính sách zero - Covid áp dụng nghiêm ngặt và sự suy thoái của bất động sản xảy ra trên diện rộng.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông tin, nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 3% trong 9 tháng đầu năm, với mức tăng trưởng cả năm dự kiến vào khoảng 3,2%. Xuất khẩu nước này cũng chậm lại trong tháng 10, giảm 0,3% so với một năm trước đó, giảm từ mức tăng 5,7% trong tháng 9.
Các nhà chức trách đã dành nhiều nỗ lực hơn để giải quyết các vấn đề trong nước, bao gồm hoàn thiện các chính sách kiểm soát đại dịch, đồng thời hỗ trợ các nhà phát triển bất động sản và doanh nghiệp nhỏ.
Phát ngôn viên của Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thấy môi trường quốc tế còn phức tạp, trong nước tình hình dịch bệnh còn nghiêm trọng. Cần nhiều nỗ lực hơn nữa để phục hồi nền kinh tế trong quý 4. Tóm lại, chúng ta phải nắm bắt thời cơ để thúc đẩy sự phục hồi kinh tế hơn nữa.”
Có thể bạn quan tâm
05:08, 28/09/2020
12:39, 24/10/2018
11:05, 26/09/2018