Mỹ trừng phạt Trung Quốc trên Biển Đông

SÔNG HÀN 21/10/2021 06:33

Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã duyệt đạo luật trừng phạt cá nhân, tổ chức tham gia thực thi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ duyệt đạo luật trừng phạt cá nhân, tổ chức tham gia thực thi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông, đang nhận được nhiều sự quan tâm từ dư luận trong nước lẫn quốc tế.

Thời gian qua, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông. Theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ xây dựng đội tàu sân bay 10 chiếc với phạm vi hoạt động phần lớn ở Biển Đông. Trung Quốc tiếp tục triển khai các dự án trung tâm cứu nạn, thành phố trên biển, các nhà máy điện hạt nhân nổi tại Trường Sa, hạ thủy tàu ngầm, các thiết bị nghiên cứu lớn dưới nước.

Tàu hải quân của 4 nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines đi qua Biển Đông trong cuộc tập trận chung (Ảnh: Japan Times).

Tàu hải quân của 4 nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Philippines đi qua Biển Đông trong cuộc tập trận chung (Ảnh: Japan Times).

Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng hơn, thể hiện trên khắp các mặt trận. Về chiến lược, Trung Quốc xác định hoàn thành xây dựng quân giải phóng nhân dân PLA thành lực lượng “đẳng cấp thế giới” vào năm 2037. Đồng thời tiếp tục kết hợp tam chủng chiến pháp, kết hợp tăng cường hiện diện của tàu hải cảnh, dân quân biển…

Tất cả các hoạt động đều nhằm mục đích: Khẳng định yêu sách đường 9 đoạn và Tứ Sa nhằm bác bỏ phán quyết 2016; Gây áp lực buộc các nước liên quan từ bỏ con đường pháp lý giải quyết tranh chấp; Gây áp lực để các nhà đầu tư nước ngoài rời bỏ dự án với các nước quanh Biển Đông để thực hiện chủ trương không nước nào ngoài khu vực được tham dự thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông

Thúc đẩy “gác tranh chấp, cùng khai thác”; Phản ứng các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ và các nước khác; Thúc đẩy đàm phán COC theo hướng có lợi cho Trung Quốc; Tạo thế đứng cho sáng kiến “Một vành đai, một con đường” trước việc Mỹ thay đổi chính quyền, thay đổi chiến lược Ấn Độ Dương Thái Bình Dương; Lập con bài mặc cả khi cần trong cạnh tranh chiến lược nước lớn; Triển khai chiến lược nghiên cứu khoa học đại dương cho thập kỷ tiếp theo và cuối cùng là hiện đại hóa quân đội cùng các lực lượng phối thuộc…v..v.

Dĩ nhiên, với một tuyến hàng hải quan trọng của thế giới như Biển Đông mà bị Bắc Kinh thực hiện âm mưu nhằm độc chiếm thì ắt sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nước láng giềng và sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế.

Chính phủ Mỹ khẳng định các yêu sách đó của Trung Quốc là bất hợp pháp, đồng thời lên án việc Bắc Kinh cho xây dựng các đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo trong vùng nước tranh chấp.

Đá Subi của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo. Ảnh: Digital Globe.

Đá Subi của Việt Nam bị Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo. Ảnh: Digital Globe.

Thậm chí, mới đây, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã duyệt đạo luật trừng phạt cá nhân, tổ chức tham gia thực thi chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cụ thể, Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio và Ben Cardin cho biết, Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Trừng phạt về Biển Đông và biển Hoa Đông (S.1657), trong đó áp lệnh cấm vận nhằm vào các cá nhân và tổ chức của Trung Quốc tham gia hoạt động áp đặt tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại hai vùng biển này.

 Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên Mỹ “dằn mặt” Trung Quốc trên Biển Đông. Trước đó, đạo luật chi tiêu quốc phòng (NDAA) dày 973 trang đã từng  được thông qua tại Thượng viện Mỹ với số phiếu ủng hộ áp đảo 86 so với 8 phiếu chống.

Hoặc, sau cuộc họp bàn của hai bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Nhật, hai quan chức nhắc lại sự phản đối của Washington và Tokyo đối với bất kỳ nỗ lực nào nhằm “đơn phương dùng vũ lực thay đổi hiện trạng ở Biển Đông”. Và đã nhất trí về một kế hoạch mới nhằm ứng phó “các hành động gây bất ổn” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Trong khi đó, mặc dù có mối liên quan chặt chẽ về thương mại và đầu tư, các nước châu Á đang dần dần hình thành các khối liên minh chiến lược vì nhiều lý do để đối phó với các yêu sách chủ quyền và thái độ hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Các học giả đều cho rằng ASEAN không đủ sức mạnh quân sự chống lại Trung Quốc, nên chỉ có thể dựa vào đấu tranh pháp lý và ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế về thiết lập và tuân thủ một trật tự dựa trên luật lệ. Trật tự khu vực cần dựa trên các lợi ích và giá trị, quy tắc, quy phạm chung với các thể chế điều chỉnh hành vi của các quốc gia và quan hệ quốc tế..v..v.

Trở lại với đạo luật, có thể thấy các chính sách của Mỹ không hướng đến việc chống lại Trung Quốc nhưng Washington phản đối các hoạt động của Bắc Kinh vi phạm luật quốc tế trên Biển Đông.

Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio cho hay: “Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở và tự do. Washington cần thêm công cụ để đối phó Bắc Kinh trong bối cảnh họ tiếp tục nỗ lực áp đặt quyền kiểm soát phi pháp với các vùng ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Phê duyệt dự luật này là bước đi quan trọng đầu tiên, tôi kêu gọi Thượng viện nhanh chóng phê chuẩn đạo luật”.

Tựu trung lại, chiếu theo luật quốc tế, Bắc Kinh không có quyền đẩy mạnh quân sự hóa nhằm thực thi và mở rộng các tuyên bố chủ quyền phi lý của họ. Còn những hoạt động của Mỹ như muốn chứng minh rằng những tiền đồn cùng các hoạt động của Trung Quốc dường như không có tác động gì đáng kể đến cách Mỹ và những nước khác quyết định hoạt động và đi lại trên vùng biển khu vực.

Tức là, bằng những quy định mới, Mỹ sẽ không chấp nhận để Trung Quốc viết lại các chuẩn mực quốc tế trên Biển Đông.

Có thể bạn quan tâm

  • Biển Đông đang được kiểm soát căng thẳng bằng hòa bình?

    06:42, 08/10/2021

  • Philippines tiếp tục gửi công hàm phản đối Trung Quốc ở Biển Đông

    14:12, 30/09/2021

  • Biển Đông sẽ cân bằng?

    05:30, 25/09/2021

  • Việt Nam, Nhật Bản bàn về Biển Đông và Hoa Đông

    19:00, 12/09/2021

  • Sự quốc tế hóa trên thực tế của tranh chấp biển Đông

    05:00, 01/08/2021

  • Vụ tàu cá Trung Quốc xả thải ra Biển Đông: Quân đội Philippines vào cuộc!

    11:00, 14/07/2021

  • Xả thải ra Biển Đông: Trung Quốc đang thách thức thế giới?

    04:11, 14/07/2021

  • Trung Quốc nên tuân thủ phán quyết Biển Đông!

    03:00, 13/07/2021

  • Mỹ phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

    11:00, 12/07/2021

  • Điều tàu đến Biển Đông: Trung Quốc hãy dừng lại nếu muốn được tôn trọng!

    04:00, 12/07/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mỹ trừng phạt Trung Quốc trên Biển Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO