Năm 2024 cần đại phẫu sự trì trệ

TS. Tô Văn Trường 26/02/2024 03:00

Tình hình kinh tế xã hội cuối năm 2023 và đầu năm 2024 còn nhiều khó khăn thử thách do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan liên quan đến luật pháp và điều hành quản trị quốc gia.

>>Bất cập đấu thầu dự án chưa giải phóng mặt bằng

Trong khuôn khổ bài viết nay, tôi chỉ đề cập đến 3 vấn đề có tính chất thời sự, ảnh hưởng trực tiếp đến quốc kế, dân sinh.

Luật Đấu thầu chưa đi vào cuộc sống

Luật Đấu thầu sửa đổi đã có hiệu lực từ 01/01/2024 nhưng đến nay vẫn chưa ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện nên Luật chưa đi vào cuộc sống, gây trở ngại ách tắc cho các hoạt động kinh tế, xã hội trong cả nước, đặc biệt là tiến độ thực hiện các nhiệm vụ có kế hoạch thời hạn cần phải đấu thầu, đơn cử như việc đấu thầu xây dựng hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh - danh nhân Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông (1726 – 2026), nếu đến tháng 9/2024 không kịp hoàn thành hồ sơ thì chúng ta sẽ bỏ lỡ cơ hội 50 năm sau mới có thể đề nghị lại. Cách làm luật của nước ta chuyển biến rất chậm so với yêu cầu của cuộc sống, mà nguyên nhân chính là do cơ chế và con người.

Tăng lương – mừng và lo

>>Cao tốc Việt Nam và những điểm thấp

Theo bản tin thời sự, từ ngày 01/7/2024, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30%. Tin này rất được chờ đợi và hoan nghênh, nhưng lẽ ra có thể làm tốt hơn nữa.

Trang web ebh.vn của Bảo hiểm xã hội điện tử cho biết lương cơ sở tăng dần qua các năm để có thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (gọi chung là “người ăn lương”). Trong giai đoạn 2016-2019, lương cơ bản tăng mỗi năm 5% đến 7%, nhưng mức tăng tổng thu nhập có lẽ thấp hơn. Riêng từ 1/2023, lương cơ sở tăng lên mức 1.800.000 đồng sau 4 năm giữ nguyên ở mức 1.490.000 đồng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19.

Dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30%

Dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30%

Nói là lương cơ sở được tăng dần qua các năm “để có thể đáp ứng được nhu cầu cơ bản”, nhưng những con số thực tế cho thấy ngay cả cho nhu cầu cơ bản, như thế là chưa đủ. Lấy ví dụ: bác sĩ, nhân viên y tế, giáo viên các cấp đào tạo giáo dục còn sống quá cơ cực so với sức lao động và trí tuệ họ bỏ ra.

Do đó tôi cho rằng nên tăng tổng thu nhập (không chỉ lương cơ bản) mỗi năm vài phần trăm vừa để bù cho lạm phát vừa để nâng cao mức sống. Dựa theo chỉ số CPI của Tổng cục Thống kê năm trước để tính toán cho hợp lý năm sau, như vậy người ăn lương không phải sống thiếu kém một thời gian dài để chờ một cú tăng đột biến.

Tương tự, giá công ích (bao gồm điện, nước, xử lý nước thải, thu gom rác, chi phí vận hành bảo dưỡng hệ thống giao thông chủ yếu đường bộ và đường thủy, v.v.) tăng mỗi năm dăm ba phần trăm vừa để bù cho lạm phát vừa để tạo quỹ khấu hao và phát triển. Tăng đều đặn mỗi năm giúp các cơ quan công ích có đủ nguồn thu để cung cấp dịch vụ thỏa đáng cho người dân đồng thời cũng có đủ nguồn thu để phát triển theo đà tăng khi mức sống người dân năng cao.

Nói là tăng đều đặn nhưng dĩ nhiên mỗi năm có tăng nhiều hay tăng ít tùy tình hình kinh tế và khả năng ngân sách, nhưng chắc chắn không để xảy ra tình trạng tăng cao đột biến sau một số năm không tăng gì cả. Cần có khoản dự phòng cho những tình huống đột biến để tránh tình trạng đóng băng tiền lương như trong giai đoạn Covid-19.

Đây là cách thức tăng tiền lương (lĩnh vực công lẫn tư) và tăng giá công ích mà nhiều nước áp dụng.

Không nên tăng tổng thu nhập một lúc ở mức cao, bởi vì làm như thế sẽ tạo ra cú sốc khiến giá cả tăng cao đột biến tương ứng. Còn có yếu tố tâm lý: tăng đột biến quá cao có thể khiến người ăn lương có xu hướng tiêu xài đột biến theo mà không có kế hoạch chín chắn cho tương lai.

Cần lưu ý việc tăng lương 30% vào tháng 7 này có 2 lý do chính: Một là Chính phủ xin ý kiến Quốc hội là tháng 7 năm 2023 sẽ không tăng hệ số cơ bản theo lộ trình đã định mà dành nguồn lực để trang trải hậu quả của đại dịch Covid-19, hai là tháng 7/2024 sẽ tăng lương cao 1 lần theo cách trả lương mới công bằng hơn (theo vị trí làm việc) và khắc phục mặt bằng lương công chức, viên chức quá thấp hiện nay.

Tuy nhiên, vẫn cần tính lại lịch trình tăng tổng thu nhập. Tăng đều đặn mỗi năm giúp người ăn lương đỡ âu lo mà lập kế hoạch chi tiêu về lâu dài cho nhà cửa, giáo dục con cái, mua xe, tiền dành dụm...

Điều tệ hại nhất là giá công ích (đặc biệt là giá điện) tăng cao như EVN từng đề nghị vào thời điểm tiền lương không tăng. Như vậy, người ăn lương cố định vừa phải lo thu vén cho giá điện mới vừa phải lo đối phó với vật giá tăng cao “ăn theo” điện.

Vậy thì cần tính toán để trong tương lai trước mắt (chẳng hạn 5 năm cho dễ tính), mỗi năm một lần tăng giá công ích vừa phải đồng thời tăng tổng thu nhập tương ứng cho người ăn lương có tính đến mức bù cho mức tăng giá công ích. Tăng tổng thu nhập ở mức sao cho không những để bù lạm phát, mà còn đều đặn nâng cao mức sống cho người ăn lương, chứ không chỉ “đáp ứng được nhu cầu cơ bản”.

Như vậy, cần thiết có chương trình song hành nhằm tinh giản mạnh mẽ bộ máy công quyền trùng lặp tốn tiền thuế của dân, từ đó tăng hiệu suất làm việc và hỗ trợ công cuộc phòng chống tham nhũng. Dần dà, có thể tạo đủ điều kiện để đạt đến mục đích cho công chức “không cần, không muốn tham nhũng” như đã đề ra.

Cần tính toán ngay từ bây giờ để có thể bắt đầu áp dụng từ năm 2025. Trong những ngày đầu năm này, có lẽ Nhà nước cũng nên tính đến tiền thưởng Tết cho những năm sau, tương tự như lĩnh vực tư. Rà soát ngân khổ để định mức thưởng hợp lý cho toàn ngành, tránh thưởng đánh đồng nhưng cũng nên tránh tình trạng như vừa rồi: có bệnh viện thưởng cao tiền Tết nhưng nhiều bệnh viện ở thành phố Hồ Chí Minh không có thưởng Tết. Vậy thì Trung ương nên có kế hoạch “bù thưởng” cho những đơn vị thiếu tiền thưởng Tết tuy trong năm họ vẫn làm việc tốt, mà vì lý do nào đó lại không thể tích lũy quỹ thưởng Tết. Và cách hợp lý nhất, được hoan nghênh nhất, là chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng thay vì khệ nệ phát những thùng quà. Được như vậy, đỡ nhọc mệt cho chính quyền trong khi người ăn lương, vốn là những người trưởng thành, biết cách sử dụng tiền Tết có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thiết thực của gia đình họ. Như thế, người ăn lương thấy họ vừa được cơ quan thưởng xứng đáng cho công sức của họ, đồng thời thấy Nhà nước vẫn không quên chăm lo thêm cho đời sống của họ trong dịp lễ Tết.

Tiến độ thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam

Metro số 1 sẽ chạy thương mại vào tháng 7.2024

Metro số 1 sẽ chạy thương mại vào tháng 7.2024

Trước hết, cần nhìn qua tiến độ thực hiện ba dự án đường sắt đô thị ở Việt Nam để từ đó làm tiền đề xem xét dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) được khởi công tháng 10/2011, dự kiến đưa vào khai thác thương mại từ tháng 6/2015, nhưng thực tế, chính thức khai thác thương mại từ tháng 12/2021. Tức là thời gian thực hiện dự kiến 4 năm kéo dài gấp hai lần rưỡi thành 10 năm.

Dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội khởi công năm 2009, kế hoạch hoàn thành năm 2015, nhưng sau bốn lần lùi tiến độ, mốc hoàn thành mới cho toàn tuyến dự kiến là năm 2027. Tức là thời gian thực hiện dự kiến 6 năm kéo dài ít nhất gấp ba, thành 18 năm.

Dự án tuyến Metro số 1 (Thành phố Hồ Chí Minh) được khởi công năm 2012 và dự kiến đưa vào vận hành thương mại năm 2018. Nhưng theo kế hoạch mới nhất, công tác vận hành thương mại dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 7/2024. Tức là thời gian thực hiện dự kiến 6 năm kéo dài gấp đôi, thành 12 năm.

Như vậy, ba dự án đường sắt đô thị đầu tiên ở Việt Nam có thời gian thực hiện kéo dài lần lượt gấp 2; 2,5 và 3 lần so với dự kiến. Nếu cứ mỗi dự án đường sắt đô thị mất cả thập kỷ để hoàn tất thì quy hoạch hệ thống đường sắt độ thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cần thời gian rất dài, từ đó kéo theo chi phí rất cao.

Tương tự, nếu tiến độ dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam bị kéo dài như thế thì gay quá!

Từ đó, đặt ra vấn đề làm thế nào rút kinh nghiệm cho việc thực hiện dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam với trình độ công nghệ cao gấp nhiều lần, độ khó thi công cũng cao tương ứng. Nếu không nghiêm túc rút kinh nghiệm mà để những vấn nạn đã có cứ lặp đi lặp lại (như việc giải tỏa mặt bằng ở đa số các dự án) thì dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sẽ bị đội vốn lên rất cao khiến cho nền kinh tế Việt Nam khó đáp ứng, hoặc đáp ứng được thì phải hy sinh những lợi ích thiết yếu khác, như là công ích và an sinh xã hội.

Cần thiết phải có cuộc “đại phẫu” ba dự án đường sắt đô thị nêu trên để tìm ra những nguyên nhân làm chậm tiến độ, từ đó đề ra những biện pháp khắc phục hiệu quả.

Những biện pháp khắc phục và cải thiện sẽ khá đa dạng và cần đồng bộ nhằm đạt mục đích gỡ bỏ ách tắc, giải quyết vướng mắc, từ việc chấn chỉnh luật pháp và quy định (kể cả tiêu chuẩn xây dựng), đến việc đào tạo nguồn nhân lực cũng cần phải tiến hành ngay bây giờ, vì những chương trình đào tạo như thế cần có thời gian để phát huy hiệu quả, tiếp nhận bàn giao (kể cả bỏ tiền ra mua lại công nghệ), huy động nguồn vốn (kể cả việc phát hành trái phiếu), thuê nhân sự cao cấp nước ngoài, quy định trách nhiệm quyết liệt gắn liền với chế độ khen thưởng, kỷ luật rõ ràng chứ không bỏ qua sai phạm bằng cách “rút kinh nghiệm”, thực hiện những dự án song hành như cung cấp vật liệu thi công và cấp điện cho kịp tiến độ...

Có rất nhiều vấn đề cần được mổ xẻ từ chọn phương án tối ưu, hiệu qủa kinh tế xã hội, môi trường đến công nghệ, trợ giá… rất nhiều việc phải làm tiếp theo sau đó để có thể đưa dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam nhanh đến đích như mong muốn chứ không phải là Kim tự tháp của Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Còn bao nhiêu vụ

    Còn bao nhiêu vụ "vượt barie vào địa phủ” trên cao tốc?

    19:31, 17/02/2024

  • Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu: Lại là nỗi lo thiếu đất đắp nền

    Cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu: Lại là nỗi lo thiếu đất đắp nền

    00:06, 24/01/2024

  • Hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp tiểu vùng trục cao tốc phía đông phải đi vào thực chất

    Hoạt động của Hội đồng doanh nghiệp tiểu vùng trục cao tốc phía đông phải đi vào thực chất

    03:28, 16/01/2024

  • Dự thảo Nghị định về đấu thầu: Cần đảm bảo hài hòa trong mua sắm thuốc, vật tư y tế

    Dự thảo Nghị định về đấu thầu: Cần đảm bảo hài hòa trong mua sắm thuốc, vật tư y tế

    04:00, 04/11/2023

  • Doanh nghiệp có lợi nhuận lớn, lãnh đạo được đề xuất tăng lương thưởng?

    Doanh nghiệp có lợi nhuận lớn, lãnh đạo được đề xuất tăng lương thưởng?

    02:00, 13/11/2023

  • Bất cập thuế thu nhập cá nhân – Đừng để tăng lương chỉ trên “danh nghĩa”

    Bất cập thuế thu nhập cá nhân – Đừng để tăng lương chỉ trên “danh nghĩa”

    04:00, 17/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Năm 2024 cần đại phẫu sự trì trệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO