Điện mặt trời mái nhà giúp các ngành may mặc, sắp tới đến thủy sản, da giầy, chế biến gỗ giành lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu, tuy nhiên phát triển nguồn năng lượng này vẫn còn khó khăn, vướng mắc.
>>Đề xuất chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà cho khu công nghiệp
Gần đây, có nhiều bài phân tích, ý kiến dư luận và người tiêu dùng về định hướng và dự thảo của Chính phủ, Bộ Công Thương liên quan đến năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà. Tại các bản dự thảo chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà của Bộ Công Thương hướng tới quy định đối tượng được phép lắp đặt điện mặt trời mái nhà tập trung vào hộ gia đình, cá nhân và cơ sở hành chính công. Đặc điểm của các đối tượng này có quy mô diện tích mái lắp đặt nhỏ, phân tán và có đặc tính tiêu thụ điện không liên tục trong các thời điểm ban ngày và các ngày trong năm. Khu vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ thương mại có quy mô diện tích mái để lắp đặt, công suất tiêu thụ điện của phụ tải lớn thì dự thảo hiện đang chưa đưa vào đối tượng và phạm vi điều chỉnh của chính sách.
Bất cập
Bên cạnh đó, dự thảo đề xuất thủ tục hành chính để thực hiện triển khai tại các đơn vị còn nhiều dấu hỏi đặt ra trong thực tiễn triển khai. Dự thảo theo hướng đưa việc cấp phép lắp đặt điện mặt trời (ngoại trừ quy định đấu nối thuộc về trách nhiệm của EVN địa phương) do các cơ quan hành chính địa phương cấp phường/xã và huyện cấp phép theo quy mô. Trình độ năng lực của đội ngũ cán bộ tại địa phương và quy trình đồng nhất thủ tục cấp phép là câu hỏi rất lớn cho trong thực tiễn triển khai. Với quy định này dường như việc triển khai điện mặt trời mái nhà sẽ được gói chặt chứ không còn là khuyến kích phát triển.
“Đơn cử việc lắp đặt các tấm PV Module trên công trình xây dựng đòi hỏi công trình xây dựng phải có giấy phép xây dựng hoặc được miễn giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, với thực trạng quản lý đô thị và công trình xây dựng như hiện nay, các tỷ lệ công trình nhà ở riêng lẻ không có đủ hay được hoàn công không đúng theo giấy phép xây dựng là khá lớn”.
Việt Nam với định hướng mạnh mẽ trong việc phát triển năng sạch với nhiều giải pháp đồng bộ được nêu ra nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và các cam kết giảm phát thải với cộng đồng quốc tế. Đi sâu vào phân tích, có hai mức độ cam kết về giảm phát thải chống biến đổi khí hậu trên bình diện quốc tế: mức độ thứ nhất thuộc về cam kết quốc gia, mức độ kế tiếp theo đó là các doanh nghiệp chịu sự chi phối trong việc đóng góp và trách nhiệm giảm phát thải theo các hiệp định khung. Và như vậy không phải chỉ riêng Chính phủ hành động mà các doanh nghiệp cũng phải hành động để các hàng hóa, dịch vụ của mình đủ điều kiện tự do lưu thông trên thị trường quốc tế.
Hiệu ứng cạnh tranh
>>Phát triển năng lượng xanh: Hài hoà lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và nhà nước
Các ngành đồ gỗ, da giày, dệt may, nhuộm cùng nhiều cơ sở sản xuất khác trong nước sẽ bị áp dụng hạn mức giảm thải từ năm 2026 khi muốn xuất khẩu các sản phẩm của mình sang thị trường Liên minh châu Âu, Nhật, Mỹ và một số quốc gia khác. Và dường như điện mặt trời mái nhà là nguồn điện xanh-sạch có thể triển khai nhanh, thực sự hiệu quả kinh tế cho các doanh nghiệp để đáp ứng các tiêu chí sản xuất xanh cho xuất khẩu.
Một hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất 1MWp cần diện tích lắp đặt khoảng 5000 m2, tại khu vực miền Nam trung bộ và Nam bộ sẽ cho sản lượng điện khoảng 1.500.000 kwh/năm và theo IEA, 1KWh điện mặt trời sẽ góp phần giảm tương đương 407gCO2. Với mức giá điện bình quân mua của EVN (giờ cao điểm và bình thường) trong ngày khoảng 2.100đ/kwh (chưa VAT) thì 1 năm doanh nghiệp tiết kiệm được tiền điện khoảng 80%*1.500.000*2.100đ = 2.520.000.000VNĐ (chưa VAT) với giả định hiệu suất khai thác điện từ hệ thống là 80% (20% còn lại hệ thống điện mặt trời phát không tải tại các khung giờ nghỉ và ngày lễ, ngày nghỉ). 20% còn lại sẽ gây áp lực phát lên hệ thống lưới của EVN. Với suất đầu tư hiện tại khoảng 11-12 tỷ VNĐ/Mwp, dễ dàngnhận thấy doanh nghiệp sẽ thu hồi vốn đầu tư trong vòng 5-5,5 năm, tương đương với mức IRR bình quân 20-25%.
Bằng phân tích tương tự, có thể dễ dàng tính toán hiệu quả đầu tư lắp đặt cho hộ gia đình và các cơ sở hành chính công. Với hiệu suất khai thác từ 60-70% công suất điện mặt trời thì thời gian thu hồi vốn từ 5-7 năm cho khu vực nhiều nắng, và 10-12 năm cho khu vực miền Bắc.
An ninh năng lượng
Dễ dàng nhận thấy hiệu quả kinh tế là đáng kể khi phát triển điện mặt trời “tự sản tự tiêu” từ hộ gia đình, cơ sở hành chính và cơ sở sản xuất kinh doanh. Nhưng khi phân tích ở góc độ xây dựng chiến lược phát triển năng lượng của một quốc gia, An ninh năng lượng là yếu tố quan trọng nhất trong bộ ba năng lượng. Đặc biệt là đối với Việt nam, nền kinh tế đang phát triển cần duy trì sự ổn định cân bằng và an ninh năng lượng điện cho sản xuất kinh doanh, an ninh quốc qia và phù hợp với điều kiện kinh tế.
Năng lượng thế giới dựa trên ba khía cạnh cốt lõi của bộ ba năng lượng - Trilemma: An ninh, Công bằng năng lượng và Tính bền vững của môi trường. Các quốc gia thực hiện các chính sách năng lượng nhằm đạt được sự cân bằng giữa bộ ba bất khả thi sẽ đem lại sự thịnh vượng và khả năng cạnh tranh về hiệu suất năng lượng của mỗi quốc gia.
Hậu tăng trưởng nóng năng lượng tái tạo trong những năm gần đây đã đặt ra nhận thức mới trong việc quy hoạch và phát triển năng lượng của Việt nam. Mặc dù có tỷ lệ tăng trưởng năng lượng tái tạo vượt bậc trong thời gian ngắn (2019-2021) góp phần nâng cao tính bền vững môi trường của hệ thống năng lượng Việt Nam, nhưng an ninh năng lượng và công bằng năng lượng vẫn chưa thực sự được đảm bảo: thiếu điện cục bộ vào tháng 6/2023 vừa qua và nguy cơ tiếp diễn chu kỳ các năm tiếp theo, áp lực tăng giá điện và sự minh bạch công bằng trong cơ cấu giá điện là những minh chứng cho việc đánh đổi của 2 mục tiêu còn lại trong bộ ba năng lượng.
Quy hoạch điện 8 đã đề ra định hướng và kế hoạch chuyển dịch năng lượng nhằm đạt mục tiêu Net-Zero vào năm 2050. Tuy nhiên, các thách thức trong việc chuyển dịch năng lượng đòi hỏi phải đặt các giải pháp vào khung Trilemma nhằm đảm bảo các mục tiêu an toàn, công bằng và bền vững đã được đưa ra tại Nghị Quyết số 55-NQ/TW.
Bảng xếp hạng cho thấy có khoảng cách rất lớn giữa Việt nam, các nước Đông Nam Á và các nước dẫn đầu, điều đó phần nào phản ánh sức mạnh của các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới. Thật khó có thể tìm ra một phương pháp công bằng để so sánh các chỉ số Energy Trilemma giữa Quốc gia đang phát triển và Quốc gia phát triển. Tại các Quốc gia đang phát triển, trên con đường tiến tới sự ổn định, thịnh vượng chủ quyền của mình không thể không có sự đánh đổi giữa môi trường và phát triển sản xuất công nghiệp quy mô lớn. An ninh năng lượng là đầu vào thiết yếu cho toàn bộ nền sản xuất của mọi quốc gia, tại Việt Nam ngoài nhân công và tài nguyên hiện hữu hiện chúng ta đang phụ thuộc lớn vào chuyển giao công nghệ và tư bản tài chính cho chiến lược phát triển năng lượng. Sự lệ thuộc này đặt ra vấn đề hoạch định chiến lược đối với các quốc gia đang phát triển phải đặc biệt cân nhắc cho các thế hệ tương lai tránh rơi vào tình trạng khủng hoảng kép “tài nguyên khai thác kiệt quệ, vấn nạn môi trường và các khoản nợ đến hạn khổng lồ”.
>>Đón đọc: Điện mặt trời mái nhà - Bài 2: Đánh giá sự tác động của chính sách
Có thể bạn quan tâm
Đề xuất chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà cho khu công nghiệp
05:00, 26/11/2023
Điện mặt trời mái nhà: Cần phát triển phù hợp với mục tiêu của Quy hoạch điện VIII
03:00, 28/10/2023
Cần chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà trong khu công nghiệp
03:00, 20/09/2023
Thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà
01:00, 19/08/2023
TP.HCM đề xuất cơ chế đặc thù cho điện mặt trời mái nhà công sở
11:26, 07/08/2023
Thu hút doanh nghiệp FDI vào năng lượng xanh
12:00, 06/12/2023
Startup xe điện Pebble tạo năng lượng xanh cho dòng xe kéo du lịch
02:52, 24/10/2023